“Các nhà văn của chúng ta, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, thường dừng lại ở những chặng đầu tiên của văn chương. Lý do có lẽ phụ thuộc từng cá nhân, nhưng tôi cho rằng ít có thể đổ lỗi cho vật chất, vì ở phương Tây, viết văn là một trong những nghề khó kiếm sống nhất”.- Nhà văn Thuận tâm sự.
Thuận bảo: Chọn Thuận làm bút danh vì nó “ngắn gọn”, nhưng ẩn trong đó là cả những giọng văn luôn hàm ý giễu cợt, vẻ như còn là một sự tự tin. Là con dâu của cố nhà thơ nổi tiếng Trần Dần, “máu con nhà” đã thúc Thuận cầm bút và vài năm nay được biết ở Việt Nam với hai tiểu thuyết in tại quê nhà: Chinatown và Paris 11 tháng 8.
Thuận đang định cư cùng chồng ở Paris. Dù đang sống ở nước ngoài nhưng đa số tác phẩm của chị lại công bố trong nước, Thuận là một nhà văn trẻ được tán thưởng bởi kỹ thuật viết tiểu thuyết, những thông điệp trong đó và những nhân vật tràn đầy chất Việt dù sống ở bất cứ nơi đâu. Với Thuận, chúng ta hãy khám phá một nữ tiểu thuyết gia thực thụ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay Made in Vietnam (đã được xuất bản tại Mỹ, 2003 và sẽ được ấn hành trong năm nay tại Việt Nam), đặc điểm nhận diện rõ nhất ở các tác phẩm của Thuận là thường gây lạ bằng những nhan đề chứa địa danh quen: Việt Nam, Chinatown, Paris và nghe nói, tới đây còn có thể có thêm New York. Những cái tên vừa có thể dễ dàng “bắt mắt” với những bạn đọc “sính ngoại”, cũng có thể gây phản cảm với những người dị ứng căn bệnh đó... Văn của Thuận, trái lại, không có vẻ ưa khoe chữ và khoe kiến văn theo kiểu “ở bên Tây...”. Chị thông minh ở sự giản dị, kiệm lời và đôi chỗ, đôi lúc, sự “lắm lời”, cầu kỳ lại được làm bằng một vẻ cẩu thả buông lơi cố ý. Thuận nói: “Với tôi, văn chương là phiêu lưu và mỗi tác phẩm như một chuyến đi xa, phải đưa được cả tác giả lẫn độc giả ra khỏi cái thông thường. Made in Vietnam mang người đọc Hà Nội vào tham quan Sài Gòn - “thành phố sáu tháng không được uống một giọt mưa nên sáu giờ chiều nào cũng phải tự tắm mát bằng những bài hát chuyên đề mưa, hát từ những cửa hàng băng nhạc Vina có mặt trên tất cả các vỉa hè và những cốc nước đá bốc hơi dưới nắng mặt trời...”.
Chinatown thì như một địa danh ảo, một danh từ chung, một huyễn tưởng của nhân vật chính. Paris 11 tháng 8 là nước Pháp trong mắt kẻ nhập cư nên nhập nhằng không dứt giữa Paris và Hà Nội, giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực và không thực... “Đúng là các thành phố luôn hấp dẫn tôi, không phải với tư cách của một kẻ du lịch. Tôi cũng có dự định viết về New York bạo liệt và huyền bí, về cuộc sống trong những toà nhà chọc trời có các cửa sổ không bao giờ được mở, ngắm máy bay trực thăng như người Hà Nội ngắm xe xích lô”.
Tác giả từng học ở Nga, rồi Pháp và nhiều năm sống ở xứ người, từng phải gồng mình đi qua những năm tháng không hẳn “thuận chiều”. Nhân vật phần nhiều cũng là những kiếp sống tha hương thậm chí có lúc đã chạm đến tận cùng cay đắng. Nhưng, quả đúng như Thuận tự cam kết: “Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, tôi đã tự tách ra khỏi đám đông những người tìm cách giải trí dễ dàng và ít tốn kém là đem chuyện tha hương ra tâm sự. Thách thức của tôi là làm sao để độc giả được hài hước với những gì họ từng tốn mùi xoa lau nước mắt (như kỷ niệm, chia tay, thất tình, tha hương, tuyệt vọng....). Các nhân vật của tôi cũng không nhớ cồn cào mùi hoa sữa hay thèm quay quắt hạt cốm non, đêm nào cũng mơ áo dài trắng bay bay cùng tóc thề, hoa vàng, lá vàng, mùa thu vàng rười rượi...”.
Đôi nét về Thuận - 1986-1991: Đại học Sư phạm ngoại ngữ Pyatigorsk, Cộng hoà liên bang Nga, - khoa Anh ngữ. - 1991-1992: Đại học Paris 7, cao học văn học Anh cổ điển 1992-1993: Đại học tổng hợp Sorbonne, Cao học văn học Nga đương đại. Các tác phẩm đã xuất bản: Tiểu thuyết: - Made in Vietnam, nhà xuất bản Văn Mới, California, 2002 - Chinatown, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005 - Paris 11 tháng 8, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006 - T mất tích, nhà xuất bản Văn học, 2007 - VânVy, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2008 - Chinatown, Đoàn Cầm Thi dịch, nhà xuất bản Seuil, 2009 Tác phẩm dịch: - Xạ thủ nằm bắn, nhà xuất bản Văn học, 2007 - Ba gã cần khử, nhà xuất bản Văn học, 2008 |
Vân Sơn