Con bị dị tật đầu nhỏ, mẹ có nên sinh bé thứ 2?

21-11-2017 10:45 | Đời sống
google news

SKĐS - Mẹ bé K. vẫn còn trẻ nên hỏi bác sĩ là chị muốn sanh thêm một bé nữa, nhưng sợ không biết bé thứ hai có bị tật đầu nhỏ như vậy nữa không?..

Ngày 20/11/2017 bé Đỗ Bách K., 20 tháng tuổi, nhà ở xã An Thái Trung, Cái Bè, Tiền Giang vào viện vì bị co giật. Bác sĩ khám thấy em có triệu chứng của bệnh động kinh và vòng đầu của em có kích thước nhỏ, chỉ đo được 39cm so với bình thường tối thiểu là 47cm, nên chẩn đoán em bệnh động kinh trên bệnh nhân bị tật đầu nhỏ.

Mẹ em kể là lúc mới cấn thai chừng 3 tháng thì bị cảm sốt, không uống thuốc gì, một tuần thì hết, khi sinh bé ra cân nặng 3 kg, đầu bé cũng giống như các bé khác nên không có đo vòng đầu. Khi bé được 6 tháng tuổi thì bé bị co giật, vào bệnh viện và bác sĩ cho biết cháu bệnh teo não bẩm sinh. Bác sĩ nói chỉ điều trị nâng đỡ và các di chứng, chứ không thể làm cho não phát triển như bình thường được.

Mẹ bé K. vẫn còn trẻ nên hỏi bác sĩ là chị muốn sanh thêm một bé nữa, nhưng sợ không biết bé thứ hai có bị tật đầu nhỏ như vậy nữa không? Bác sĩ trấn an bà mẹ là cứ an tâm sanh thêm đứa thứ hai, vì khả năng bé này bị tật đầu nhỏ là do mẹ nhiễm khuẩn lúc mang thai, chứ không phải do di truyền, nhưng quan trọng nhất là mẹ phải kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai lần nữa, chích ngừa đầy đủ các bệnh Rubella, thủy đậu và khi mang thai thì không để bị cảm sốt, muỗi đốt mắc bệnh Zika, thường xuyên khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của bào thai từ khi còn trong trứng nước đến khi sanh.

Về chuyên môn, tật đầu nhỏ có tên khoa học là Microcephaly là một bệnh thần kinh hiếm gặp trong đó đầu của trẻ sơ sinh là nhỏ hơn đáng kể so với đầu của những đứa trẻ khác cùng tuổi và cùng giới, do bộ não của bé phát triển bất thường trong tử cung hoặc không phát triển sau sinh. Đầu nhỏ có thể được gây ra do di truyền, môi trường và nhiễm khuẩn, tần suất 1/1.000 lần sinh, gần đây một nguyên nhân quan trọng gây tật đầu nhỏ là do vius Zika. Trẻ em bị tật đầu nhỏ thường có các vấn đề về phát triển thể chất và tâm thần. Nói chung không có cách điều trị tật đầu nhỏ, nhưng với phương pháp điều trị hỗ trợ sớm có thể giúp tăng cường sự phát triển tối đa phần não còn lại của trẻ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bình thường trẻ em mới sinh ra có vòng đầu khoảng 35 cm. Vòng đầu được đo ngang chân mày phía trước, trên vành tai hai bên và ngang ụ chẩm phía sau. Trong 3 tháng đầu vòng đầu tăng 2 cm mỗi tháng, 3 tháng tiếp theo vòng đầu tăng 1 cm mỗi tháng và 6 tháng tiếp theo vòng đầu tăng 0,5 cm mỗi tháng. Tổng cộng trong 1 năm đầu vòng đầu của trẻ tăng 12 cm. Chỗ khớp của các mảnh xương sọ lại với nhau tạo ra các thóp và các khớp sọ. Thóp sau đóng kín lúc trẻ 1 - 3 tháng tuổi, thóp trước đóng kín lúc trẻ 12-18 tháng và các đường nối dính liền ở tuổi dậy thì. Khi bị tật đầu nhỏ, trẻ sẽ có các biến chứng như động kinh, chậm phát triển thể chất, chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển tinh thần...

Về điều trị, trẻ sơ sinh có tật nhỏ đầu nhẹ chỉ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và dinh dưỡng tốt. Những trẻ nặng hơn có thể cần can thiệp từ bé để tăng cường và phát huy tối đa khả năng về thể chất và trí tuệ của trẻ.

Để phòng ngừa tật đầu nhỏ, bà con mình chú ý tiêm ngừa đầy đủ cho các bé gái các bệnh như thủy đậu, rubella, tối thiểu 6 tháng trước khi quyết định mang thai. Khi mang thai phải luôn luôn giữ gìn sức khỏe cho mẹ, tránh nhiễm các bệnh nhiễm vi trùng và siêu vi trùng các loại, nhất là cytomegalovirus, toxoplasmosis, Zika.


BS. Nguyễn Thành Úc
Ý kiến của bạn