Hà Nội

Côn Đảo, một ngày thu tháng Tám

18-08-2014 14:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trước nay được các thế hệ người Việt Nam ngưỡng vọng và trở thành tâm thức của nhân dân yêu hòa bình trên toàn thế giới.

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trước nay được các thế hệ người Việt Nam ngưỡng vọng và trở thành tâm thức của nhân dân yêu hòa bình trên toàn thế giới. Bất cứ ai mỗi khi đến với vùng đất này đều có chung niềm cảm xúc rất thiêng liêng kỳ lạ...

“Địa ngục” năm xưa

Người ta đã không quá lời gọi Côn Đảo của hơn một thế kỷ trước là “Địa ngục trần gian” khét tiếng nhất thế giới. Để “cách ly”, lưu đày và âm thầm thủ tiêu những người Cộng sản, các nhà yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam nổi lên khắp nơi trong cả nước, thực dân Pháp và Mỹ - ngụy đã biến hòn đảo nhỏ này thành một “đảo tù” thực sự (chỉ có tù nhân, chúa đảo và bọn cai tù). Trong 113 năm (từ ngày 1/2/1862 đến ngày 1/5/1975), thiết lập và duy trì chế độ lao tù tại đây, Pháp, Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã lưu đày, giam giữ trên 200 ngàn lượt tù nhân cộng sản. Trong đó, hơn 20.000 người tù đã bỏ mạng vì không chịu nổi các hình thức tra tấn, đánh đập hết sức man rợ, thâm độc và chế độ lao dịch khổ sai...

Đường phố ở Côn Đảo được nhựa hóa dưới bóng mát cây xanh.

Tù nhân bị giết trong các trại giam, các xà lim hay chết trên các công trình lao động khổ sai, bọn cai tù đã vùi xác họ tập trung trong các khu đất trống trên đảo. (Có khi chôn chung thành một mộ tập thể hoặc mộ cá nhân). Những ngôi mộ không tên, không hương khói cứ ngày một nối dài thêm ra, rộng hơn thêm; thậm chí xác người chết sau bị vùi dập chồng lên trên xác những người chết trước... Bởi vậy, hiện nay trên Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo mộ của các liệt sĩ nằm rải rác ở khắp nơi: dưới thung lũng, trên đồi, bên gốc cây hay ở khe suối...không theo hàng lối và chiếm gần 70% số mộ khuyết danh (chưa tìm được danh tánh). Cũng vì chế độ lao tù quá hà khắt và thái độ hành xử vô nhân tâm đối với thi hài người chết đã làm cho hơn 90% số hài cốt liệt sĩ ở Côn Đảo bị thất lạc. (Chỉ có 1.921 mộ tìm được/20.000 người chết, mất tích) ở Côn Đảo. Ban Quản lý Nghĩa trang cho biết, khi tìm kiếm phát hiện được hài cốt liệt sĩ nằm ở vị trí nào thì ốp đá xung quanh thành mộ chí chứ không quy tập. Cô hướng dẫn viên dẫn đoàn chúng tôi chợt hạ giọng nhẹ nhàng: “Dưới chân chúng ta đang đứng, trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo còn lẫn khuất xương cốt của nhiều liệt sĩ, xin hãy nhẹ bước chân”! Bất chợt, những câu thơ như thể thoát ra từ lòng đất ngân nga trong chiều Nghĩa trang Hàng Dương hòa trong tiếng gió rì rào: “Núi Côn Lôn được xây bằng máu/Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người.../Nghĩa trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận/Hết lớp này, lớp khác dập lên trên...”.

Đi dưới tán cây xanh trong Nghĩa trang Hàng Dương giữa một chiều tháng tám rực nắng, tôi nghe mơ hồ dưới chân mình như có tiếng gì chợt cựa quậy; Và, tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ từ biển thổi qua vai làm tôi chợt rùng mình! Trên rẻo đất nhỏ này đã từng thấm đẫm nước mắt và máu của bao nhiêu người đã ngã xuống; dù bị cùm gông, xích xiềng thân xác, nhưng các thế hệ cha, anh vẫn trong tư thế hiên ngang của những con người chiến thắng. Các anh đã “chết cho Tổ quốc còn”, cho lớp lớp cháu con tiếp tục đứng lên đánh đuổi kẻ thù cướp nước và bè lũ bán nước ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với khí thế tiến công như thác nguồn, bão dậy trong ngày 30/4 lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 23 giờ 30 phút đêm 30/4 đến rạng sáng ngày 1/5/1975, hơn 7.000 tù chính trị Côn Đảo đã đập phá xích xiềng tự đứng lên giải phóng Côn Đảo và làm chủ hoàn toàn quần đảo tiền tiêu phía Nam của Tổ quốc, phá tung “Địa ngục trần gian”  trong niềm vui sướng vỡ òa...

