Nghe tin con đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự với 29 điểm, người mẹ của cậu học trò xứ Thanh dù đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo đã vui mừng mà quên đi cả bệnh tật...
Những ngày qua, khu phố Định Hòa (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đâu đâu cũng nghe câu chuyện về cậu học sinh Lê Đình Khánh (học sinh Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đậu thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Ai cũng dành cho chàng thủ khoa có nụ cười hiền hậu này những lời khen ngợi. Hàng ngày Khánh vẫn đi lấy bèo về băm cho gà ăn, nhưng không ai nghĩ cậu học trò nghèo, cần cù ở mảnh đất này lại có thể đỗ thủ khoa của một trường đại học danh tiếng. Chúng tôi đến căn nhà nhỏ của Khánh khi cả gia đình em đang sum họp, tiếng cười nói của mỗi thành viên trong gia đình không ngớt kể từ lúc biết tin vui này. Nhưng vui nhất trong gia đình có lẽ chính là mẹ của Khánh - bà Lê Thị Tâm (sinh năm 1962).
Mới ngoài 50 tuổi nhưng những do bệnh tật nên nhìn bà già đi nhiều so với cái tuổi của mình. Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến bà lúc nào cùng buồn rầu lo âu, lại càng suy sụp hơn khi phải lo nghĩ cho cả gia đình. Thế nhưng từ khi nghe tin cậu con trai đỗ thủ khoa bà Tâm vui mừng khôn xiết, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi, như có sức sống hơn hẳn. Lúc nào bà cũng cười nói vui vẻ, nhìn cậu con trai với sự tự hào mà quên đi những đau đớn phải mang trong người bấy lâu.
Câu chuyện của chúng tôi với chàng thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự và cả gia đình em được bắt đầu bằng chính cái tên của cậu học trò này. Ông Lê Đình Tùng (sinh năm 1961) - bố em Khánh kể: “Cách đây 18 năm vào ngày 2/9/1996, cháu được sinh ra đúng vào Ngày Quốc khánh tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Gia đình chưa biết đặt tên con là gì, bác sĩ ở đây bảo: Cháu sinh ra ngày Quốc khánh, gia đình nên đặt tên là Lê Quốc Khánh cho ý nghĩa. Thế là gia đình tôi quyết định đặt tên con là Khánh luôn. Để phù hợp với dòng họ nên khi khai sinh tôi đặt tên con là Lê Đình Khánh”.
Khánh được sinh ra trong ra đình nông dân, ông Tùng trước kia từng đi lính thời chiến tranh biên giới, sau đó xuất ngũ về quê. Sau thời gian dài đi vác đá, thấy khó nhọc ông Tùng nghỉ hẳn về nhà làm ruộng. Còn bà Tâm từ năm 1992, thấy trong người mệt, đi khám bệnh phát hiện bị suy thận nhưng vì lúc đó gia đình khó khăn không có tiền đi chữa trị nên đành để vậy. Đến năm 2012, bệnh tái phát lại khi đi bệnh viện phát hiện đã bị suy thận giai đoạn cuối, thường xuyên phải đi bệnh viện lọc máu.
Là con út trong gia đình có bốn anh chị em, ngay từ nhỏ cậu bé Khánh đã có tính cần cù chăm chỉ, siêng năng. Khi bố mẹ cùng các chị làm việc gì thì em cũng xắn tay vào làm. Vì gia đình không có điều kiện nên hai chị đầu của Khánh chỉ được học xong cấp 2 là phải nghỉ học. Riêng Khánh cùng với người chị thứ ba được học hành đến nơi đến chốn.
Những ngày cuối cấp 3 là những ngày mà Khánh phải trải qua thời gian cực khổ nhất khi mẹ ốm nặng, bố em phải đưa mẹ ra Hà Nội điều trị dài ngày. Cả ba chị gái đều đi làm và đi học xa nên chỉ có mình Khánh ở nhà. Cuộc sống ở nhà một mình Khánh phải tự lập hoàn toàn lo cho mình từ việc nấu ăn, giặt giũ quần áo, nuôi gà, làm cỏ ruộng lúa, ruộng hoa…
Bà Tâm cho biết: “Lúc đó vợ chồng tôi phải ra Hà Nội chữa bệnh, cứ lo con ở nhà một mình rồi không biết xoay sở thế nào. Không ngờ cháu nó cũng làm được hết mọi việc, đi học ngày hai chiều về là em nó tự nấu ăn, khi nào được nghỉ học lại đi vớt bèo về nấu cám cho gà. Vợ chồng tôi lúc đó cũng rất sợ con bị ảnh hưởng đến học tập nhưng nhà không còn người giúp nên một mình cháu Khánh phải cố gắng đảm đương mọi công việc”.
Vất vả là vậy nhưng kết quả mà Khánh đạt được lại ngoài sự mong đợi của bố mẹ và gia đình. Năm lớp 12, Khánh đạt giải Nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra em còn đạt giải Khuyến khích môn thi giải Toán trên máy tính cầm tay. Cuối năm lớp 12, Khánh giành danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường. Khi thi tốt nghiệp THPT, Khánh cũng đạt điểm cao trong các môn thi.
