Còn đâu chùa xưa...

23-01-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trước mắt tôi là một ngôi chùa xa lạ thay thế ngôi chùa ký ức năm xưa. Mảng ngói đất nung mới toanh cứng ngắc.

Trước mắt tôi là một ngôi chùa xa lạ thay thế ngôi chùa ký ức năm xưa. Mảng ngói đất nung mới toanh cứng ngắc. Những chi tiết kiến trúc vô hồn và xa lạ, hàng cột cái, cột quân gỗ lim đậm sâu trong tâm trí giờ là cột bê tông sơn giả gỗ trông đau như vết cứa.

Tâm lý chung của những người con xa quê khi trở về nhìn những ngôi chùa mới đều có cảm giác lạ lẫm. Những mảng tường rêu phong đầy kỷ niệm với mỗi người đều không còn vết dấu. Những tán cây cổ thụ quyến rũ ôm ấp ngôi chùa, giếng nước trong xanh ngọt lịm tụi nhỏ thường uống mỗi chiều hè sau khi nô đùa không còn nữa. Ông cụ từ hiền lành trông chùa năm xưa cũng đã khuất...

Một ngôi chùa làng bình yên.

Một ngôi chùa làng bình yên.

Những mái đao, cột cái, cột quân gỗ lim nhuộm màu thời gian, nền gạch đất nung màu nâu ấm gần gũi thân thương đầy cảm xúc nơi những người dân hiền lành, chất phác nơi thôn quê quỳ xuống mỗi dịp tuần rằm, mùng một. Hàng cây nhãn, cây mít cổ thụ trăm năm ôm ấp chùa làng. Mái đao mềm mại có song long chầu nguyệt trên đỉnh chùa duyên dáng cuộn mây. Hai đầu hồi gần đỉnh mái là mảng hổ phù qua bàn tay nghệ nhân tài hoa xưa vô cùng gần gũi. Mái ngói mũi hài đất nung nhuộm màu thời gian.

Kiến trúc ngôi chùa có 5 gian, chữ Đinh, theo thức tiền kẻ hậu bảy. Hàng cột cái, cột quân, cột hiên bằng gỗ lim được chồng bên trên chân tảng bằng đá nguyên khối. Hàng kẻ, bảy, giá chiêng chồng giường bằng gỗ được thổi hồn trong từng chi tiết. Những ông bụt hiền lành bằng gỗ sơn son thiếp vàng đã nhuộm màu thời gian gần gũi nhưng tôn kính.

Bước qua ngưỡng cửa bằng gỗ lim cao gần nửa mét, qua hiên chùa mái rủ, sân chùa lát gạch hiện ra. Bao quanh sân chùa là những mảng tường hoa đan xen những cây xanh được cắt xén tạo hình những con hạc, con nghê... thật đẹp. Vương vất trong sân chùa là những mảng đá rêu phong làm nơi ngồi nghỉ cho dân trong làng mỗi lúc đến chùa. Dưới những bóng cây cổ thụ, không gian xanh mát trong lành như thể không có gì trong lành hơn thế. Sự tĩnh mịch được tô điểm thêm những khoảnh vườn nhiều cây trái. Bước thêm vài chục bước nữa là giếng chùa xây bao quanh bằng gạch...

Hình ảnh những ngôi chùa xưa ở làng quê đã in đậm trong tâm trí mỗi người dân là như vậy! Còn những ngôi chùa mới bây giờ?

Mảng ngói đất nung mới toanh cứng ngắc. Những chi tiết kiến trúc vô hồn và xa lạ, hàng cột cái, cột quân gỗ lim đậm sâu trong tâm trí giờ là cột bê tông sơn giả gỗ trông đau như vết cứa.

Những ngôi chùa giờ đây là những khối bê tông cốt sắt, những khối xây khô cứng, tàn nhẫn. Những bức tường rào cẩu thả, xấu xí. Xa lạ. Sân chùa lát gạch hồn quê giờ đã đổ bể tông.

Bao năm rồi đi khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng thấy những ngôi chùa làng biến dạng. Nó biến dạng từ bên trong lẫn bên ngoài, từ hình thức lẫn nội dung.

Thật xót xa khi chính người dân quê hiền lành chất phác đã không thể giữ được mảnh hồn làng. Đã có rất nhiều những ý kiến xác đáng đầy tâm huyết như ý kiến của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, giáo sư Lê Văn Lan, giáo sư Trần Lâm Biền... về sự tắc trách và rất thiếu hiểu biết của những người quản lý trong lĩnh vực văn hóa nói chung và trong việc trùng tu các công trình văn hóa nói riêng.

Lại nhắm mắt, tôi trộm nghĩ, để giữ gìn những mảnh hồn quê, cần lắm trước tiên "trùng tu" lương tâm, trách nhiệm của những người quản lý lĩnh vực này theo lớp lang, bài bản. Nhưng...            

   KTS. Đặng Văn Doanh

 


Ý kiến của bạn