Hà Nội

Con đường 'khổ ải' hơn 200m ở Hà Nội 8 năm làm không xong, Chủ tịch Chu Ngọc Anh có biết?

06-01-2022 09:35 | Xã hội

SKĐS - Mặc dù toà nhà Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và các tòa nhà khác đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng đường vào vẫn chưa có khiến người dân phải “bơi” mỗi khi mưa lớn. Lúc triển khai dự án, UBND quận Cầu Giấy lại lựa chọn một nhà thầu thi công cầm chừng khiến đoạn đường gần 200m làm mãi vẫn chưa xong.

Hàng ngàn lao động khốn khổ vì đoạn đường hơn 200m 

Ngày 10/12/2007, Bộ Y tế ban hành quyết định số 5018/QĐ-BYT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở cơ quan Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Ngày 17/7/2008, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 2882/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.821m2 đất tại ô đất ký hiệu D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm giao cho Tổng cục DS-KHHGĐ để xây dựng trụ sở làm việc.

Năm 2010, UBND quận Cầu Giấy và UBND huyện Từ Liêm đã phê duyệt các phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi để giao cho Tổng cục DS-KHHGD. Ngày 16/12/2010, UBND TP Hà Nội ban hành công văn số 10282/UBND-KT về việc tạm xác định suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật để hoàn trả ngân sách của chủ đầu tư thứ phát được giao đất tại phần còn lại của khu đô thị mới Cầu Giấy.

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 1.

Cổng vào công trình không cắm biển ghi tên chủ đầu tư, tên dự án và nhà thầu thi công.

Ngày 24/12/2010, Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy (Ban QLDA Cầu Giấy) gửi công văn số 1575/BQL-KH-TV xác định tổng số tiền mà Tổng cục DS-KHHGĐ phải tạm nộp theo suất đầu tư tạm tính tại công văn 10282/UBND-KT của UBND TP Hà Nội là 21.741.447.000 đồng.

Ngày 27/12/2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã nộp đầy đủ toàn bộ số tiền tạm tính nêu trên vào tài khoản số 920-90.002 tại Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy, đơn vị nhận tiền là Ban QLDA Cầu Giấy.

Cuối năm 2013, dự án xây dựng trụ sở làm việc của Tổng cục DS-KHHGD đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, Ban QLDA Cầu Giấy vẫn chưa đầu tư hạ tầng, đường vào cho tòa nhà.

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 2.

Mặc dù toà nhà Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng đến nay, đường vào vẫn chưa hoàn thiện, lúc mưa lớn đường ngập thành sông.

Ngày 4/7/2013, ông Hồ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD đã ký công văn số 429/TCDS-VP gửi UBND quận Cầu Giấy, Ban QLDA Cầu Giấy đề nghị các đơn vị này thực hiện đầu tư hạ tầng, đường vào tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ.

Mặc dù, Tổng cục DS-KHHGĐ đã nộp đầy đủ số tiền vào kho bạc quận Cầu Giấy, gửi công văn đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng phía quận vẫn không có động thái.

Ngày 13/7/2017, Tổng cục DS-KHHGD, Báo Gia đình và Xã hội đã mời lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, Ban QLDA Cầu Giấy, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, Ban quản lý Dự án quận Nam Từ Liêm họp để giải quyết các vướng mắc. Tại đây, các bên thống nhất ủng hộ việc đầu tư hạ tầng, đường vào của Tổng cục DS-KHHGĐ.

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 3.

Mùa mưa, cán bộ Bộ Y tế phải xắn quần, lội nước để vào cơ quan.

Ngày 6/9/2017, UBND quận Cầu Giấy gửi công văn số 307/BC-UBND tới UBND TP Hà Nội báo cáo về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 – Khu đô thị mới Cầu Giấy…

Ngày 16/10/2018, UBND quận Cầu Giấy cho biết, đến nay quận chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào của UBND TP Hà Nội về vấn đề nêu trên...

Trong quá trình chờ đợi UBND TP Hà Nội chỉ đạo, thì gần 1.000 cán bộ, nhân viên của 3 cục, tổng cục thuộc Bộ Y tế và hàng ngàn cán bộ các tòa nhà cạnh đó vẫn chưa có đường vào. Có đơn vị còn phải phải thuê đường đi của một đơn vị khác mới có đường cho cán bộ đi làm. Có thời điểm, vào những ngày mưa to, cổng tòa nhà Tổng cục Dân ngập sâu khiến cả ngàn cán bộ phải “bơi” vào cơ quan. Đây là thực trạng khó chấp nhận đang diễn ra nhiều năm và không được quan tâm giải quyết.

Lựa chọn doanh nghiệp non trẻ thi công dẫn đến chậm tiến độ?

Trước sự việc này, cuối năm 2018 Báo Gia đình và Xã hội (nay là Báo Sức khoẻ và Đời sống) đăng tải loạt bài viết liên quan tới vụ việc nhưng TP Hà Nội vẫn im lặng một cách khó hiểu. Mãi đến năm 2020, UBND quận Cầu Giấy mới có động thái để đầu tư, xây dựng đoạn đường nham nhở này.