Hoàn thành lớp 12, Khánh làm hồ sơ dự thi vào hai trường đều thuộc khối Quân sự. Trường thứ nhất là Học viện Kỹ thuật Quân sự dự thi khối A, trường thứ hai là Học viện Quân y dự thi khối B. Kết quả sau kỳ thi cả hai trường Khánh đều đạt điểm cao, là thủ khoa của Học viện Kỹ thuật Quân sự và đạt 25,5 điểm ở Học viện Quân y.
Lý giải vì sao chọn thi cả hai trường đều thuộc khối Quân sự, Khánh cho biết: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm nông nên cũng rất khó khăn, từ khi mẹ phát bệnh, gia đình lại càng khó khăn hơn. Em dự thi vào trường quân đội để bố mẹ bớt lo lắng khi đi học cũng như khi ra trường. Mẹ em mang trong mình bệnh nặng nên không làm được gì, mình bố vừa phải làm ruộng vừa đảm đương việc nhà, hai chị đi làm công nhân kiếm tiền nuôi em ăn học. Nếu em được học trường Quân đội, gia đình sẽ đỡ tốn chi phí lo cho em. Số tiền các chị làm được đó sẽ dành cho mẹ chữa bệnh”.
Một lý do nữa làm cho cậu học trò nghèo càng quyết tâm thi đỗ vào trường Quân đội hơn đó là sự “truyền lửa” của bố. Khánh tâm sự: “Những lúc hai bố con đi làm đồng cùng nhau, khi nghỉ ngơi em được nghe bố kể về “đời lính” của bố thời gian còn phục vụ trong quân ngũ. Vì thế em càng thấy yêu quý người chiến sĩ quân đội hơn. Em thi ngành Kỹ thuật vì ước mơ được làm một kỹ sư”.
Hôm biết tin đậu thủ khoa, Khánh là người biết sau cùng trong nhà. Vì Khánh không có điện thoại nên nhà trường đã gọi về thông báo qua số điện thoải của bố. Từ hôm nghe tin đến nay, dù biết mình đậu thủ khoa nhưng Khánh vẫn không quên công việc hàng ngày của mình. Sáng thức dậy em bắt tay ngay vào việc thái chuối, băm bèo cho gà ăn. Sau đó lại ra đồng làm cỏ ruộng hoa giúp bố. Khi về, em không quên lại xuống ao lấy bèo về để làm thức ăn buổi chiều cho đàn gà.
Chia sẻ về cách học tập để đạt kết quả cao của mình, Khánh khiêm tốn nói: “Em chẳng có phương pháp gì là đặc biệt cả. Khi đi học trên lớp thì chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, khi về nhà em tìm các đề thi và mượn của các anh chị học trước để làm. Ngoài ra em còn tìm các sách tham khảo để tìm phương pháp và cách giải và làm bài hay rồi áp dụng cho mình. Sau đó đem bài trao đổi cùng các bạn trong lớp để tìm ý hay”.
Một điều nữa mà Khánh chia sẻ về cách học của mình đó là trong sách giáo khoa. “Gia đình em không có điều kiện mua máy tính nên em chưa từng học trên mạng bao giờ. Chủ yếu là sách giáo khoa. Buổi tối em học từ 8h - 11h là đi ngủ. Những ngày gần đi thi thì học khuya hơn một chút, chứ cũng không học nhiều”, Khánh nói.
“Hầu hết sách giáo khoa của cháu đi học đều mượn lại của các anh chị học trước chứ gia đình cũng không có tiền để mua mới cho con mỗi năm. Toàn sách cũ nhưng khi mượn được cuốn sách nào tôi thấy cháu cũng khen hay. Nhiều hôm thấy con còn dồn cả tiền tiết kiệm để tìm mua những quyển sách cũ, vợ chồng tôi thấy con ham học nên rất yên tâm”, bà Tâm nói.
“Con dù đậu thủ khoa nhưng đây vẫn chỉ là bước đầu cho một chặng đường dài phía trước. Để đi đến tương lai bên con vẫn còn nhiều những khó khăn và chông gai, gian nan lắm. Chính vì thế mẹ mong con luôn cố gắng và nỗ lực hết mình để ngày mai thành công không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và mọi người trong gia đình”, bà Tâm dặn dò con trai.
Chuẩn bị cho những ngày tháng trong quân ngũ sắp đến, ông Tùng hàng ngày luôn nhắc nhở cho người con trai mình biết về những “kỷ luật thép” trong quân đội. Đó chính là “10 điều chức trách quân nhân”, “10 điều chức trách chiến sĩ” và “12 lời thề danh dự của người chiến sĩ”. Những điều này đã được Khánh học từ bố hàng ngày.
“Con biết mình sắp vào môi trường quân ngũ nên mỗi lúc rỗi, bố con lại cùng nhau chia sẻ về cuộc sống quân ngũ mà tôi từng trải qua. Ngoài những điều trên tôi còn dạy con biết thêm những bài hát truyền thống của quân đội… Mong con học tập, huấn luyện tốt để sớm trở thành người chiến sĩ quân đội nhân dân, sớm trở về phục vụ quê hương đất nước”, ông Tùng nói.