Thế nào là một cơn chóng mặt lành tính?
Cơn chóng mặt lành tính là cơn chóng mặt không do nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm gây ra, đáp ứng tốt với các "mẹo" xử lý thông thường, hoặc các nghiệm pháp đơn giản, hay các thuốc điều trị thông thường, kéo dài trong thời gian ngắn và đôi khi có thể tự ra cơn.
Cơn chóng mặt lành tính thường gặp nhất là cơn chóng mặt tư thế lành tính. Một buổi sáng, bạn vừa thức giấc ngồi dậy và có cảm giác nhà cửa xoay tròn như đảo lộn. Ngay cả khi nằm xuống lại, bạn càng cảm thấy chóng mặt dữ dội khi quay đầu cổ về một hướng nào đó. Cơn chóng mặt kéo dài chỉ vài mươi giây cho đến hơn một phút và lặp đi lặp lại, có thể kèm nôn ói nhiều, nặng đầu. Đó chính là triệu chứng điển hình của cơn “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”.
Hoặc khi bạn đang tập trung cao độ làm việc trên máy tính hàng giờ liền, sau đó vừa mới xoay đầu đứng dậy, bạn có cảm giác say sóng, mình xoay vòng đứng không vững, văn phòng xoay tròn đảo lộn. Mọi người dìu bạn nằm xuống, bạn chỉ có thể giữ đầu một tư thế vì nếu xoay về bên còn lại thì chóng mặt dữ dội hơn. Đây cũng chính là triệu chứng điển hình của cơn “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”.
Phụ nữ trung niên thường gặp tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Ảnh minh họa)
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ưu thế ở nữ giới, tuổi trung niên. Cảm giác chóng mặt xảy đến rất đột ngột với cường độ mạnh dễ gây cho chúng ta cảm giác hoang mang sợ hãi như thể tình huống tai biến mạch máu não sắp xảy ra. Vậy thì dấu hiệu nào là biểu hiện của một cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính? Và có phải lúc nào cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính cũng "lành tính" không?
Đặc điểm của cơn chóng mặt tư thế lành tính
Tất cả các trường hợp chóng mặt đều nặng lên khi có cử động của đầu, tuy nhiên gọi là chóng mặt tư thế chỉ khi mà chóng mặt xuất hiện ở một tư thế định sẵn trong không gian.
Cơn chóng mặt tư thế lành tính có đặc điểm là cơn chóng mặt kịch phát và rung giật nhãn cầu xảy ra ở những tư thế đặc biệt của đầu, nhất là khi nằm xuống, khi lật qua lật lại trên giường, khi ngóc đầu lên và đứng dậy, khi ngửa đầu ra sau. Mỗi cơn kéo dài chưa đầy một phút, nhưng có thể có nhiều cơn lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc hiếm hơn nhiều năm. Tuy nhiên, người bệnh không có dấu hiệu bất thường về thính lực, về tổn thương trong tai, hoặc bất thường ở những nơi khác.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) là một tình trạng rối loạn hệ thống tiền đình xảy ra khi thay đổi vị trí của đầu đột ngột như khi ngẩng đầu lên hoặc xuống, nằm xuống hay ngồi dậy bất ngờ. (Ảnh minh họa)
Chóng mặt tư thế lành tính là nguyên nhân thường gặp rong tiền đình ngoại biên chiếm đến 40% trường hợp.
Một biến thể khác của chóng mặt tư thế lành tính là chóng mặt xuất hiện vài giây khi đột ngột xoay đầu, xảy ra trong thời gian ngắn hoặc thường gặp là cảm giác chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng và thường khó phân biệt với cảm giác sợ té, cảm giác hoa mắt. Những cơn chóng mặt kịch phát như vậy có thể đến rồi đi xảy ra nhiều năm, nhất là ở người già mà không cần điều trị gì cả.
Nguyên nhân của cơn chóng mặt tư thế lành tính
Cơ sở sinh lý bệnh của chóng mặt tư thế lành tính là do sỏi kênh thính giác (canalolithiasis) kích thích ống bán khuỵên do những mảnh bềnh bồng trong lớp nội dịch.
Yếu tố thúc đẩy có thể là do nhiễm trùng hoặc những rối loạn khác của tai trong hay chấn thương đầu trước đó, ngoài ra còn hay xảy ra ở người lớn tuổi do thoái hoá hệ thống tiền đình nhưng cũng trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Biện pháp điều trị
Hầu hết chóng mặt kịch phát lành tính đều có thể chữa khỏi, nhưng dễ tái phát.
