Con bị tinh hoàn ẩn, mẹ sợ can thiệp ảnh hưởng, khi đến viện hối hận thì đã muộn

07-06-2022 06:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Người mẹ biết tình trạng bệnh của con nhưng vẫn lựa chọn trì hoãn điều trị, ngại đụng dao kéo vì sợ ảnh hưởng tới sự phát triển trong tương lai. Cho tới khi bé có biểu hiện đau, sưng phồng ở vùng bẹn phải nhập viện thì tinh hoàn đã bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Ngày 6/6, Bác sĩ Hồ Trung Cường - khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 nam bệnh nhi 3 tuổi nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm trong tình trạng đau đớn và có khối phồng ở vùng bẹn.

Khai thác bệnh sử từ phía gia đình của bé ghi nhận, mẹ bé đã biết con bị tinh hoàn ẩn từ trước nhưng ngại không mổ vì sợ con còn nhỏ. Gia đình lo ngại việc phẫu thuật có thể gây ra những tác động không mong muốn đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

Ngày 29/5, bé bắt đầu có triệu chứng bị đau nhiều và những cơn đau ngày càng nặng thêm, đến mức bé không thể ngủ. Tới ngày 31/5, mẹ bé kiểm tra thì phát hiện khối phồng ở vùng bẹn nên vội đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay trong đêm.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận vùng bẹn của bệnh nhi có biểu hiện sưng phồng bất thường, đồng thời vùng bìu bên phải của bộ phận sinh dục không có tinh hoàn nghi có thể bé bị xoắn tinh hoàn ẩn. Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhi bị tinh hoàn ẩn ở vùng bẹn, cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, mổ hở, tháo xoắn cuống tinh hoàn cho bệnh nhi. Tuy nhiên, tình trạng xoắn đã khiến máu không thể lưu thông nuôi tinh hoàn nên đã dẫn tới hoại tử, không thể phục hồi. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn bên phải đã hoại tử, đồng thời cố định tinh hoàn còn lại để không bị xoắn trong tương lai.

Chuyên gia khuyến cáo không nên chủ quan trước bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ - Ảnh 1.

Xoắn tinh hoàn có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dậy tình, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời khả năng hồi phục chỉ dưới 10%, nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn rất lớn

BS Hồ Trung Cường cho biết: "Ở thời kỳ phôi thai, tinh hoàn của các bé trai nằm trong ổ bụng và di chuyển dần xuống bìu. Những trẻ sau khi chào đời không thấy tinh hoàn nằm ở bìu được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ, đây là một tình trạng khá phổ biến ở các bé trai.

Những trường hợp bị tinh hoàn ẩn cần phải được phẫu thuật, đưa tinh hoàn xuống bìu khi bé 6 tháng tuổi. Hiện nay, phương pháp tiếp cận có thể là mổ nội soi hoặc mổ mở tuỳ thuộc vào vị trí của tinh hoàn. Sự chậm trễ phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển, dẫn tới teo tinh hoàn hoặc chuyển thành ác tính."

Trường hợp của bệnh nhi trên là bị xoắn tinh hoàn khiến cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng tới việc tưới máu của tinh hoàn. Tuy nhiên, do trẻ được phát hiện và nhập viện trễ, tinh hoàn bị thiếu máu kéo dài nên bị hoại tử.

Trước đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận 2 ca bệnh bị xoắn tinh hoàn được phát hiện và nhập viện trễ. Các bác sĩ đã cố gắng điều trị bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhi nhưng không thành công, 2 bé vẫn phải cắt bỏ tinh hoàn sau đó.

Các bác sĩ cảnh báo xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng bìu cấp. Biểu hiện ở trẻ bị xoắn tinh hoàn thường dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau bìu khác như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và tuổi dậy thì. Với những trẻ bị xoắn tinh hoàn nếu được phát hiện sớm, can thiệp phẫu thuật tháo xoắn trong thời gian 6 giờ thì khả năng hồi phục hơn 90%. Tuy nhiên, với những trẻ được phát hiện, can thiệp muộn sau 12 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, khả năng bình phục chỉ còn dưới 10%. Việc cắt bỏ tinh hoàn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ mà còn khiến trẻ tự ti, mặc cảm khi đến tuổi trưởng thành.

Để tránh tình trạng trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý quan sát cơ quan sinh dục của trẻ. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường như sưng, đau vùng bìu và tinh hoàn, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được bác sĩ thăm khám, có giải pháp can thiệp sớm.

Chứng xoắn tinh hoàn: Những điều cần cảnh giácChứng xoắn tinh hoàn: Những điều cần cảnh giác

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.


P.Thương
Ý kiến của bạn