Thông minh, xinh xắn và làm chủ công ty đạt doanh thu hơn 100 triệu USD/năm, thành công của một cô gái gốc Việt không chỉ dựa vào những video chia sẻ bí quyết trang điểm.
Michelle Phan cùng bố mẹ sang Mỹ từ khi cô còn nhỏ. Ban đầu bố của Michelle làm công nhân còn mẹ làm móng tại một cửa tiệm. Khi Michelle lên 6, người bố nghiện cờ bạc đã lặng lẽ rời khỏi nhà.
Gia đình Michelle nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn. Đôi khi họ phải nhận trợ cấp tem phiếu lương thực để sống qua ngày. Khi đó, Michelle bắt đầu ấp ủ giấc mơ về một cuộc sống sung túc và đầy đủ vật chất cùng với mẹ.
Niềm đam mê với mỹ phẩm và nghề trang điểm của Michlle bắt nguồn từ cửa tiệm làm móng - nơi mẹ cô làm việc.
"Tôi thường đến thăm mẹ sau giờ tan học. Trong lúc chờ mẹ phục vụ khách hàng, tôi đọc hết tất cả những tạp chí về làm đẹp tại tiệm. Thế giới của ngành làm đẹp thực sự cuốn hút tôi", Michelle tâm sự ở Diễn đàn Under30 tại TPHCM đầu tuần này.
Như bao cô gái trẻ, Michelle tỏ ra tò mò và háo hức với việc trang điểm, những hộp phấn son.
“Mẹ không muốn tôi trang điểm. Bà nói tôi cần trân trọng vẻ bề ngoài tự nhiên. Nhưng tôi không thể chờ mãi được, ít nhất đến khi tôi 19 tuổi theo ý của mẹ”, cô kể.
Do vậy, Michelle giấu mẹ và tự học trang điểm mỗi khi cô không ở nhà. Số tiền lương ít ỏi từ công việc làm thêm vừa đủ để cô mua mỹ phẩm.
Lựa chọn tương lai
Khi Michelle đến tuổi 18 và chuẩn bị vào đại học, mẹ muốn cô học ngành y và trở thành bác sĩ. Đối với những bà mẹ châu Á, học trường y đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là công việc có thu nhập cao tại Mỹ.
"Đó là con đường rất an toàn đối với tương lai. Trong khi đó, ngành mà tôi rất muốn học lại liên quan tới nghệ thuật. Con đường ổn định, có lộ trình, với tương lai sáng lạn nằm bên trái, trong khi con đường bên phải là lựa chọn mà tôi không biết nó sẽ ra sao, có thể nhiều rủi ro, nhưng vô cùng hấp dẫn", Michelle thừa nhận.
Tuy nhiên, bằng sự háo hức khám phá của tuổi trẻ, Michelle khẳng định cô muốn sống đúng với đam mê. “Tôi sẽ có những trải nghiệm riêng. Do vậy, tôi cất hết những tờ đăng ký vào trường y và chọn trường nghệ thuật", cô nói.
Michelle không thể quên ngày mà cô thông báo với mẹ về quyết định chọn trường.
“Mẹ tôi đã khóc khi hay tin. Bà biết rằng chẳng ai có thể thuyết phục con gái thay đổi quyết định. Tôi ôm mẹ và nói: Rồi con sẽ ổn thôi, con sẽ tìm ra lối đi riêng, không chỉ là để thỏa mãn đam mê, mà còn tạo ra cuộc sống dư giả cho gia đình".
Thành công bị trì hoãn
Michelle đã có máy tính riêng khi còn học ở trường phổ thông. Lúc đó mọi người sử dụng kết nối quay số (dial-up) để vào Internet.
“Những âm thanh 'tít tít' đối với tôi thực sự là điều kỳ diệu. Nó kết nối chúng ta với thế giới. Tôi tin rằng đây là cánh cửa tương lai để kết nối nhân loại với nhau. Ngay khoảnh khắc đó, tôi ấp ủ ước mơ xây dựng sự nghiệp và thành công của bản thân từ thế giới mạng này”, cô tâm sự.
Michelle bắt đầu sản xuất video chia sẻ bí quyết trang điểm để đăng trên YouTube từ năm 2007. Khi đó, YouTube chưa mạnh và số lượng người xem rất thấp. Đa số video hồi ấy là phim ca nhạc, video ngẫu nhiên của các cá nhân, chương trình truyền hình.
“Tuy nhiên, khi tôi mới tiếp cận với YouTube, tôi nghĩ ngay rằng nó sẽ trở thành một ‘tivi toàn cầu’ mà cả hành tinh theo dõi, và tôi hoàn toàn có thể tự lập một kênh riêng”, Michelle lập luận.
Công cụ hỗ trợ của Michelle khi đó là laptop, webcam và những câu chuyện về làm đẹp. Khi đăng những đoạn phim, Michelle không kỳ vọng chúng sẽ thu hút nhiều người xem. Tuy nhiên, cô bất ngờ khi rất nhiều người thích chúng.