Di tích quốc gia đặc biệt

Về Côn Đảo hôm nay, bên cạnh những bức tường giam cao vút và u ám, từng hàng song sắt, kẽm gai trên những xà lim, chuồng cọp nằm lạnh lùng vô cảm... là một màu xanh đầy sức sống vươn ra. Thị trấn Côn Đảo là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện đảo nhỏ bé chỉ hơn 7.500 dân sinh sống ở 10 khu dân cư. 2/3 dân số ở thị trấn Côn Đảo là công chức, viên chức còn lại là nhân dân sống bằng nghề kinh doanh, sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản.

Hệ thống chính trị của huyện Côn Đảo một cấp (cấp huyện và đến khu dân cư) được  xây dựng khá chặt chẽ đủ sức lãnh đạo phát triển “vùng đất chết” này trở thành một huyện đảo xanh nên thơ và trù phú. Thị trấn Côn Đảo có diện tích 51,52km2, có hình dáng như một con gấu lớn tựa lưng vào 3 mặt núi và chân hướng ra biển Đông. Khai thác lợi thế về mặt lịch sử, địa lý tự nhiên, chính quyền huyện Côn Đảo đã tập trung phát triển Côn Đảo xứng đáng là một trong 21 khu du lịch quốc gia nổi tiếng của Việt Nam. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (với 19 di tích trọng điểm) đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (ngày 10/5/2012).

Côn Đảo - Non nước hữu tình.

Ban Quản lý Khu di tích Côn Đảo cho biết, hàng năm từ tháng 3 đến tháng 9 (thời điểm biển yên, sóng lặng) nhất là dịp 30/4, du khách về Côn Đảo rất đông. Chiếm đông nhất là các đoàn cựu tù chính trị, cán bộ hưu trí, thanh niên, học sinh, sinh viên... Tất cả du khách mỗi khi đặt chân đến đây đều viếng Nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương trên các phần mộ liệt sĩ (ở 5 khu mộ); Và, mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu luôn chật cứng người, nghi ngút khói hương. Các khu di tích trại giam, xà lim, chuồng cọp, nhà chúa đảo, Bảo tàng Côn Đảo, cầu Ma Thiên Lãnh; Đền thờ Côn Đảo, An Sơn Miếu (miếu Bà)... là những điểm du lịch tâm linh mà bất cứ ai về Côn Đảo cũng không bỏ qua.

Côn Đảo còn thu hút đông đảo khách du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, non nước hữu tình, hệ sinh vật rừng và biển rất phong phú, nguyên sinh và đa dạng - thiên đường của du lịch Việt Nam. Côn Đảo có rất nhiều bãi biển đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ gần gũi với thiên nhiên thoáng đãng. Du khách rất thích thú các trò chơi: câu cá, lặn biển để ngắm san hô tại các tiểu đảo: hòn Tre, hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Trứng...; leo núi tham quan rừng ông Đụng và khám phá Vườn quốc gia Côn Đảo với trên 285 loài thực vật, hơn 100 loài chim, thú có vú; tham quan bãi biển Đầm Trầu...

Trên thị trấn Côn Đảo, nhà cửa, cơ quan, trường học, các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao... được xây dựng khá khang trang, hài hòa; các con đường nhựa sạch sẽ núp dưới bóng mát của những hàng bàng, phi lao cổ thụ. Ở Côn Đảo có rất nhiều cây xanh có tuổi thọ trên 100 năm và nhiều loài cây được công nhận là “cây di sản Việt Nam” như: bàng, bằng lăng, nhãn, me... Đặc biệt, cây bàng trở thành biểu tượng thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân đất đảo; mức hạt bàng là đặc sản, món quà mang nhiều ý nghĩa đối với du khách đến Côn Đảo trở về. Điều đặc biệt nữa cũng đã trở thành nét văn hóa độc đáo của Côn Đảo là người dân ở đây nói năng nhỏ nhẹ, ý nhị và rất tốt bụng. An ninh trật tự ở Côn Đảo tuyệt vời: trộm cắp, gây rối, vi phạm Luật giao thông... rất hiếm xảy ra. Dù chưa có điện lưới quốc gia (dùng máy phát điện), nhưng điện sinh hoạt, phục vụ giao thông, các hoạt động công cộng... rất đảm bảo.

Suốt những ngày lưu lại Côn Đảo, chúng tôi không thấy bóng dáng một người cảnh sát hay công an; Song, giao thông qua lại các ngã 3, ngã 4 (đèn xanh, đèn đỏ) và trên toàn thị trấn người dân rất tự giác chấp hành... Một cuộc sống yên bình, no ấm và tràn đầy hạnh phúc đang mở ra từng ngày đối với nhân dân trên một “hòn đảo chết” năm xưa..

Ghi chép của Thanh Dương Hồng

 


Ý kiến của bạn