Côn đồ trong bệnh viện chưa có thuốc “đặc trị”

04-03-2019 06:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Vụ việc gã côn đồ hung hãn đã vung tay đấm vỡ xương hốc mắt và xương hàm của một nữ hộ sinh trong thang máy của BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chiều 26/2 vừa qua đang khiến dư luận vô cùng lo lắng và bức xúc.

Nhiều người đang tỏ ra rất ái ngại với thói hành xử vô cùng bản năng, thiếu tính người của nhiều kẻ côn đồ ở ngay trong môi trường mà các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang căng mình để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Phải chăng những chế tài pháp luật chưa đủ nặng, hay vì sự hiền lành của cán bộ trong môi trường y tế đang bị thói côn đồ lạm dụng...

Hành vi côn đồ chỉ từ va quệt nhỏ

Sáng 1/3, BS. Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM xác nhận vừa xảy ra vụ nhân viên y tế BV Từ Dũ bị đánh trọng thương. Theo đó, chiều 26/2, nữ hộ sinh tên Tr. (công tác tại BV Từ Dũ) đến BV Nhi đồng 2 họp. Tại buồng thang máy số 1, chị T. sơ ý va chạm vào con của Trần Ngọc Minh (37 tuổi) đang đi cùng thang máy từ lầu 1 đến lầu 4. Trong khi thang máy di chuyển, hai bên đã có lời qua tiếng lại. Minh không kiềm chế được nên đã đánh chị T. Ngay sau đó, bộ phận bảo vệ của BV đã có mặt kịp thời khống chế Minh và trình báo sự việc lên Công an phường Bến Nghé, quận 1. Chị T. đã được hỗ trợ sơ cứu, chụp CT và chuyển đến BV Tai mũi họng tiếp tục điều trị. Bên cạnh đó, BV cũng đưa con và vợ ông Minh đi khám bệnh. Sau khi tiếp nhận vụ việc, BV Nhi đồng 2 mới biết chị T. là nhân viên y tế BV Từ Dũ. Công an quận 1 cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Trần Ngọc Minh 2 tháng để điều tra xử lý về tội cố ý gây thương tích. Qua giám định sơ bộ thương tích, chị T. bị chấn thương vùng mắt gây xuất huyết tiền phòng mắt trái, làm giảm thị lực mắt trái, vỡ xương hốc mắt trái, vỡ xương mũi, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%.

Có thể thấy, những va chạm rất nhỏ trong thang máy có lẽ chỉ là những chuyện hết sức bình thường và có thể mỉm cười xin lỗi nhau được. Nhưng lại bị gã côn đồ biến thành một vụ hành hung nghiêm trọng, phải chăng hành vi đó diễn ra với đối tượng (là nữ hộ sinh) và trong một môi trường quá “hiền lành”?

Bên cạnh những vụ hành hung cán bộ, y, bác sĩ đang trực tiếp khám chữa bệnh thì không ít vụ những kẻ côn đồ gây náo loạn bệnh viện bằng những vụ truy sát đối thủ khiến những người có mặt khiếp sợ, đập phá, gây hư hỏng vô số vật dụng, thiết bị y tế.

Một tối cuối tháng 11/2018, sau khi va chạm và bị thương tích ở ngoài quán karaoke, anh B. được người nhà đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh (BVĐK) Hà Nam cấp cứu, băng bó vết thương. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, khi các nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu đang tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân B., bất ngờ có một nhóm thanh niên khoảng hơn 10 người mình trần, xăm trổ xông vào BV tiếp tục đánh anh B. Mặc dù đã được bảo vệ BV can ngăn, nhưng nhóm côn đồ xăm trổ vẫn hung hãn xông vào “truy sát” anh B. khiến bệnh nhân này phải vùng bỏ chạy. Sự việc diễn ra hơn 10 phút, nhiều thiết bị y tế, cửa kính của Khoa Cấp cứu (BVĐK tỉnh Hà Nam) đã bị các đối tượng đập phá, làm hư hỏng.

Một vụ việc tương tự xảy ra tại BVĐK TP. Thanh Hóa. Tối 18/10/2018, sau một vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm thanh niên khiến 4 người bị thương. Những người bị thương sau đó đã được đưa vào BVĐK TP. Thanh Hóa cấp cứu, tuy nhiên, 1 trong 2 nhóm thanh niên trên vẫn bám theo, tiếp tục vào bệnh viện truy sát đối thủ, đâm chém, gây náo loạn BV. Chỉ đến khi lực lượng công an, cảnh sát 113 tới hiện trường nổ súng trấn áp thì đám đông mới giải tán.

Một vụ truy sát đối thủ làm hư hỏng nhiều vật dụng của BV.

Một vụ truy sát đối thủ làm hư hỏng nhiều vật dụng của BV.

Cần một môi trường BV yên lành hơn

Các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối BV liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế.

Trong một Báo cáo “Nghiên cứu thực trạng bạo lực BV đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi Trung ương” (được công bố mới đây tại Hội nghị Khoa học Điều dưỡng nhi toàn quốc) đã cho thấy các y bác sĩ, nhân viên y tế đang phải chịu nhiều sức ép từ môi trường làm việc.

Kết quả nghiên cứu (được thực hiện với trên 300 điều dưỡng tại các khoa lâm sàng của BV Nhi Trung ương) đã cho kết quả đáng phải suy ngẫm khi có tới 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua. Thậm chí, có hơn 65% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất. Nghiên cứu cũng đưa ra kết luận, điều dưỡng làm việc tại khu vực cấp cứu, khám bệnh có nguy cơ bị bạo lực cao hơn 2 lần so với điều dưỡng các khu vực khác.

Một nghiên cứu  khác về mức độ stress ở điều dưỡng viên cũng được công bố, cho thấy có trên 42% điều dưỡng viên của BV bị mắc stress. Các điều dưỡng viên làm việc tại các khu vực khám bệnh phải chịu đựng độ ồn cao hơn, stress nhiều hơn. Theo các chuyên gia y tế, stress làm suy giảm sức khỏe của điều dưỡng viên về cả thể chất lẫn tinh thần, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

Theo ông Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, trước thực trạng gia tăng số vụ bạo hành, lăng mạ nhân viên y tế, y bác sĩ, đòi hỏi Bộ Y tế, các bộ ngành chức năng và bản thân các BV phải tăng cường những biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm nóng như khu vực hồi sức, cấp cứu, phòng khám...

Bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo, cũng là nơi để người bệnh tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến người bệnh khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân khác mà bị hành hung sẽ làm gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đề nghị các cơ quan pháp luật nghiêm trị, xử lý theo tình tiết tăng nặng mọi hành vi xâm hại, bạo lực đối với cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện và công khai kết quả xử lý để răn đe những hành vi tương tự.


Bình An
Ý kiến của bạn