Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, cổng làng mang nét truyền thống, văn hóa miền quê đã, đang biến mất và thay vào đó là những cổng làng hoành tráng với kinh phí xây dựng rất lớn, thể hiện sự phô trương, lãng phí...
Cổng làng xuất hiện cả trăm năm nay ở nước ta, chủ yếu tại các vùng quê các tỉnh phía Bắc, gắn liền với hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ, cổng làng Việt xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Có loại cổng chỉ có một tầng và một cửa vòm, có loại có hai ba tầng và ba vòm cổng, nhưng tỷ lệ rất cân đối, thanh nhã và giản dị. Theo GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, cổng làng là bộ mặt đầu tiên của ngôi làng mà khi bước chân qua như bước vào một thế giới mới của làng đó, đồng thời còn là thước đo đơn vị hành chính về vị trí địa lý của ngôi làng. Những nét sinh hoạt làng xã, về tính cách biệt của người dân trong làng cũng được thể hiện qua cổng làng. Cũng có nhiều ý kiến nhận định, cổng làng tiễn chân chúng ta đi khắp mọi miền, rồi lại thân thương đón ta trở về với cha mẹ, với quê hương. Mỗi người xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng bên gốc đa, giếng nước, sân đình.
Cổng làng xã Diễn Hoàng đồ sộ, kinh phí xây dựng 4 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa vừa được khánh thành.
Giá trị, ý nghĩa của cổng làng xưa đối với đời sống người dân là vậy, nhưng trải qua thời gian, trước sự tác động của quá trình đô thị hóa, cổng làng xưa đã, đang biến mất vì người dân địa phương cho rằng cổng làng xưa đã “lỗi thời”, từ đó đập đi để xây cổng làng mới to đẹp hơn, hoặc cũng một phần cổng làng xưa “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều thập kỷ đã xuống cấp không được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để tồn tại mãi mãi với thời gian. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, nhiều địa phương ở nước ta đã có những cuộc “chạy đua” làm cổng làng quy mô, hoành tráng với kinh phí hàng trăm triệu, thậm chí lên tới tiền tỷ khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, suy ngẫm.
Tại nhiều làng, xã ở tỉnh Nghệ An những năm gần đây, nhiều cổng làng bê tông cốt thép, to sừng sững được thiết kế, xây dựng theo xu hướng hiện đại đứng ngay đầu làng, xã mọc lên như nấm. Mới đây, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu vừa khánh thành một cổng làng với kinh phí xây dựng khoảng 4 tỷ đồng từ tiền công đức của những người xa quê đóng góp, trở thành cổng làng có kinh phí lớn nhất xứ Nghệ ở thời điểm hiện tại. Theo đó, cổng làng xã Diễn Hoàng cao 4,8m, rộng 5,5m được làm từ 50m3 gỗ mun, lim và các cột gỗ được dựng trên hai tảng đá trắng dài hơn 3m, cao 80cm. Phía trên cổng làng là mái được làm theo kiểu “tam quan ba lầu”, có ba tầng mái, được lợp bằng ngói. Trong khi đó, tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) năm 2016 cũng đã xây dựng cổng làng theo lối tam quan, vòm cửa chính cao 6,9m, rộng 7m, cột cổng rộng 4m với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Hoặc cổng làng Cần (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) có kinh phí 460 triệu đồng xây dựng theo lối cổng tam quan, ở giữa là cổng chính, lớn nhất, hai bên là cổng phụ...
Tại xứ Thanh, huyện Hoằng Hóa, cổng làng Phú Khê, xã Hoằng Quý là cổng làng lớn nhất huyện, được xây dựng cách đây vài năm với kinh phí xây dựng hơn 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Trong khi đó, huyện Thiệu Hóa hiện nay có 50 cổng làng/30 xã, việc xây dựng cổng làng theo kiểu mạnh ai nấy làm, vì thế có nhiều cổng làng được xây dựng kiên cố, bề thế nhưng thiếu vẻ cổ kính mà được bê tông hóa với kinh phí hàng trăm triệu đồng như cổng làng Đỉnh Tân, cổng làng Trà Thôn (xã Thiệu Phú), cổng làng Cổ Đô (xã Thiệu Đô)...
Trên thực tế, không ít địa phương ở nước ta như Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang... có những cổng làng quy mô, hoành tráng từng làm dư luận chú ý. Hầu hết các cổng làng hiện nay được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đóng góp của người dân địa phương, các mạnh thường quân... Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là việc xây cổng làng tại các địa phương đang có dấu hiệu biến tướng, không còn xem cổng làng là biểu tượng của làng, xã mà thể hiện sự phô trương, lãng phí. Xảy ra hiện tượng này vì hiện nay cổng làng Việt không có mẫu chuẩn và quy định chặt chẽ. Làng nào muốn đẹp, khác kiểu thì đi tham khảo ở các nơi khác hoặc trên các trang mạng rồi quyết định. Cùng với đó, nhận thức của người dân về văn hóa còn chưa sâu nên kiến trúc, kiểu dáng của nhiều cổng làng mới khá đa dạng, phong phú và hiện đại nhưng có nhiều chi tiết “thừa”, thực dụng như việc ghi dòng chữ “Kính chào quý khách” ở ngay cổng làng.
Có lẽ đã đến lúc, các ban ngành, cơ quan chức năng liên quan cần có hướng dẫn, có mẫu cổng làng vừa chứa đựng nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp với thời hiện đại để những cổng làng Việt đang, sắp xây mới ở các địa phương giữ được bản sắc văn hóa và hạn chế lãng phí. Nếu cứ để tình trạng xây cổng làng tùy tiện, đâu đâu cũng đua to, đua sặc sỡ thì việc mất đi những giá trị văn hóa nội tại từ cổng làng là điều khó tránh khỏi!