Trường tồn với thời gian
Trong tiềm thức của nhiều người Việt, trầu cau bước ra từ một câu truyện cổ tích. Kể từ đó, ăn trầu trở thành một phong tục truyền thống của nhân dân ta nhằm tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay... đều không thể thiếu miếng trầu.
Tục ăn trầu tất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống dân tộc.
Chỉ là têm một miếng trầu mà dân gian đã tinh tế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau: trầu cánh phượng, trầu cánh kiếm, trầu mũi mác, trầu cánh quế... Tùy hoàn cảnh, tùy tình huống, miếng trầu được têm theo những cách khác nhau và ý nghĩa tượng trưng của từng kiểu dáng cũng thật rõ ràng. Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của con người. Nói cách khác, một cơi trầu têm khéo léo có thể nói lên tài hoa của người têm, qua đó còn phần nào thấy được cả nền nếp giáo dục của gia đình. Chính vì lẽ đó, khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi bằng được cô gái ra têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa...
Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, thể hiện sự khéo léo của những liền chị. Miếng trầu của họ có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời. Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám ngày nào không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống dân tộc.
Một nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ: "Tục ăn trầu, mời trầu của người Việt đã trở thành biểu tượng nghệ thuật, đi vào thơ ca và làm nao lòng bao người con xa xứ..."
Nhai và ngẫm...
Trầu không phải là món ăn giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Cùng là "quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh xanh" nhưng cách ăn trầu của mỗi vùng lại khác nhau. Riêng người miền Bắc, họ có một cách nhai trầu rất duyên dáng, họ ăn trầu không những làm đỏ môi, răng đen mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp. Cau được nhai giập mới cho trầu vào và sau cùng là quệt thêm một ít vôi, khi ăn người ta thường lấy tay quệt ngang miệng, lâu dần tạo thành nét môi cắn chỉ. Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa, trầu cau được dùng như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét. Sau nhiều năm nghiên cứu về thói quen ăn trầu, người ta cho rằng, điều kì diệu của trầu ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận, khi tách riêng thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ.
Ngày nay, sự xoay chuyển của xã hội khiến con người tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa, nhưng miếng trầu quả cau vẫn là một phong tục đẹp, thể hiện bản sắc riêng. Với người quen ăn trầu, món ăn này cho người ta cảm giác hơi say say, từ đó câu chuyện tâm tình trở nên cởi mở. Với người không biết ăn trầu nhưng yêu thích nét văn hóa này, chỉ cần được chiêm ngưỡng những vật dụng liên quan đến tục ăn trầu còn lưu lại đến ngày nay thì họ sẽ càng thêm yêu quý, trân trọng thứ di sản văn hóa bình dị nhưng đã làm nên một tâm hồn, một cốt cách Việt Nam.