Con đường tìm thuốc trường thọ Lạ lùng, nhưng có thể hy vọng

26-03-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các nhà khoa học California đã kết nối mạch máu của cặp chuột trẻ với chuột già cho liên thông với nhau hoặc truyền thường xuyên máu của chuột trẻ cho chuột già.

Dùng máu người trẻ tăng tuổi thọ cho người già?

Các nhà khoa học California đã kết nối mạch máu của cặp chuột trẻ với chuột già cho liên thông với nhau hoặc truyền thường xuyên máu của chuột trẻ cho chuột già. Kết quả cho thấy máu tươi trẻ đã tăng cường số lượng kết nối giữa các tế bào trong trung tâm trí nhớ não bộ chuột già làm cho chúng trở nên mạnh mẽ hơn, đồng thời khứu giác bị suy giảm của chúng cũng trở nên nhạy cảm hơn.

Tôm hùm khỏe mạnh và sinh sản nhiều hơn sau mỗi lần lột xác.

Các chuyên gia Đại học Harvard dùng máu của chuột trẻ truyền vào chuột già đã giúp tăng cường thêm gần tới 50%  sức mạnh cho chuột đó. Sức chống, chịu của những chuột già được cải thiện là nhờ trong máu của chuột trẻ có một protein đặc biệt, được coi như chìa khóa đem lại hiệu ứng này, đó là protein GDF11. Một nhóm nghiên cứu khác thuộc Đại học Havard cho biết thêm, protein GDF11 giúp cải thiện khứu giác của chuột già.

Thành công khá mỹ mãn của những thử nghiệm trên động vật làm cho người ta hy vọng rằng có thể lấy máu người trẻ tăng tuổi thọ cho người già. Theo WHO, đến năm 2050 tỷ lệ người già trên dân số là 30%. Vậy lấy nguồn máu trẻ nào để giúp người già vì người già nào cũng muốn mình trường thọ? Các nhà khoa học đã tìm được protein GDF11 trong chuột thử nghiệm. Liệu có proterin GDF11 ở người và ở các động vật khác không và nếu có sẽ giúp rất nhiều cho việc tạo nguồn chế ra thuốc trường thọ?

Tuy nhiên, Hiệp hội Nghiên cứu về bệnh Alzheimer nhận định có phần dè dặt hơn: “Các nghiên cứu kiểu này không kiểm tra loại sút kém nhận thức thường thấy ở bệnh Alzheimer, một hậu quả không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa”.

Săn tìm chất hay cơ chế bí ẩn ở một số loài bất tử

Các DNA là lõi nằm ở trung tâm của mọi tế bào, được coi là vật liệu di truyền. Nhiễm sắc thể đóng vai trò quan trọng sao chép mã di truyền DNA. Các đầu mút của mỗi nhiễm sắc thể thường có một chiếc “mũ hóa học” gọi là telomere. Mỗi lần một tế bào phân chia những telomere ngắn lại một ít, sau 50 - 60 lần phân chia telomere bị ngắn đến mức không thể phân chia nghĩa là không làm được việc sao chép mã di truyền DNA, tế bào sẽ chết theo lập trình. Vì lẽ này mà quá trình lão hóa ở con người và  nhiều loài động vật hầu như không thể đảo ngược.

Đáng ngạc nhiên là, hiện tượng này không có ở tôm hùm. Loài giáp xác này sản sinh đủ lượng một hóa chất có tên gọi telomerase để làm mới các “chiếc mũ bảo vệ hóa học” telomere, do đó hầu như ngăn được cái chết theo lập trình. Đáng lẽ tôm hùm yếu đi, dễ bị tổn thương hơn thì trái lại tôm hùm ngày càng khỏe hơn và tăng sinh sản sau mỗi lẫn lột xác. Một con tôm hùm trung bình nặng từ 0,4 - 0,9kg. Dẫu vậy, năm 2009, một ngư dân ở Maine, Mỹ đã đánh bắt được một con tôm hùm khổng lồ, có trọng lượng tới 9kg và ước tính 140 năm tuổi. Cho đến nay người ta chưa được biết rõ tôm hùm có thể sống đến bao lâu nhưng điều chắc chắn đã được biết là tôm hùm hầu như không suy thoái theo tuổi tác, có thể có tuổi thọ cao hơn bất cứ loài nào trong vô vàn loài hiện có mặt trong đại dương.

Hơn tôm hùm, loài sứa Turritopsis nutricula được coi là có khả năng “bất tử”. Khi bước sang giai đoạn trưởng thành, chúng thay đổi cấu trúc của các tế bào trong cơ thể và trở về trạng thái “vị thành niên”, chưa hoàn thiện về mặt sinh dục. Điều này cũng giống như con người đã bước sang tuổi 20 tuổi lại quay trở về 8 tuổi. Mỗi con sứa Turritopsis nutricula, thường phát triển chiều dài tới 0,5cm, lặp lại chu trình trên vô hạn định.

Hầu hết mọi sinh vật chỉ có một lượng tế bào gốc, trong khi đó giun dẹt lại có 1/5 cơ thể là các tế bào gốc. Khi bị chặt đôi thì chính những tế bào gốc trong mỗi một phần được chặt ra  sẽ biệt hóa thành những tế bào đa năng khác nhau để tạo thành mô mới và do đó một cơ thể hoàn thiện lại được tái tạo.

“Simon Watt, nhà sinh vật học Anh nhận định: “Các tế bào của một số loài sinh vật trong tự nhiên không chết do hậu quả của quá trình trao đổi chất bên trong. Dường như chúng không có tuổi thọ “định sẵn” như ở con người. Liệu con người có thể tìm được chất gì trong một số loài sinh vật có đời sống kỳ diệu ấy để giúp cho sự trường thọ của mình. Muốn giải đáp được câu hỏi này cần phải hiểu được các động vật có vú trong đó có con người lại không thể trường sinh bất tử như các loài trong tự nhiên nói trên. Simon Watt đưa ra nhận xét: Phần lớn các loài trong tự nhiên có sự trường thọ mà ta biết là những loài sinh sản vô tính. Vậy phải chăng việc sinh sản lưỡng tính và hòa trộn, chọn lọc gen cho thế hệ sau  đã làm cho các động vật có vú mất đi khả năng bất tử. Dù sao thì nhận xét của Simon Watt cũng mới chỉ là sự hoài nghi. Các nhà khoa học vẫn nuôi hy vọng và vẫn không tiếc công săn tìm một chất  hay một cơ chế bí ẩn nào đó ở loài bất tử trong tự nhiên để  khả dĩ có thể áp dụng cho con người nhằm kéo dài tuổi thọ.

(Theo New Scientist, Daily Mail)

DSCKII. Bùi Văn Uy

 

 

 


Ý kiến của bạn