Còn hơn 414.000 lao động chưa được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

12-07-2022 10:18 | Thời sự

SKĐS - Vẫn còn hơn 414.000 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng hạn nhưng chưa được chi trả, với số tiền khoảng 1.155 tỉ đồng theo Nghị quyết 03 /2021 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tính đến ngày 31/3/2022, cả nước đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 346.806 doanh nghiệp, tương đương 11,47 triệu lao động. Tổng số tiền được giảm đóng khoảng 4.426 tỉ đồng (số tiền giảm đóng tính từ tháng 10/2021 đến 31/3/2022).

Bên cạnh đó, đã có gần 12,97 triệu người lao động thuộc đối tượng được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (từ 1,8 triệu -3,3 triệu đồng/người).

Còn hơn 414.000 lao động chưa được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
 - Ảnh 1.

Người lao động đến làm thủ tục Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.

Quá trình thực hiện chính sách, không có sai sót hồ sơ được phát hiện trong số tiền 30.800 tỉ đồng đã chi trả. Số tiền được trích từ phần kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cao hơn đôi chút so với dự toán ban đầu là 30.000 tỉ đồng.

Theo Bộ LĐTBXH, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Việc triển khai thực hiện chính sách nhìn chung minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ. Báo cáo nêu rõ, do dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có nên việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn.

Đến nay, việc xác định số tiền giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ cơ bản đã hoàn thành.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, việc xác định rõ đối tượng tại các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... gặp những khó khăn nhất định.

Chính sách này được xây dựng và ban hành trong bối cảnh đặc biệt, cấp bách để kịp thời hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dẫn đến việc dự báo người lao động hưởng chính sách chưa sát thực tế. Khi triển khai, số tiền chi trả vượt mức quy định.

Sau thời hạn thực hiện chính sách, ngày 31/12/2021, vẫn còn hơn 414.000 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng hạn nhưng chưa được chi trả, với số tiền khoảng 1.155 tỉ đồng. Nguyên nhân là hồ sơ đề nghị nộp quá sát hạn chót, quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của nhiều người phức tạp, nhân thân của người lao động chưa chính xác nên cần xác minh thêm, sai thông tin số tài khoản ngân hàng…

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 119.357 người với số tiền hỗ trợ trên 336 tỷ đồng (Biểu số 3) nhưng chưa chi trả. BHXH cũng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 295.107 người thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa giải quyết với số tiền dự kiến là gần 819 tỷ đồng (Biểu số 4).

Một trong những nguyên nhân của nhóm đối tượng này được lý giải là trong quá trình thực hiện, BHXH Việt Nam gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng hỗ trợ, cơ sở để xác định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các đơn vị do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập được giao tự chủ về tài chính làm cơ sở thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP. 

Do đó, việc thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ của một số đơn vị đặc thù còn chậm so với thời hạn (đơn vị sử dụng lao động gửi danh sách đề nghị hưởng mà chưa kịp rà soát, kiểm tra, hoàn thiện thông tin đề nghị hưởng của người lao động).

Do đó, Bộ LĐTBXH đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với lao động đã nộp hồ sơ đề nghị theo đúng thời hạn quy định (chậm nhất ngày 20/12/2021). Thời gian thực hiện chi trả là 2 tháng, kể từ ngày UBTV Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện hỗ trợ.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầu năm 2022 tăng mạnhSố người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầu năm 2022 tăng mạnh

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến thời điểm cuối tháng 4/2022 tăng hơn 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2021.

Mai Xuân
Ý kiến của bạn