Tối ngày 15/8, Bộ Y tế đã thông tin cập nhật về tình hình tiêm vaccine COVID-19 nước ta. Theo đó, số mũi tiêm thực hiện trong ngày là 314.208 tại 44 tỉnh , trong đó 275.714 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi cho 38.494 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nâng tổng số vaccine đã tiêm tại Việt Nam đến nay lên 251.680.004 liều.
Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến chiều cùng ngày tổng số mũi tiêm trên cả nước là 13.656.896, trong đó mũi 1: 8.581.990 trẻ (đạt tỷ lệ 76,7%); tăng 0,3% so với ngày trước đó.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Tĩnh (49,5%); Đà Nẵng (44%); Quảng Nam (44,2%); Bình Thuận (56,8%); TP Hồ Chí Minh (51,5%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (95%); Vĩnh Long (95,2%), Cà Mau 94,7%).
Mũi 2: 5.074.906 trẻ (đạt tỷ lệ 45,3%); tăng 0,7% so với ngày trước đó; Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Vĩnh Phúc (26,7%); Đà Nẵng (18,6%); Quảng Nam (14,7%); Khánh Hòa (22,4%); Bình Dương (27,2%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Thuận (75,9%); Sóc Trăng (86,6%); Bạc Liêu (79,8%).
Như vậy, đến hôm nay sau 4 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, bên cạnh nhiều tỉnh tiêm nhanh thì còn gần chục tỉnh, thành vẫn tiêm thấp, thậm chí có địa phương tiêm mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi này vẫn chưa đạt đến 15%.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi TW: Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già.
"Đây chính là những lý do chúng ta cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine này, bằng cách chúng ta đưa trẻ ở nhóm từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Vấn đề này rất quan trọng, nếu trong gia đình tất cả đã tiêm vaccine rồi có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều" - PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển: Chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng tiêm vaccine COVID-19 không những có tác dụng giúp tránh bị hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho rằng ở nước ta các gia đình hay ở chung với ông bà là những người lớn tuổi, thậm chí cha mẹ cũng lớn tuổi. Do vậy, nếu không cho trẻ tiêm vaccine COVID-19, trẻ dễ mắc bệnh và sẽ lây cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Đặc biệt, với những trẻ béo phì, trẻ có bệnh nền, bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch... mà không tiêm vaccine sẽ dễ bị chuyển biến nặng như suy hô hấp, sốc, nhiễm trùng bội nhiễm..., thậm chí tử vong. Do đó các gia đình nên cho trẻ đi tiêm vaccine.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.019.480 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 74,6%), trong ngày có 39 tỉnh triển khai với 28.459 người được tiêm:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (54,5%); Khánh Hòa (54,8%); Đồng Nai (46,9%); Cần Thơ (53,7%); Bình Phước (56%)
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 11.963.869 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 63,2%) tăng 0,7% so với ngày trước đó, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 121.601 người được tiêm.
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Nghệ An (41,3%); Quảng Trị (43,7%); Đà Nẵng (39%); Lâm Đồng (43,2%); Bạc Liêu (40,2%).
3 tỷ lệ tiêm cao: Hưng Yên (96,5%); Điện Biên (99,3%); Vĩnh Long (96,5%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 3.830.089 trẻ (44,2%) tăng 0,2%.
Các tỉnh, thành phố tiêm thấp: Đà Nẵng (17,5%); Phú Yên (11,7%); Bình Thuận (22,6%); Bà Rịa - Vũng Tàu (13,6%); Đồng Nai (20,8%).
Các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (82,9%); Sóc Trăng (79,8%); Trà Vinh (76,8%).