Trước khi ra đảo Cồn Cỏ, tôi chỉ mới biết đến anh hùng Thái Văn A qua một ca khúc, chứ chưa hề biết ngay trên đỉnh cao 63, nơi anh đứng quan sát máy bay, tàu thuỷ trong cuộc chiến ác liệt chống giặc Mỹ ngày nào, đã mọc lên cây đèn biển. Vừa nhìn thấy đảo, chúng tôi hơi thoáng ngỡ ngàng, vì từ xa, ngọn đèn hải đăng vàng rực trong nắng sớm. Những quầng sáng lung linh như có những ánh mắt đang ngóng chờ chúng tôi vậy.
Và tôi đã lầm khi nhớ rằng mỗi đầu người trên đảo đã hứng chịu 7 tấn bom đạn của kẻ địch dội xuống. Đến đây tôi mới biết chính xác đó là con số 39,3 tấn cho mỗi người. Tôi lặng đi và thật khó hình dung ra vì sao quân dân đảo anh hùng đã đứng vững suốt hơn ngàn ngày đêm trong khói lửa, kéo dài 4 năm trời, từ 1964 - 1968. Và hiểu vì sao Bác Hồ đã tặng cho quân dân trên đảo hai câu thơ:
"Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ".
Dường như hiếm có trận địa nào mà Bác đã làm thơ tặng như vậy. Hẳn nơi đó phải anh dũng và chiến thắng oanh liệt lắm. Chả thế mà quân và dân nơi đây đã được Nhà nước phong tặng hai lần Anh hùng và hai Huân chương Độc lập.
Thật thú vị, đi cùng tôi ra đảo lần này, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đem theo một CD có bài hát mới phổ thơ Xuân Lợi về đảo Cồn Cỏ. Ca khúc của chị có giai điệu đẹp và mô tả một Cồn Cỏ xanh và đáng yêu cùng những hy vọng ẩn chứa sẽ có một đảo ngọc mai này. Lại nữa, tôi còn nghe nói ở Cồn Cỏ có món tiết canh cua đá ngọt, thơm lịm người, nên háo hức lắm. Nhưng ra đây tôi mới biết, đã có lệnh cấm săn bắt cua đá. Tôi đang ngẩn ngơ vì tiếc không còn cơ hội uống rượu với tiết canh cua nữa thì Phượng, người dẫn đường dừng ôtô trước một lùm cây có tán rộng. Ngồi bên cạnh tôi, nhà thơ Đức Tiên thốt lên:
- Ôi! Hoa phong ba!
Thế là nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhảy xuống và tựa vào nhành hoa phong ba để chụp ảnh. Tôi sững người vì hương thơm ngan ngát tựa như hoa lộc vừng vậy. Nghe nói đến cây phong ba tạo thành rừng ở bãi biển để chắn gió và sóng cho đảo, nhưng tôi không hề biết tới hoa lại nhiều đến thế. Phượng cho hay, vào tháng 6 là mùa hoa phong ba nở. Hoa trắng xoá cả một vùng biển. Lúc ấy Cồn Cỏ sẽ xanh ngắt với muôn vàn loại cây mọc quanh đảo và sẽ thơm, rất thơm và bướm bay rợp trời, chập chờn như chùm ánh sáng bảng lảng đưa hương.
Bất ngờ tôi thấy Phượng chạy vội xuống bờ biển vốc lấy một túi cát. Cũng lạ, cát ở đây óng ánh sắc đỏ vàng trộn lẫn tạo cảm giác như kim cương vậy. Anh nói:
- Thực ra đây là sụn cát san hô. Bởi đảo còn dấu tích của miệng núi lửa, dải đất bazan. Tôi sẽ rắc cát trên chậu cây cảnh mới cắt tỉa cho đẹp thôi.
Hoá ra xưa Cồn Cỏ được hình thành từ hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi. Anh còn cho hay hồi năm 59, chiến sĩ đào công sự đã phát hiện ra một móng nhà đá tổ ong và một thanh kiếm đã han gỉ cùng 4 chữ Hán "Việt Nam vạn tuế" được khắc trên cây dầu máu. Đúng như nhà thơ Đức Tiên nói, Cồn Cỏ trước đó còn có một lịch sử kỳ bí cần đời sau khám phá thêm. Lúc này ông chỉ về phía trước, đó là địa đạo "Con Hổ", nơi đánh dấu những chiến công và sự hy sinh của quân và dân trên hòn đảo anh hùng này. Nhà thơ Đức Tiên một thời là lính của chiến trường Quảng Trị nên nhiều câu chuyện trên quê hương ông luôn trở về theo ký ức cùng những vần thơ sâu lắng và nhiều ám ảnh. Ngồi trên xe nhưng trong con tim ông đã rung động với những câu thơ viết ngay trên đảo. Giọng ông hơi khê vì thuốc lá nhưng lại rền vang, ấm áp theo nhạc điệu. Thơ ông da diết làm sao:
"Có trách chi mà sao bỗng dưng
Nhớ bè bạn một thời bom đạn
Dòng người kia niềm vui bất tận
Hoà bình thống nhất non sông...".
Khi nhà thơ Đức Tiên nhắc đến địa đạo, tôi mới hay vì sao đảo Cồn Cỏ còn được gọi là đảo Con Hổ bên cạnh các tên khác như Hòn Cỏ, Thảo Phù, Hòn Mệ. Riêng cái tên Hòn Mệ thì anh Phượng kể, theo truyền thuyết là do tâm phật từ bi bằng phép biến hoá, đã tạo cho ngư dân hạ giới nơi đây có chỗ tránh tai nạn, mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Đã từ bao đời, thuyền cá các làng Tùng Luật, Vịnh Mốc, Cát Sơn, Thuỷ Bạn thường xuyên neo thuyền vào đảo tránh bão. Có lẽ vì vậy mà ngư dân còn gọi đảo Cồn Cỏ bằng cái tên thân thương: Hòn Mệ.
Bỗng đâu đó câu thơ của Xuân Lợi vang lên qua giai điệu bài hát mới về Cồn Cỏ mà Quỳnh Hợp đã gửi gắm khi ra đảo:
"... Đảo Cồn Cỏ quanh co con nước phong ba, gập ghềnh cheo leo cua đá bò loang loá, ráng chiều bủa đảo rì rào sóng vỗ... Hòn Hổ phục ngâm mình ngắm biển dùng dằng tung bọt trắng bùi ngùi chia tay...".
Tốp nam hát rõ vui, Phượng lái xe nhanh hơn và bất ngờ rẽ ngoặt vào một vườn cây rồi đố mọi người biết là cây gì. Ai cũng nói là cây bàng. Thì rõ là lá bàng rồi. Gốc lại xù xì và thấp, lá xanh mướt. Khi mọi người ngó lên cao thì ai đó reo lên:
- Cây bàng vuông. Quả nó kìa!
Chiến sĩ trẻ trên đảo Cồn Cỏ trong giờ nghỉ giải lao. |
Tôi vội chạy tới khi nhìn thấy một đoá hoa bàng vuông mới nở giống như hoa cây roi vậy, nhưng nhụy dài và pha màu tím. Hầu như ai cũng tìm cho được một quả bàng vuông, khô hay còn xanh cũng được để mang về đất liền. Phượng nhiệt tình leo lên cây bẻ cho tôi một cành bàng có chùm bốn quả và một bông hoa còn chúm chím. Anh nói, chiến sĩ nào đi tuần đêm, đúng lúc gặp hoa bàng vuông nở sẽ có nhiều may mắn lắm. Hoa bàng vuông chỉ nở về đêm, có hương thơm và tươi lâu, dù có bị rơi rụng từ ngày hôm trước.
Và rồi con xe mui trần của Phượng bon thẳng vào bến 300, một cái tên có vẻ quân sự, sau này còn gọi là Bến Nghè. Trước mắt chúng tôi là những chiến sĩ đang tập luyện. Toàn cánh lính trẻ, mặc quân phục như các tay đặc công chính hiệu vậy. Quỳnh Hợp reo lên rồi chạy vội đến đòi chụp ảnh với những anh bộ đội trẻ măng. Đúng lúc họ nghỉ giải lao. Khi tôi hỏi về chuyện trên đảo thì họ kể vanh vách những chiến công trên đảo. Một cuộc chiến đã diễn ra cỡ gần nửa thế kỷ nhưng họ nắm rất vững lịch sử của ông cha dựng nước và bảo vệ Tổ quốc như thế nào.
Có chiến sĩ còn nhớ vanh vách con số quân dân đảo Cồn Cỏ đã bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu xuồng Mỹ ngụy. Chưa hết, một chiến sĩ trẻ ngồi bên còn nói thêm, đã diễn ra 841 trận chiến đấu bảo vệ đảo, trong 1.440 ngày đêm. Thế là rõ, những người lính trẻ thời nay đã luôn tiếp bước ông cha và góp công dựng nước như thế nào. Một chiến sĩ trẻ quàng lấy vai tôi để chụp ảnh và hẹn, gắng gửi ảnh về, bởi lính đảo nhớ mọi người lắm đấy vì đã mấy năm nhiều người không về đất liền rồi. Đôi mắt ấy buồn. Nhìn về phía xa. Sóng biển vỗ vào vách đá tung bọt trắng xoá. Đúng lúc đó tiếng còi ôtô vang lên thúc mọi người lên đường tiếp tục cuộc hành trình quanh đảo.
Nắng chói chang. Gió thổi tóc bay. Hàng trăm con bướm màu vẫn lượn tung tăng trên những nụ hoa phong ba. Tiếng sóng vỗ miên man. Ai cũng mải mê ngắm con đường nhỏ hun hút quanh biển bên những con đường chiến hào còn được lưu giữ như di tích lịch sử một thời oanh liệt và hào hùng. Hơn 40 năm trôi qua, những đường hào ấy vẫn còn đọng những vết đạn bom, còn vương mùi khói lửa và đã thấm máu của bao người hy sinh vì sự sống còn của đảo thép. Một chiến hạm nổi, hiên ngang bất khuất của vùng đất anh hùng trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ. Con đường mới rải nhựa bỗng như níu kéo bước chân chúng tôi dừng lại.
Khi mọi người vừa thoát khỏi những ký ức đạn bom thì thật bất ngờ vì trước mắt chúng tôi là cánh cửa lớp học hiện lên như một làn gió trong lành thổi ào vào từ biển khơi vậy. Đó là Trường mầm non Hoa Phong Ba. Nhóm học sinh ngơ ngác nhìn chúng tôi. Hai cô giáo còn rất trẻ. Trước mắt tôi, đó chính là những đoá hoa phong ba bất tử. Xanh và trắng dịu dàng như mọi áng thơ hay về tình yêu vậy. Bên cạnh hai cây phong ba ấy là những thiên thần bé nhỏ, những cây phong ba được sinh sôi từ mảnh đất anh hùng này. Hỏi chuyện thì các cô chỉ ước rằng, đảo ngày càng đông người, lớp học đông cháu để có thêm nhiều tiếng cười cho đảo đỡ buồn.
Đúng là buồn thật vì đảo có ít dân quá. Làng Thanh Niên tình nguyện ngày nào nay còn độ mươi hộ, lèo tèo vài chục người ở lại. Khi trở về bên bàn trà, trò chuyện với chúng tôi, ông Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh cười và nói trong niềm lạc quan rằng, đã có dự án lớn về một Cồn Cỏ du lịch, với số tiền đầu tư là năm triệu đô, khi ấy ắt sẽ đông người, ắt sẽ nhộn nhịp. Tuyệt đấy! Hẳn nhiên, ngày ấy không còn xa. Bởi tất cả đã bắt đầu. Quả vậy, những toà nhà to đẹp đang mọc lên. Những con đường đang hình thành từng hạng mục, lượn quanh đảo.
Đúng lúc ấy, một chuyến tàu vừa đến đưa một lớp học sinh trung học lên đảo tham quan. Tôi với máy ảnh chụp được tấm hình và hy vọng rằng, biết đâu những bước chân kia sẽ dừng lại, sẽ tựa vào hàng cây phong ba và các bạn trẻ hát lên câu ca ngày nào: "Đảo Cồn Cỏ là nhà, biển cả là quê hương".
Tôi nghĩ thế. Sẽ có ngày mọi người nô nức ra đảo để ngắm bình minh cùng những chùm san hô đỏ có một không hai trên đất nước này. Họ sẽ du ngoạn dưới đáy biển và tìm ra những câu chuyện cổ tích còn nằm ở đâu đó dưới trầm tích nham thạch phun trào. Đúng vậy! Cồn Cỏ ơi, sẽ không còn những ngày phải đặt tên Thơm, tên Lành, tên Lộc... cho những hòn đá để gọi cho có hơi người nữa. Mà những con người bằng xương bằng thịt sẽ ríu rít gọi nhau, sẽ hát ca nhảy múa. Rồi tình yêu sẽ nảy nở. Hoa phong ba là biểu tượng cho những mối tình thuỷ chung và khi ấy những nụ hôn đến ngạt thở vì sóng, vì gió mênh mang ngoài khơi cùng những nụ cười rạng rỡ trong ánh bình minh bừng lên từ chân trời xa xôi...
Bút ký của Vương Tâm