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 4.

Gần 1.000 nhân viên Bộ Y tế mong mỏi có đường để khi đi làm không phải lội nước, xe không chết máy, sập hố ga.

Cụ thể, ngày 30/9/2020, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký quyết định số 1963/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “gói thầu số 2: Thi công xây dựng dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy”. Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Dũng Chí – Công ty CP xây lắp và dịch vụ thương mại Thành An (Công ty Thành An) trúng với giá 11.099.956.000 đồng. Thời hạn thi công dự án 235 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

Gói thầu nêu trên, Ban Ban QLDA Cầu Giấy mời thầu với giá 11.119.616.727 đồng. Một gói thầu hơn 11 tỉ đồng, thông qua hoạt động đấu thầu, lãnh đạo quận Cầu Giấy chỉ tiết kiệm được cho ngân sách 19.660.727 đồng (tương đương 0,17%).

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 5.

Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký quyết định số 1963/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa trọn nhà thầu “gói thầu số 2: Thi công xây dựng dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy”.

Gói thầu này chia ra nhiều đoạn để thi công, đoạn công trường trước tòa nhà Tổng cục Dân số do Công ty Thành An phụ trách với vai trò nhà thầu phụ. Tưởng chừng sự việc sẽ được giải quyết, khi cuối năm 2020 đầu năm 2021 Công ty Thành An bắt đầu thi công.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thi công, đơn vị này bỗng dưng làm cầm chừng. Hậu quả đã tạo ra một công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng và các hố ga nguy hiểm, khiến nhiều phương tiện bị sập gầm. 

Thời điểm đó, phản ánh tới báo chí, người lao động trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án bê bết này cho biết, trước đã ngập giờ còn ngập nặng thêm, mưa lớn "biến thành sông", ngập tới 60 đến 70cm khiến các tòa nhà gần như bị "cô lập".

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 6.

Thời điểm tháng 6/2021, nhà thầu thi công cực kỳ cẩu thả và khiến nhiều người dân sập bẫy.

Con đường "khổ ải" hơn 200m ở Hà Nội 8 năm làm không xong, Chủ tịch Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 7.

Đã từng có phương tiện sập "bẫy" khi đi qua con đường "khổ ải "này

Bên cạnh đó, vào thời điểm tháng 6/2021, ghi nhận của PV cho thấy, nhà thầu thi công rất cẩu thả. Mặt đường, vỉa hè thì bị đào xới tung tóe, hố ga không che đậy, ống cống vứt ngổn ngang, tại các cống rãnh có độ sâu nguy hiểm không được nhà thầu căng dây cảnh báo. Đặc biệt, không có bảng ghi rõ tên chủ đầu tư, nhà thầu thi công, công nhân không đảm bảo an toàn lao động theo đúng quy định.

Liên quan đến việc chậm tiến độ, dự án đang thi công thì dừng lại, ông Đỗ Hồng Quang - Giám đốc Ban QLDA quận Cầu Giấy cho rằng: Một phần về vốn, trong quá trình triển khai thi công một vài hạng mục phát sinh phải làm việc các cơ quan khác như Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Điện lực Cầu Giấy. Ngoài ra, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 phức tạp nên số lượng thợ làm cũng ít.

Cầu Giấy: Đoạn đường gần 200m, 8 năm làm không xong, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có biết? - Ảnh 7.

Vật liệt xây dựng hoen rỉ vì thi công cầm chừng kéo dài.

Tại buổi làm việc ngày 28/6/2021, ông Quang khẳng định sẽ đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ. Tuy nhiên, tính từ thời điểm mở thầu và phê duyệt nhà thầu đến nay đã hơn 2 năm, một đoạn đường gần 200m nhà thầu vẫn chưa hoàn thiện, thi công ì ạch và gây ra hàng tá hệ lụy cho người dân. Thực trạng này đặt ra câu hỏi, liệu Công ty Thành An có đảm bảo về năng lực? Việc lựa chọn nhà thầu của UBND quận Cầu Giấy có thật sự sáng suốt và hơn hết, tình cảnh khổ sở nêu trên kéo dài nhiều năm trời liệu ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh có được báo cáo để ông nắm được hay không?

Được biết, Công ty Thành An do ông Nguyễn Đình Thế là người đại diện pháp luật, địa chỉ nhà 42, ngõ 482 đường Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, lĩnh vực kinh doanh là xây dựng nhà để ở, hoạt động từ 15/12/2017. Một doanh nghiệp thành lập năm 2017, còn non trẻ nhưng đã được UBND quận Cầu Giấy tin tưởng, lựa chọn thi công và để lại hậu quả kéo dài cùng hàng tá sự việc bất cập nêu trên?

Hàng ngàn lao động tại khu đất lô D20 KĐT mới Cầu Giấy đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo các ban ngành liên quan xử lý dứt điểm vụ việc, xem xét trách nhiệm cán bộ, đơn vị liên quan dẫn đến sự chậm trễ nêu trên.

Việt Bắc
Ý kiến của bạn