Phương pháp điều trị đôi khi cần đến các thao tác phục hồi tiền đình để tái định vị sỏi ốc tai.
Bên cạnh các nhóm thuốc được dùng để hỗ trợ điều trị bao gồm thuốc ức chế hoạt động tiền dình, thuốc chống nôn, thuốc thúc đẩy quá trình thăng bằng.
Dấu hiệu phân biệt với các dạng chóng mặt nguy hiểm
Trong khi chóng mặt tư thế là lành tính, các chóng mặt có nguồn gốc trung ương sẽ gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Một vài bệnh lý nguy hiểm thường gặp mà người bệnh "lầm" với cơn chóng mặt kịch phát lành tính như sau:
- Dấu hiệu của thiếu máu hay nhồi máu não: Triệu chứng chóng mặt kèm thất điều, đi đứng loạng choạng dạng chân đế hay yếu liệt một nửa bên hay tứ chi… Diễn tiến của một bệnh cảnh thiếu máu động mạch thân nền có thể diễn ra rất từ từ, trong vài ngày đầu người bệnh có triệu chứng chóng mặt đột ngột, cơn chóng mặt không giảm dần theo thời gian mà kết hợp với các triệu chứng mới như yếu dần một hoặc hai bên, lơ mơ, ngủ gà khó tiếp xúc, thậm chí tử vong nếu tắc động mạch thân nền. Việc can thiệp tái thông khi người bệnh trở nặng có thể được tiến hành ở một số trung tâm đột quỵ ở thành phố, và có thể để lại di chứng nặng nề.
Khi chóng mặt mà có kèm theo các dấu hiệu tê yếu một bên tay/ chân thì đó là dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ nhồi máu não, cần đến bệnh viện ngay (Ảnh minh họa)
- Tiền ngất xỉu: Gần giống với cơn chóng mặt nhẹ, bạn cảm giác choáng váng trước khi mất ý thức hoặc ngất xỉu, thời gian kéo dài một vài giây đến một phút. Các nguyên nhân gây ra do một giảm lưu lượng máu đến toàn bộ não do rối loạn nhịp tim, suy tim, hạ huyết áp tư thế, tăng thông khí do người bệnh lo lắng thở quá nhanh gây hạ thấp hàm lượng CO2 trong máu và gây co thắt mạch máu não…
- Chóng mặt do các nguyên nhân viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh tiền đình ngoại biên cấp tính thường xảy ra do nhiễm siêu vi, gây nên teo một hoặc nhiều phần dây thần kinh tiền đình. Bệnh khởi phát là chóng mặt dữ dội kèm theo triệu chứng giảm thính lực một bên, triệu chứng thoái lui hoàn toàn thường lâu hơn từ 2-6 tháng. Để chẩn đoán loại chóng mặt này, người bệnh thường được thăm khám kỹ càng kèm theo chụp phim MRI sọ não để loại trừ những nguyên nhân khác.
- Chóng mặt do u góc cầu tiểu não, u dây thần kinh tiền đình: Chóng mặt liên quan đến u góc cầu tiểu não thường tiến triển chậm gây chóng mặt nhẹ và mất thăng bằng, bệnh thường tiến triển trong vài năm cho đến khi khối u đủ lớn để đè nén tiểu não hay thân não gây nên các triệu chứng như ù tai, chóng mặt, liệt mặt một bên. Chẩn đoán bệnh cần chụp MRI sọ não và phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật.
Tóm lại, khi có các triệu chứng nguy hiểm, bạn cần thiết đến các cơ sở y tế với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời:
- Chóng mặt nặng không thể đi lại
- Chóng mặt kèm nôn ói dữ dội, nôn ra mật xanh mật vàng không cầm được, không uống thuốc được
- Chóng mặt tái phát thường xuyên và chóng mặt kéo dài (trên 4 tuần)
- Chóng mặt kèm dấu hiệu thần kinh: Nhìn mờ /nhìn đôi; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất định hướng không gian và thời gian
- Chóng mặt kèm cơn ngất kèm theo
- Chóng mặt kèm biểu hiện của tai: Giảm thính lực; Đau tai
- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội
- Sốt
- Tiền sử chấn thương đầu, chấn thương vùng tai với lực mạnh
- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường và kéo dài