Thiết bị có thể cấy ghép này được chứng minh có giá trị trong điều trị bệnh, cải thiện các chức năng cơ thể ở người bệnh suy tạng hoặc suy giảm các chức năng cơ thể.
Một số các thiết bị cấy ghép được sử dụng rộng rãi hiện nay như máy tạo nhịp tim hay ốc tai điện tử đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và cứu mạng vô số bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị này rất khó di chuyển, cần nhiều mạch, là thiết bị có dây và sử dụng pin.
Liệu sự ra đời của con chip nhỏ nhất thế giới có thể khiến cho việc cấy ghép những thiết bị cồng kềnh sẽ trở thành quá khứ?
Con chip trong nghiên cứu để lọt vừa lỗ kim
Việc sản xuất ra thiết bị thu nhỏ, không dây đã trở thành trọng tâm của các nhóm nghiên cứu như nhóm của Đại học Columbia, Mỹ.
"Chúng tôi rất quan tâm tới các thiết bị có thể cấy ghép mà chúng tôi gọi là thiết bị CaS (chip-as-system), trong đó việc phát triển con chip trong nghiên cứu này là một ví dụ.", ông Ken Shepard, người dẫn đầu nghiên cứu, giáo sư công nghệ sinh học y khoa cho hãng tin Euro News biết.
Để đạt được điều này, nhóm nghiên cứu dựa vào siêu âm để tìm và liên lạc với con chip không dây để chuyển thông tin về bộ phận cơ thể được cấy ghép con chip.
Con chip trong nghiên cứu được kỳ vọng sẽ kiểm soát thân nhiệt cơ thể, đường huyết, lượng glucose và hệ hô hấp của cơ thể.
Mục tiêu của đội ngũ nghiên cứu là phát triển con chip có thể cấy ghép bằng cách dùng một kim tiêm dưới da để đưa vào cơ thể thay vì phẫu thuật.