Hà Nội

Con biết học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải phiếu 'Rất tiếc bé đã không trúng tuyển'?

28-08-2022 07:56 | Thời sự
google news

SKĐS - TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhà trường không có quyền sử dụng phương án bốc thăm như vậy và đưa ra hướng xử lý giúp phụ huynh nếu con không trúng tuyển vào trường mầm non công lập.

Hà Nội: Hàng trăm phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học mầm non cho conHà Nội: Hàng trăm phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học mầm non cho con

SKĐS - Năm học tới, để con được vào học tại Trường mầm non công lập Hoàng Liệt (Hà Nội), phụ huynh phải trải qua hai vòng bốc thăm may rủi.

Việc các cháu độ tuổi mầm non sẽ học ở trường công hay trường tư lại phụ thuộc vào bàn tay may rủi của bố mẹ là chuyện lạ, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử giáo dục Việt Nam, đang khiến dư luận xôn xao.

Một số phụ huynh sau khi bốc thăm cho con vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã không may mắn bốc phải dòng chữ "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển" bức xúc nói: "Tôi cũng chưa có dự định gì cho con sau khi không trúng tuyển. Không biết phải làm như thế nào vì điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp nên không thể cho con theo học ở trường mầm non tư thục".

Nhiều phụ huynh cho biết, nếu không may mắn, không bốc được lá thăm trúng tuyển, có lẽ gia đình phải để con ở nhà hoặc gửi con về học ở quê. 

"Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập, vì vậy tôi thấy buổi bốc thăm này rất vô lý và không thể chấp nhận được", một phụ huynh bức xúc.

Con sẽ học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển"? - Ảnh 2.

Con sẽ học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển"? - Ảnh 3.

Hàng trăm phụ huynh tham gia buổi bốc thăm để giành suất cho con vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Sự việc càng trở nên "nóng" hơn khi một đại diện quận Hoàng Mai cho biết: "Với những học sinh không có suất vào trường, quận hy vọng các gia đình chia sẻ khó khăn quá tải trường lớp, theo đó có thể chuyển ra học ngoài công lập hoặc tính phương án gửi gắm khác".

Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao quận không tìm phương án để hỗ trợ các gia đình không trúng tuyển hay tính phương án gửi gắm khác giúp các gia đình mà không đủ điều kiện để học các trường mầm non tư thục?

Trao đổi với  PV báo Sức khỏe&Đời sống xung quanh vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Nhà trường không có quyền sử dụng phương án bốc thăm như vậy. Đó là điều không được phép. Nhà trường chỉ được phép nhận học sinh từ ngày bắt đầu mở hồ sơ nhận tới khi đủ chỉ tiêu. Hết chỉ tiêu sẽ ngừng nhận học sinh, trả lời phụ huynh và phải báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Điều này sẽ hợp lý ở chỗ khi phụ huynh đi đăng ký học cho con sẽ có luôn câu trả lời là được hay không được để không phải chờ đợi đến một ngày phải "quay xổ số may rủi thế này".

Con sẽ học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển"? - Ảnh 4.

Con sẽ học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển"? - Ảnh 5.

Với những phụ huynh bốc phải phiếu "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển" sẽ lựa chọn phương án nào để con em mình vừa được học trong một ngôi trường tốt vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình?

Hơn nữa, theo TS. Vũ Thu Hương, việc bốc thăm để giành suất học cho con rất phản cảm, khi phụ huynh không bốc trúng sẽ tạo cảm giác khó chịu.

Về phương án xử lý với những trường hợp cha mẹ bốc phải lá phiếu "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển", TS. Vũ Thu Hương gợi ý:

Thứ nhất, với phường Hoàng Liệt chỉ có duy nhất một trường công thì những phụ huynh bốc phải phiếu "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển" này có thể viết một lá đơn kiến nghị gửi lên phường và quận để xin cho con vào học tại một trường công lập ở phường khác.


Con biết học ở đâu nếu cha mẹ bốc phải phiếu 'Rất tiếc bé đã không trúng tuyển'? - Ảnh 6.

TS. Vũ Thu Hương- nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.


Thứ hai, ngoài Trường mầm non công lập Hoàng Liệt thì phường Hoàng Liệt còn có 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 nhóm lớp độc lập. Như vậy, những phụ huynh bốc thăm trượt có thể kiến nghị và đề xuất lên cơ quan quản lý cấp trên hỗ trợ một mức phí riêng để con em có thể theo học được ở các trường tư thục và các nhóm lớp độc lập trên địa bàn phường mình sinh sống.

Thứ ba, đối với các trường tư thục và các lớp nhóm trẻ sẽ có rất nhiều mức học phí khác nhau, phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu để chọn lựa được ngôi trường vừa chất lượng lại phù hợp với kinh tế của gia đình.

Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến việc muốn học mầm non, phải bốc thăm, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, hiện nay, tình trạng đô thị hóa ở Hà Nội quá nhanh, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. Các chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, lượng dân số cơ học tăng, các gia đình trẻ tăng, tỉ lệ sinh tăng, dẫn đến các cháu lứa tuổi đi học các cấp tại một số khu vực sẽ bất cập và tạo áp lực cho các trường công các cấp tại khu vực đó, vì chỉ tiêu có hạn sẽ dẫn đến thiếu trường và ảnh hưởng đến việc đi học của các con.

Thêm nữa, các gia đình có thu nhập ở mức trung bình trở xuống chiếm phần lớn nên sẽ mong muốn con vào các trường công để giảm áp lực tài chính. Do đó, các ban ngành cần khảo sát chính xác dân số tại khu vực, xác định chính xác độ tuổi của dân số trong khu vực để có các dự báo, giải pháp cụ thể để có định hướng xây trường học bổ sung, hay tăng số trường lớp…

"Với các khu dân cư không đủ trường thì cần có phương án trợ giá của Nhà nước cho những trường tư thục - vốn dành cho những gia đình khá giả thì giờ sẽ được trợ giá để có thể hỗ trợ những gia đình không đủ điều kiện cho con theo học. Những trường hỗ trợ này sẽ không được lấy phí cao mà sẽ được nhận một khoản kinh phí của Nhà nước", TS. Vũ Thu Hương gợi ý thêm.

Năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt được phân bổ tổng 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Trường nhận được 226 hồ sơ xin học cho trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ 4 là 290 hồ sơ (gấp 3,2 lần chỉ tiêu) và 3 tuổi là 423 (gấp 1,7 lần chỉ tiêu).

Do quá tải, nhà trường ưu tiên nhận hết 226 hồ sơ trẻ 5 tuổi, phân bổ thành 13 lớp mẫu giáo. Việc này nhằm đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 năm học tiếp tới. Còn các trẻ từ 3 đến 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký. Nhà trường quyết định tổ chức bốc thăm dưới sự chứng kiến các bên liên quan để kết quả được công bằng, minh bạch.

Theo kế hoạch, việc bốc thăm để giành suất cho con vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/8.

Học sinh hút thuốc lá điện tử: Chọn phong cách "thời thượng" hay lá phổi tổn thương?Học sinh hút thuốc lá điện tử: Chọn phong cách 'thời thượng' hay lá phổi tổn thương?

SKĐS - Nhiều học sinh đã bị đình chỉ học tập do sử dụng thuốc lá trong trường học hay phải nhập viện cấp cứu sau khi hút nhưng nhiều em vẫn muốn thử, muốn trải nghiệm hay đơn giản chỉ là để thể hiện phong cách "thời thượng" của mình.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn