Nghe thấy những tiếng cuốc đất nằng nặng ở phía sau nhà, tôi liền thức giấc vùng dậy. Tưởng ai, hóa ra ông già Thục, hàng xóm của tôi, bậc trưởng lão trong thôn tôi, đang cặm cụi đào bới ở mấy bụi tre già quanh bờ đầm. Mùa lũ năm qua, thôn tôi úng nước, các bụi tre tàn lụi cả, giờ nguồn củi đun nấu đã trở nên khan hiếm rồi.
- Bác Thục, bác đào mấy cái gộc tre gai này làm củi à?
- Chậc! Thì cũng...
Ngẩng lên, bỏ lửng câu nói, ông lão ngoại thất tuần đưa tay cầm chiếc khăn mặt quàng cổ chạt lên gương mặt đầy vết nhăn của tuổi tác và khổ ải. Tháng bảy ta trời oi nực bí bức. Nghe chừng lại sắp mưa. Bầu trời phía bờ sông Hồng, nơi giáp cánh đồng Mụ làng tôi chỗ trắng nơi thâm sì, vằn vèo như da báo.
- Bác nghỉ tay đi, vào nhà uống nước, lát nữa cháu xin cùng bác một tay. Với lại mấy cái gộc tre ải mục hết rồi, đun chỉ tổ khói thôi, bác ạ. Bác chuyển sang đun than đi. Nhiều nhà trong thôn mình còn dùng bếp gas, bếp từ rồi cơ mà.
- Ờ thì...
Lại như lần trước, ông lão bỏ lửng câu nói. Và lại cúi xuống cắm cúi với công việc của mình. Nhưng, lần này chỉ mới đào được một gộc tre to bằng cái tổ kiến, ông lão đã phải ngừng việc. Cơn mưa từ đằng Đông, phía bờ sông Hồng vào các chiều tháng bảy như quen lệ đã rào rào đổ xuống.
Mưa đổ một hiệp âm như sỏi đá đổ. Rồi như giàn nhạc giao hưởng bè trầm bè bổng hòa quyện, nhưng dấm dẳng lúc ngắt hơi, lúc rền rền, như lên cơn tức hứng. Kiểu này là mưa nước lên rồi. Nhìn ra ngoài trời hơi mưa trắng xóa, ông lão Thục nói. Và lại giữ thói quen của một lão nông chẳng mấy khi để chân tay rỗi rãi, ông lão rút con dao đeo bên sườn, dựng đoạn tre mới kiếm được, róc đầu mấu rồi bổ làm đôi. Bác chẻ tre làm cái gì mà nhỏ thế? Tôi hỏi. Ông lão ậm ờ mấy tiếng rồi đáp tiếng được tiếng mất, rằng thì là mưa nước lên là mùa kiếm cua cá và đây là ông lão đang chẻ nan để đan giậm bắt cá bắt cua. Giậm nhất thì cần cầu kỳ một tí, còn giậm cua thì đơn giản hơn cậu ạ. Ông lão nói. Rồi lát sau, tay đang chuốt từng sợi nan, bỗng dừng lại, ông lão đột ngột hỏi tôi: Lát nữa tạnh, cậu có rỗi không? Tôi đáp: Có. Và nhìn ông lão, đợi chờ. Thì ông lão đứng dậy nhìn mảnh sân nhà tôi đã ngập nước, có những chiếc mũ bong bóng đang trôi lừ đừ, nói: Cậu chở tôi ra bờ sông Hồng, chỗ cánh đồng Mụ, tôi cho cậu xem cái này nhé!
*
Ôi, làng quê tôi, một làng quê ngoại thành Thủ đô! Nơi tôi sinh ra, nhưng lớn lên là xa nó, lên thành phố học hành và bây giờ sắp đi du học ở Úc, nên đối với tôi còn xa lạ lắm. Tôi đâu có như ông lão Thục vừa lẫm chẫm biết đi đã biết chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng, bắt tôm tép, cua cá. Và trong khi chờ đợi cơn mưa chiều sắp tạnh, chỉ nghe ông lão kể công việc bắt cua bắt cá thôi mà đã thấy trong ông là cả một tình yêu thương lớn lao và gắn bó mật thiết với miền quê yêu dấu đến thế nào! Là bởi vì, chỉ đơn thuần một việc đi cầy mỗi sớm mai thôi, vậy mà khéo ra, theo ông lão kể, thì cũng có thể tóm được vài ba chú trạch chấu ẩn mình trong đất ẩm từ khi lúa mới gặt. Còn như thích thú nhất thì phải kể đến việc đánh giậm và cào sông. Giậm có ba loại. Giậm nhất nan nhỏ, mắt mau. Giậm nhì, mắt thưa hơn tí chút. Còn giậm cua thì nan to, chủ yếu để bắt cua. Để chiếc giậm xuống đoạn ruộng gần bờ xong thì đặt bàn chân lên mõ giậm. Mõ giậm làm bằng tre cái, vì tre cái rỗng ruột và nhẹ. Nào, bàn chân đặt trên mõ rồi thì hãy dập mạnh liên tục! Và có nghe thấy không? Nước ập vào lòng mõ rồi vọt ra, phát thành tiếng ộp ộp rồi đó. Và chẳng hiểu có phải vì sợ hãi không mà các chú cua to béo nghềnh ngàng đang nấp ở bờ cỏ cứ thế là thi nhau lổm ngổm bò ra rồi thi nhau lọt hết vào lòng giậm. Cũng có khi dùng giậm để cào ao. Muốn cào ao trước hết cho trâu đùa khuấy đục lên. Nước đục tôm tép mới nổi hết. Thôi thì chỉ sợ không có sức mà xúc thôi! Chà!
Còn bây giờ, sau cơn mưa, tôi đã đèo xe máy đưa ông lão Thục ra bờ sông Hồng. Trời! Tôi không tin ở mắt mình nữa. Một hoàng hôn thật bình yên hòa trong niềm hoan lạc bí ẩn đang tràn dâng trên cánh đồng Mụ quê tôi. Cậu xem kìa! Theo tay ông lão Thục chỉ, tôi đã trải qua hết ngạc nhiên nọ đến sửng sốt kia. Và tôi đã tự hỏi, ở đâu có được cái cảnh sông nước đông vui như hội hè giống vùng quê tôi? Kìa đàn vịt giời đang trở về. Không ít hơn ngàn con đâu! Chúng lượn vòng ngay trên đầu ta như một dải lụa mềm. Kỳ lạ hơn, khi chúng vừa hạ cánh, đậu kín một bãi sông bên hữu ngạn, vươn cái cổ dài cất những tiếng kêu hợp đoàn hai âm tiết một thì bên phía đối diện với chúng đã trắng lóa cả một vệt thân cò.
Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng. Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non... Ôi những con cò trong lời ru của mẹ, của bà. Nhưng con cò trong thơ của thi hào Nguyễn Trãi: Cò nằm, hạc lặn vui bầu bạn. Ấp ủ cùng ta làm cái con. Cò, đủ loại cả ngàn con, từ các thung xa đang bay về hợp đoàn. Những con cò mỏ dài, chân que, với đôi cánh trắng xóa. Những con cò mảnh mai, gầy gùa một nét đẹp thanh bình thân thuộc nơi đồng quê. Diễm phúc cho những ai được một lần chứng kiến cảnh hội hè sông nước quê hương tôi lúc này! Vì ở thời khắc hiếm hoi này, từ các thôn làng rải rác, những chàng trai trẻ làng quê với giậm, lưới, vó, nơm đang tưng bừng trong một cuộc hợp đoàn với khí thế nhập cuộc vô cùng hào hứng. Thật là nước non tang bồng đủ chiều kích rộng dài để dang tay đón khách gần xa! Chẳng ai phải chịu phần thiệt thòi cả. Ai có phận nấy. Người đánh giậm nơi bờ ruộng, cất vó, úp nơm, tung lưới, siếc cá dưới lòng sông. Vịt giời lặn lội ở phần ruộng trũng. Cò mò cua bắt tép ở địa phận quen thân của cò.
- Cậu thấy có thích mắt không?
Ông lão Thục hỏi tôi, rồi ghé tai tôi, khe khẽ và trong tiếng nói cuộn tròn nơi cổ họng ông, tôi nghe thấy những âm thanh của một dự định nao nức vô cùng: Tôi đã có cách rồi cậu ạ. Có cách rồi cậu ạ! Tôi sẽ gọi đàn cò về thôn làng ta. Tôi sẽ gọi chúng về, cậu à.
*
Dừng xe, gạt cái chân chống, ông lão Thục đưa tay lần tìm sợi dây cao su buông lõng thõng ở bên kia xe. Trên cái giá đèo hàng gắn ở sau chiếc xe đạp cà rịch cà tàng, không chắn bùn, không chắn xích, cả không phanh của ông lão, lúc này đã lổng chổng cả một đống các gộc tre gai già. Lần thứ bao nhiêu trong năm nay rồi, không kể tôi là kẻ đi học xa, nhưng có lẽ là cả những người làng quê tôi cũng vậy thôi, chắc chẳng ai để ý xem ông lão đi quanh làng đào các gộc tre gai về làm gì.
Thế đấy! Một thân già lặm cặm một mình một việc mình làm mình hay! Cho đến một hôm đi qua, mọi người dân trong làng mới dừng chân, ngỡ ngàng vì chợt nhận ra, quanh con đầm mênh mông của làng, từ những gốc tre gai già nọ đã bật lên những chồi măng nhọn hoắt như những ngọn giáo búp đa xanh ngăn ngắt. Những gốc tre gai già đã vào cuộc sinh hóa. Và ngoảnh đi ngoảnh lại, chẳng để con người kịp nhận ra, các gộc tre gai đã hóa thân thành từng khóm tre măng tơ xanh um. Cả một vùng tre xanh mênh mang rợp mát, một khoảng không bao la.
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mỏng manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Tôi xa làng đi học ở nước người chốc đã năm năm. Một chiều xuân về thăm quê, đang thiu thiu, chợt thức tỉnh vì trên không trung vang lộng tiếng cò kêu như những tiếng kèn đồng. Vùng dậy, tôi chạy ra sân, ngước mắt lên cao.
Trời! Cả một khoảng trời đang giăng giăng phấp phới những cánh cò. Cò trắng cò nâu cò lửa cò bợ, cò bố cò mẹ cò con. Những con cò cổ dài, mỏ nhọn, chân cao, mong manh một sắc trắng thanh khiết, sau một ngày đi kiếm ăn nơi đồng Mụ bên con sông Hồng màu mỡ phù sa đang trở về nơi cư trú, dáng vẻ đều thanh thản, yên hòa. Con dang cánh lượn. Con vỗ cánh đảo vòng tìm ổ. Trên những cành tre mềm mại dẻo dai, con đang rỉa lông, rỉa cánh. Con đang nghênh mỏ ngắm nhìn cảnh trí xung quanh. Gió nhè nhẹ, khóm tre rung rinh lả lướt, vắt vẻo một nhịp điệu êm đềm. Từ dưới nhìn lên, thấy những chiếc tổ cò đan bện đặt thật khéo giữa những thân cành che chắn tua tủa, thấy cả cảnh cò mẹ đang chúc mỏ bón cho cò con. Rừng tre bao la này là khu chung cư, nơi trú ngụ bình yên muôn thuở của các gia đình nhà cò.
Ông lão Thục đã lên thượng thọ bát thập. Thấy tôi ngắm đàn cò với vẻ thích thú khác thường liền chống gậy trúc lò dò đi tới:
- Cậu có thấy thích mắt không?
- Cháu nhớ rồi. Hôm ấy, sau cơn mưa tháng bảy, cụ đưa cháu ra cánh đồng Mụ bên bờ sông Hồng. Nhưng thưa cụ, có được cảnh sắc kỳ lạ này, trước hết phải kể đến công ơn lớn lao phi thường của cụ. Cụ là một nghệ sĩ sắp đặt, một kiến trúc sư tạo nên một cảnh quan tuyệt vời này.
Nghe tôi nói vậy, ông lão Thục lắc đầu:
- Chẳng có công cán gì, tôi chỉ có chút mẹo vặt thôi. Anh có biết vì sao bọn cò lại tụ hội ở đây đông thế không?
- Vì sao ạ?
- Bí kíp là gì! Là bởi vì cò là một giống chim rất lãng mạn.
- Lãng mạn?
- Đúng thế. Bọn chúng rất thích loài tre gai. Chắc anh nghĩ, tre có gai là sự bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chúng nên chúng mới chọn để làm nơi trú ngụ chứ gì? Đúng, nhưng chưa đủ đâu. Anh hãy nhìn xem! Cò đang đậu ở đâu? Trên các cành tre. Ấy thế! Tre gai là thứ tre vừa bền chắc vừa dẻo dai thật lực. Đậu trên đó mà rung rinh nhịp nhàng theo lay động của cơn gió thì còn gì thú vị bằng. Thì còn gì thú vị bằng! Thì tâm hồn ắt hẳn là phải bay bổng lên tận mây xanh. Như đang trên chốn bồng lai tiên cảnh ấy chứ. Mà lại chắc chắn, chẳng sợ gió táp mưa sa, bão bùng gì nữa. Đó! Bây giờ thì anh đã tin cò là giống chim lãng mạn nhất trần đời chưa?
Trời! Sung sướng như vừa phát hiện một chân lý kỳ lạ, tôi liền nắm tay ông lão Thục, rưng rưng cảm động và thầm thì: Vâng. Nhưng thưa cụ, giữa cụ và cò, không hiểu ai là người lãng mạn hơn ai đây ạ!