Theo nhà báo Đặng Phong, trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hơn 36 năm về trước có đến 5 tuyến đường Hồ Chí Minh, đó là: đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ (còn gọi là đường Trường Sơn). Con đường thứ hai là đường Hồ Chí Minh trên biển. Thứ ba là con đường xăng dầu; thứ tư là con đường hàng không và thứ năm là con đường chuyển ngân từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Cả ba con đường sau, vì lý do bảo mật nên đến nay, trừ những người trong cuộc, còn phần lớn chúng ta vẫn chưa biết.
Con đường huyền thoại qua thơ ca
Với đường Hồ Chí Minh trên biển, phần lớn người dân chỉ mới biết trong vòng chục năm trở lại đây, từ cái mốc là kỷ niệm 40 năm ngày xuất quân của con tàu không số tại Đồ Sơn, Hải Phòng qua một số bài thơ như Nơi bến tàu không số của Nguyễn Cường. Bài thơ thật sự gây xúc động với những câu thơ rất chân thật, nhưng quặn đau về sự hy sinh của các chiến sĩ Hải quân nhân dân ta trên tuyến đường này: Ở nơi đây không có hòn vọng phu/ dẫu là nơi ra đi của bao người lính trẻ/ của những con tàu chở vũ khí đêm ngày lặng lẽ/ xé lưới thù về đất lửa tiền phương/... Họ ra đi trong âm thầm, lặng lẽ đến mức “tự truy điệu mình trước mỗi chuyến đi”, có nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay, nhưng vì nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ nên họ vẫn cứ ra đi, không còn sự lựa chọn nào khác. Bởi lẽ phía trước họ là Tổ quốc và dân tộc đang chờ mong, chứ không phải là một nàng vọng phu nào đó đứng chờ chồng năm xưa trong truyện cổ: Những người lính ra trận không tên, không phiên hiệu/ tự truy điệu mình trước mỗi chuyến đi/ anh đã sống trong hồn dân tộc/ để không còn vọng phu đơn độc đứng nơi này.
![]() Một cảnh trong phim Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: ĐLP |
Trong bài Cha tôi và đường mòn trên biển của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cũng có chung một tâm trạng như vậy khi nghĩ về con đường mà trước đây cha chị đã từng sống, chiến đấu: Có một con đường không rải nhựa/ Không bụi mù và cột số cũng không/ Một lối mòn trên biển cả mênh mông/ Là huyền thoại, thân thương biết mấy... Vâng, đúng là một con đường nhưng chẳng ai nhìn thấy nếu không cầm trong tay la bàn và hải đồ, vậy mà đã có bao người lính đã sống, chiến đấu và hy sinh vì con đường này.
Với trường ca Bài ca thủy thủ, tác giả Tạ Quốc Chương chia sẻ những quãng đời thực của mình khi nhập vào đoàn quân của con đường huyền thoại năm xưa, đường Hồ Chí Minh trên biển: Tôi ra biển làm một người chiến sĩ/ Trên con tàu mang ký hiệu GP/ Suốt mùa chiến dịch không mang tên...
Hai bài thơ và trường ca của các tác giả trên do chính những người trong cuộc viết về những tháng ngày sống, chiến đấu trên con đường huyền thoại này nên sự chân thực của những trải nghiệm cuộc sống cá nhân đã góp phần làm nên giá trị của tác phẩm. Chỉ tiếc rằng, những bài thơ như thế này cho đến nay bạn đọc được đọc chưa nhiều.
Và qua điện ảnh
Bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển đưa công chúng yêu thích văn chương - nghệ thuật đến với một góc nhìn khác về con đường này. Chắc chắn rằng với những thế mạnh vốn có của mình, điện ảnh có thể tạo nên được ấn tượng sâu đậm hơn trong lòng công chúng. Bộ phim nằm trong chuỗi các sự kiện Đài Truyền hình (ĐTH) TP.HCM thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Phim dự kiến sẽ phát sóng vào giờ vàng từ ngày 20/10/2011, gồm 40 tập (45 phút/tập), là sản phẩm hợp tác giữa ĐTH TP.HCM và Hãng phim Giải Phóng. Kịch bản phim dựa trên nội dung hai tiểu thuyết Sóng chìm và Người của biển của nhà văn Đình Kính, trong đó, Sóng chìm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Hai đạo diễn của phim là Hồ Ngọc Xum và Đinh Thái Thụy. Diễn viên tham gia phim có khá nhiều gương mặt quen thuộc như Châu Thế Tâm, Hoàng Phi, Lý Hùng, Lâm Minh Thắng, Đinh Y Nhung, Quỳnh Thư...
Ông Bùi Huy Lũy, chủ nhiệm phim, cho biết: “Phim sẽ sử dụng 500 chiến sĩ trẻ của Quân khu 7, quy tụ những diễn viên tên tuổi như Lý Hùng trong vai thiếu tá ngụy Hai Rạng; Lan Phương trong vai Mười, nữ điệp viên hoạt động cho cách mạng; người mẫu Đinh Phi Nhung, Lâm Minh Thắng... Tổng kinh phí bộ phim dự kiến khoảng 8 tỉ đồng”.
Các nhà sản xuất hy vọng rằng đây sẽ là bộ phim đầu tiên được đầu tư kỹ càng từ khâu biên kịch đến đạo diễn, diễn viên, quay phim... đem lại cho người xem có được một cái nhìn tổng thể về đường Hồ Chí Minh trên biển, một con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta từ 36 năm về trước.
Lê Quang