Ngoài việc đăng video, Michelle nộp đơn xin việc tại các quầy trang điểm của những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng. Cô từng lọt đến phần thi kiểm tra kỹ năng cuối cùng của hãng Lancôme. Tuy nhiên, họ loại Michelle vì cô không có kinh nghiệm về bán hàng. Khi đó tôi rất thất vọng vì tôi thực sự muốn làm việc trong ngành sắc đẹp".
Tuy nhiên, “cánh cửa YouTube” đã dẫn Michelle đến những cơ hội bất ngờ. Năm 2009, một người đại diện của Lancôme chủ động liên hệ với Michelle.
“Người đại diện nói họ đã xem và rất thích các video của tôi trên YouTube. Họ muốn tôi trở thành người đại diện cho thương hiệu của họ trên mạng. Đó quả là một cơ hội tốt và tôi không thể từ chối. Đôi khi bạn rất muốn một điều gì nhưng không thể có nó ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ nản lòng vì những cơ hội tốt hơn sẽ đến trong tương lai”, cô kể.
Xây dựng doanh nghiệp
Trong quá trình duy trì kênh riêng trên YouTube và hợp tác với Lancôme, Michelle bắt đầu nghĩ rằng YouTube không thể là thành công duy nhất trong sự nghiệp. Cô lên kế hoạch kinh doanh riêng, rồi thành lập dự án Ipsy vào năm 2012.
Ipsy là dịch vụ thuê bao mà khách hàng sẽ đều đặn nhận túi chứa các mẫu sản phẩm để dùng thử mỗi tháng. Những mẫu thử phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của từng người đăng ký cụ thể. Thành viên chỉ phải trả phí 10 USD mỗi tháng.
Đầu năm 2015, tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Michelle Phan là một trong 30 gương mặt nổi bật của nước Mỹ dưới tuổi 30. Theo tính toán của tạp chí, Ipsy sẽ đạt doanh thu 120 triệu USD trong năm 2015. Hơn 7,7 triệu lượt người đăng ký kênh của Michelle Phan trên YouTube.
Ngoài Ipsy, Michelle cũng tung ra dòng mỹ phẩm riêng với sự hỗ trợ của hãng mỹ phẩm nổi tiếng L’Oreal.
“Khi đó tôi thực hiện 4 dự án cùng lúc. Tôi ngủ rất ít và phải đánh đổi rất nhiều. Nhưng nếu bạn muốn đạt mục tiêu, bạn phải nỗ lực và hy sinh vô số thứ”, Michelle nhớ lại.
Michelle Phan gặp Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Cô tham gia vào dự án sáng kiến dành cho trẻ em gái ở các nước đang phát triển mà bà Obama khởi xướng. Các con của Tổng thống Mỹ cũng là người thường xuyên theo dõi những video của Michelle. Ảnh: White House
Nữ doanh nhân trẻ cho biết, cô hiếm khi rảnh để vui chơi cùng bạn bè. “Tôi động viên bản thân rằng tôi đang làm công việc thật sự yêu thích. Nếu bạn không yêu công việc thì đó quả là thực tế khó khăn. Khi vấp phải trở ngại hoặc thất bại, bạn rất dễ đầu hàng và từ bỏ. Hơn nữa, vì bạn không yêu công việc nên thất bại có thể xảy ra”, cô nói.
Các dịch vụ mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây, như YouTube, Instagram, Facebook, Snapchat... “Đây vừa là thách thức, vừa động cơ để bạn buộc phải sáng tạo hơn nữa để xây dựng những nội dung phù hợp cho từng nhóm người dùng ứng dụng. So với 10 năm trước, đây là một thế giới khác hẳn. Nó khó khăn hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn", Michelle nhấn mạnh.
Đối với Michelle, xây dựng doanh nghiệp là chấp nhận rủi ro và thách thức. Nhưng cô cũng nghĩ rằng, thách thức cũng giúp con người nảy sinh những ý tưởng và đột phá mới.
Michelle viện dẫn dịch vụ Instagram đã cải tiến rất nhiều trong thời gian gần đây và chú trọng đến hướng chiều sâu nội dung. “Nếu bạn là người mẫu, bạn có thể xây dựng danh mục hình ảnh tại đây; nếu bạn là nhà làm phim, bạn có thể quảng bá thành quả một cách ấn tượng. Về phần tôi, đương nhiên tôi có thể kể những câu chuyện một cách sinh động nhất”, Michelle nói.
Trên Instagram, Michelle không chỉ đăng những ảnh "tự sướng" mà luôn có một câu chuyện kèm theo. Cô cũng khuyến khích người theo dõi phản hồi và tham gia vào câu chuyện. “Tôi rất trân trọng sự tham gia của mọi người, hơn là một trang có hàng trăm nghìn lượt thích nhưng ý kiến đóng góp rất ít, hoặc thậm chí để lại thông tin vô bổ”.
Theo Minh Anh (Zing.vn)