Tôi đến thăm quan “Bảo tàng Chiến thắng B52”, “Hà Nội- Điên Biên Phủ trên không”, một phần lịch sử hào hùng gắn bó với Thủ đô vào một ngày đầu đông. Trời se lạnh, lâm râm mưa phùn. Nhưng khi đặt chân vào không gian khu triển lãm tôi chợt cảm thấy ấm lòng.
Những hiện vật vô giá tại Bảo tàng chiến thắng B52.
Đến với bảo tàng đông nhất là các cựu chiến binh đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Họ trang nghiêm đi thành từng đoàn, quân phục bạc màu, chỉnh tề, trên ngực đỏ rực các loại huân, huy chương. Nhiều người trong số họ là chứng nhân lịch sử của 12 ngày đêm mùa đông Hà Nội không ngủ cuối năm 1972. Thiếu tá Lê Huy mái tóc đã bạc, trầm ngâm trước bức ảnh cảnh phố Khâm Thiên "bằng địa" đau thương sau trận bom B52. Anh xúc động kể về cái đêm định mệnh đó: Tôi vốn là tự vệ của Nhà máy Trung Quy Mô (nay là nhà máy cơ khí, chính xác nằm trên đường Nguyễn Trãi - quận Đống Đa). Chiều tối 26/12/1972, tôi được lệnh vào Xí nghiệp trực chiến. Nếu tôi ngủ lại ở nhà như mọi đêm thì…". Anh Huy nghẹn ngào không nói lên lời. Sau khi trấn tĩnh trở lại, anh nói tiếp: "Tôi làm đơn xin nhập ngũ, trực tiếp cầm súng vào chiến trường đánh giặc Mỹ xâm lược, trả thù cho Khâm Thiên". Anh cho biết, anh chiến đấu một lèo cho đến trận huyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, rồi lại có mặt tại biên giới phía Tây Nam đánh đuổi bọn Pôn Pốt, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc thân yêu. Đất nước yên hàn, cởi áo lính, tiếp tục làm người thợ, xây dựng gia đình, giờ thì đã có đủ cháu nội, ngoại, một tổ ấm hạnh phúc.
Bên cạnh du khách trong nước, Bảo tàng cũng thu hút nhiều du khách trong đó có nhiều người đến từ châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Họ xem, chụp ảnh kỷ niệm, ghi chép tỉ mỉ, bởi trước mắt họ là những hiện vật gốc ấn tượng, là những khí tài tham gia vào trận đánh "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Chiếc máy bay MIC21 ngạo nghễ, số 5033 của anh hùng Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều đã từng lao vào bầy "giặc trời" hạ 3 máy bay F111, bắn gục "pháo đài bay B52" của Mỹ năm 1972. Bên cạnh là tên lửa SAM2 vươn lên bầu trời chỉ một phát đạn xóa sổ máy bay chiến lược B52 của không lực Hoa Kỳ.
Suốt chiều dài lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam, người Hà Nội dám đánh, biết đánh "Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu ở trên đời" (Tố Hữu). Vì thế mà rất ân tình, ân nghĩa, tri ân, thủy chung với bạn bè. Phần cuối trong Bảo tàng là trưng bày, giới thiệu sự ủng hộ của các nước XHCN anh em, nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ngay trong lòng nước Mỹ, Ngọn lửa MORIXON đã nói lên tất cả.
Tôi rất ấn tượng khuôn mặt của Cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ Kis-sinh-gơ - thông minh, lanh lợi, toát lên đầy mưu mô giảo hoạt. Sau khi cực chẳng đã, phải chấp nhận đặt bút ký hiệp định Pari, ông ta xin vào thăm Việt Nam. Dân tộc ta vốn hiếu khách, sống bằng triết lý "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại", chúng ta sẵn sàng mở rộng cửa đón ông ta. Thăm Viện Bảo tàng Lịch sử, nghe dịch xong bài thơ Thần- Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, ông ta gật gù bảo "Đây là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam". Phải chăng hai câu kết bài thơ đã làm ông "ngộ" ra, thức tỉnh, dù có muộn màng: "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (Nếu kẻ nào đụng tới dân tộc này thì chúng bay sẽ nhận phần thất bại).
Bài, ảnh: Tuấn Phúc