Hà Nội

'Con đường đau khổ' ở Hà Nội khiến nhiều người, phương tiện 'gặp nạn' chính thức 'khơi thông' điểm nghẽn về vốn

30-06-2023 20:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội, các sở, ngành thống nhất cho phép UBND quận Cầu Giấy ứng vốn để triển khai dự án này.

Ngày 30/6, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã đặt câu hỏi chất vấn về Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy khi dự án này đã và đang chậm tiến độ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. 

Dự án 'con đường đau khổ' ở Hà Nội khiến nhiều người, phương tiện 'gặp nạn' chính thức 'khơi thông' điểm nghẽn về vốn - Ảnh 2.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã đặt câu hỏi chất vấn về Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy.

Trả lời câu hỏi của đại diện Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội cho biết, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo số 3095/KH&ĐT-ĐT ngày 16/6/2023 gửi UBND TP Hà Nội báo cáo liên quan đến kiến nghị của UBND quận Cầu Giấy và liên quan đến việc xử lý các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại của khu đô thị mới Cầu Giấy. 

Ông Tuấn cho biết: "Trong khu đô thị mới Cầu Giấy có 11 dự án thì có dự án D29 đã quyết toán; Đã hoàn thành thi công và đang thực hiện thủ tục quyết toán có dự án D28, D30, D32; Đang triển khai thi công, GPMB có 5 dự án: E22, D20, D26, D27, D34. Trong số này có dự án D34 thuộc địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm nên đã trả về quận này chủ trì thực hiện".

Ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội trả lời chất vấn Báo Sức khỏe & Đời sống về Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy.

"Dự án D20 được triển khai từ năm 2013 theo cơ chế thực hiện trước đây là thành phố ứng vốn để thực hiện thi công, sau đó thu tiền đóng tiền đất của các nhà đầu tư thứ phát", ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Tuấn, đối với dự án kết nối hạ tầng ở khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy báo cáo đã giải ngân được 135 tỷ. Đến nay, nguồn thiếu đối với 11 dự án này là khoảng 91 đến 92 tỷ để hoàn thiện nốt các nội dung này.

Ông Tuấn thông tin thêm: "Quận có kiến nghị, trước đây, những dự án này được thực hiện qua cơ chế ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội. Tuy nhiên, có luật Đầu tư công mới cũng như các hướng dẫn của Bộ, Ngành thì Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội chưa đảm bảo ứng vốn cho các Dự án hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, vướng mắc trong cơ chế vốn.

Quận Cầu Giấy có kiến nghị cho phép tự ứng vốn để tiếp tục triển khai các dự án dang dở. Trên cơ sở làm việc gần đây, các sở, ngành thống nhất cho phép UBND quận Cầu Giấy triển khai tiếp và đồng ý cho quận ứng vốn để triển khai dự án này. Đồng thời, quận cũng phải đảm bảo các thủ tục để các dự án tiếp tục triển khai".


Dự án 'con đường đau khổ' ở Hà Nội khiến nhiều người, phương tiện 'gặp nạn' chính thức 'khơi thông' điểm nghẽn về vốn - Ảnh 4.

Tình trạng thi công dang dở, nhếch nhác, nguy hiểm kéo dài nhiều năm tại hai con đường chạy qua trụ sở Cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình khiến người dân, cán bộ và cử tri bức xúc.

Trước đó, Báo Sức khoẻ và Đời sống đã nhiều lần phản ánh, ngay giữa Thủ đô Hà Nội tồn tại hai con đường "khổ ải" nằm gần nhau do thi công chậm tiến độ, nhiều năm chưa xong, gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Cụ thể, đây là hai đoạn đường (dài khoảng 200 mét mỗi đoạn) nằm trong dự án Xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 khu đô thị mới Cầu Giấy, nối liền quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội), có nhiều cơ quan, công sở và người dân đến làm việc nên lưu lượng tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm.

Đáng chú ý, hai đoạn đường này dẫn vào trụ sở hai cơ quan Nhà nước là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế (ngõ 8 Tôn Thất Thuyết – ngõ 19 Duy Tân) và Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (ngõ 15 Duy Tân).

Cả hai con đường đều do Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy mời thầu và đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Dũng Chí – Công ty CP xây lắp và dịch vụ thương mại Thành An.


Dự án 'con đường đau khổ' ở Hà Nội khiến nhiều người, phương tiện 'gặp nạn' chính thức 'khơi thông' điểm nghẽn về vốn - Ảnh 5.

Cảnh tượng ngổn ngang tồn tại nhiều năm giữa Thủ đô Hà Nội, trên con đường chạy qua trụ sở Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.

Qua ghi nhận và khảo sát nhiều năm qua, đến cuối tháng 5/2023, hai con đường này vẫn trong tình trạng thi công dở dang (hiện dừng hẳn thi công). Đặc biệt là ở con đường đi qua trụ sở Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, mặt đường và vỉa hè bị đào xới tung tóe, hố ga và cống rãnh không che đậy, ống cống và gạch đá vứt ngổn ngang...

Theo người dân sinh sống xung quanh và người dân thường xuyên qua lại khu vực này, khi trời nắng đường khô thì bụi mù mịt mỗi khi có xe đi qua.

Đặc biệt con đường lồi lõm này còn làm khổ những người ra vào, làm việc tại trụ sở Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình mỗi khi trời mưa. Con đường dang dở dẫn vào cơ quan này nhanh chóng "biến thành sông", có chỗ ngập sâu tới cả mét khiến giao thông tê liệt, trụ sở cơ quan Nhà nước này gần như bị "cô lập".

Nhiều người không dám đi xe qua, phải gửi xe bên ngoài rồi xắn quần, cởi giày để bì bõm lội nước vào làm việc tại Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Một cảnh tượng khó tin nhưng có thật, diễn ra ngay giữa Thủ đô, tại khu vực trụ sở làm việc của một cơ quan nhà nước cấp trung ương.

Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại hai đoạn đường này do người điều khiển phương tiện không thể quan sát được hoặc phải cố tránh những hố sâu, "chướng ngại vật" nằm sừng sững giữa đường.

Những hố ga không nắp đậy trở thành cái bẫy nguy hiểm với người và phương tiện. Một số xe ô tô đã bị sập gầm, sụt bánh xuống các hố ga hở toang hoác này.

Thực trạng kéo dài nhiều năm này đã thực sự biến hai đoạn đường nói trên thành con đường nguy hiểm, đẩy hàng nghìn người dân cùng cán bộ, nhân viên Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Cục Đường bộ Việt Nam vào cảnh chật vật, khổ sở mỗi khi lưu thông qua đây, đến cơ quan làm việc.


Bảo Loan
Ý kiến của bạn