Cơn gió lạnh đã qua

02-12-2014 08:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có thể ví von chuyện này với chuyện an ninh trật tự tại TP.HCM và các thành phố lớn khác trong vòng 1 năm nay, khi những người nghiện ma túy chậm được đưa đi cai nghiện bởi… luật.

Nếu ai ở miền Bắc vào mùa Thu - Đông, khi cơ thể không được khỏe, sẽ có lúc rùng mình vì một cơn gió lạnh, lạnh đến ớn mình. Có thể ví von chuyện này với chuyện an ninh trật tự tại TP.HCM và các thành phố lớn khác trong vòng 1 năm nay, khi những người nghiện ma túy chậm được đưa đi cai nghiện bởi… luật. TP.HCM thời gian qua xảy ra nhiều vụ trọng án, trong đó có những vụ liên quan đến ma túy.

May mắn là, Chính phủ, Quốc hội đã cho cơ chế đi khám và cắt cơn nghiện, giải độc, đối với người nghiện, trước khi tòa cho phán xét về đối tượng đi chữa bệnh bắt buộc. Xin nói thêm, trong việc tòa phán xử đưa đi chữa bệnh bắt buộc, về góc nhìn thuận chiều, đây là việc làm mang tính nhân văn, bởi: người nghiện ma túy có cơ hội thoát nghiện, người dân bớt lo lắng, tình hình trật tự xã hội phần nào sẽ được vãn hồi. Như vậy, việc tòa phán xử một người nào đó đi chữa bệnh (bao gồm cai nghiện) không đơn thuần là chuyện trừng phạt.

Cả nước hiện có hơn 200.000 người nghiện ma túy, trong đó TP.HCM chiếm số lượng đông nhất, khoảng 20.000. Đây mới chỉ là con số thống kê được. Ai cũng có thể biết, với số người nghiện này thời gian qua được “thoải mái” ngang dọc trong xã hội đã dẫn đến hàng trăm vụ việc lớn nhỏ từ trộm cắp vặt đến những vụ trọng án, gây hoang mang cho cộng đồng. Có cơ chế để nhanh chóng quản lý người nghiện góp phần giải tỏa những bức xúc này.

Nói cơn gió lạnh đã qua là vì vậy.

Thế nhưng, việc tập trung quản lý người nghiện, cai nghiện và chữa bệnh cho họ chỉ là mới một phần của vấn đề. Một nửa còn lại, có thể nói là quan trọng nhất, là làm sao chặt được các “vòi bạch tuộc” ma túy đang diễn ra âm thầm nhưng không kém phần nhộn nhịp ở từng con phố, từng ngõ hẻm, trục lộ giao thông. Một người dân ở con hẻm nhỏ tại TP.HCM cho biết, người nghiện và kẻ bán ma túy liên lạc với nhau thường xuyên, rất bí mật, biết đó mà không dám báo công an vì sợ bị trả thù. Những vụ vận chuyển, mua bán ma túy lớn cần có các lực lượng đặc biệt để phá án, nhưng các vụ nhỏ lẻ diễn ra khắp nơi thì sao? Ở cầu vượt An Sương (TP.HCM) là một ví dụ sống động. Ở đây vẫn là vấn đề cũ: dựa vào sức dân, nhờ người dân làm “tai, mắt”, với điều kiện phải bảo vệ họ tuyệt đối an toàn, thuyết phục được họ cộng tác với chính quyền, công an.

"Chất trắng" bị cơ quan công an phát hiện và thu giữ

"Chất trắng" bị cơ quan công an phát hiện và thu giữ

Một nhà xã hội học nhận định, nạn mua bán, sử dụng ma túy có lẽ là một trong những quốc nạn của nước ta, nó ảnh hưởng lớn cả về kinh tế, lẫn tình hình xã hội, đạo đức, lối sống… Hơn bao giờ hết, người dân thật sự cảm thấy mối nguy hiểm đến từ vấn nạn này, cho bản thân họ và đặc biệt là với thanh thiếu niên, những đối tượng dễ bị lôi kéo, sa ngã. Nếu ai đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM vào những ngày này sẽ chứng kiến được nhiều bệnh nhân, chủ yếu là thanh niên, loạn thần do ma túy (đặc biệt là ma túy đá), những người không thể kiểm soát được hành vi của mình.

Cơn gió lạnh tạm thời lắng dịu nhưng vẫn còn đó những bề bộn băn khoăn và lo lắng, “cơ thể xã hội” vẫn chưa thực sự lành mạnh.

Thế Phong

 


Ý kiến của bạn