Hà Nội

Con gái viết sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân

07-02-2022 18:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, cuốn sách được con gái ông- Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn, vừa ra mắt dịp đầu xuân Nhâm Dần.

Nhạc sĩ Hoàng Vân - người nghệ sĩ đa tài

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018) đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc và là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp Việt Nam. Ông đã có một sự nghiệp sáng chói, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với người yêu nhạc. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018) là người có tầm ảnh hưởng lớn với âm nhạc Việt Nam.

Đông đảo quần chúng biết đến nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò... Các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng. Ông đi từ ca khúc tráng ca đến ngợi ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ thanh niên tới thiếu nhi. Tất cả những đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất….

Những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân là sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc. Tuy nhiên, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Hoàng Vân dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm mà khán thính giả ít được biết đến hơn. Ông để lại các bản giao hưởng nổi tiếng cho nền âm nhạc Việt Nam như Thành đồng tổ quốc, nhạc vũ kịch Chị Sứ, các tác phẩm viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Điện Biên Phủ

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 3.

Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân đi chợ hoa giáp Tết Giáp Ngọ 2014.

Dàn nhạc giao hưởng không chỉ hiện diện trong những tác phẩm viết cho nó mà được thể hiện và sử dụng rộng rãi từ nhạc cho phim đến cho sân khấu, từ phần phối khí các tác phẩm thanh nhạc, cho đến tư duy viết ca khúc. Khi không có dịp sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc sĩ Hoàng Vân đã dùng những thể loại thanh nhạc lớn như hợp xướng, trường ca… những tác phẩm mẫu mực trong nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam nhưng cũng vô cùng gần gũi với công chúng.

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau đến với độc giả, như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân có giá trị. Con gái ông, Tiến sĩ Lê Y Linh đã lần ngược lại thời gian để kể về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình.

Tiểu sử âm nhạc chân thực nhạc sĩ Hoàng Vân qua lời kể của con gái

Vừa là một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, Tiến sĩ Lê Y Linh ‘phục dựng’ cuộc đời của cha bằng phương pháp khoa học hiện đại. Chị đã sưu tầm các tài liệu, từ lý lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình.

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 4.

Vợ chồng nhạc sỹ Hoàng Vân cùng con trai Lê Phi Phi và con gái Lê Y Linh.

Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: "Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông".

Với quan niệm đó Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư − một nhà văn hóa − một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, cuốn sách vừa ra mắt đầu xuân Nhâm Dần 2022.

Tiến sĩ Lê Y Linh đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà nghiên cứu, các nhà báo như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… Viết về cha, nhưng Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan nhất về đời và nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nếu hầu hết ở các tác phẩm mang tính hồi ký, của chính nghệ sĩ hoặc do người thân kể lại, chúng ta có thể thấy rất nhiều những thông tin về đời tư, cuộc sống hàng ngày, những câu chuyện riêng tư của các mối quan hệ, những "bí mật" phía sau cánh gà… của nhạc sĩ Hoàng Vân thì cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, điều ấy không được tập trung thể hiện.

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 6.

Toàn bộ đời sống riêng tư của nhạc sĩ trong cuốn sách này được thể hiện qua mối tình với người vợ thủy chung, mà ông đã lấy làm bút danh Y-NA (yêu Ngọc Anh).

Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau cho công chúng thấy tác giả Hò kéo pháo chia sẻ hết mình để hòa với đời sống của muôn người luôn ở, sống và sáng tác trong thì hiện tại tiếp diễn hôm này và ngày mai - đến tận mai sau, không vấn vương quá khứ, không nhìn lại ngày qua để hối tiếc hay trì néo.

Có thể thấy toàn bộ đời sống riêng tư của nhạc sĩ trong cuốn sách này được thể hiện qua mối tình với người vợ thủy chung mà bút danh Y-NA (yêu Ngọc Anh) là một bằng chứng son sắt, tình yêu với 2 con của một người cha vừa nghiêm khắc đòi hỏi cao trong học tập và rèn luyện, vừa trìu mến trong đời sống hàng ngày. Và nhạc sĩ Hoàng Vân đã dành cho riêng mình những thú chơi lặng lẽ, đó là hội họa, là thư pháp, là những chuyến dạo chơi Hàng Lược đón Xuân…

Một tiểu sử âm nhạc chân thực về nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh 7.

Ngoài âm nhạc, Hoàng Vân lúc sinh thời còn yêu thích và thực hành viết thư pháp.

"Khi đọc cuốn sách này, bạn có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này cũng giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mỹ", Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ.

"Trong những lời cha dặn, tôi nhớ và áp dụng những câu sau đây mỗi ngày: Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, Việc hôm nay chớ để ngày mai; Khi có hai con đường, nên luôn luôn chọn con đường khó hơn; Tái ông mất ngựa; Nếu quyết tâm thì sẽ làm được; Cái gì quá cũng không tốt; Khiêm tốn là một trong những ưu điểm lớn nhất; Tầm sư học đạo; Không thầy đố mày làm nên.

Về nghề nghiệp, cách chiêm nghiệm, cách tổng quát, cách phân tích, cách nhìn nhận một vấn đề, sự nhậy cảm, tính hiếu học, tính cẩn trọng là những kỹ năng mà tôi nghĩ đã học được phần nào ở ông", Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chia sẻ một số kỷ niệm của mình với cha mà chị nhớ nhất.

Sống lại những giai điệu của nhạc sĩ Hoàng VânSống lại những giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Vân

SKĐS - Giai điệu tự hào tháng 7 kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24/7/1930), được truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 25/7/2020 trên kênh VTV1.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn