Giữa những này cuối năm, bộn bề, tấp nập, trên các nhóm chợ mạng xã hội đang rao bán những mẻ cốm xanh thủ công 100% của bà con Tây Bắc.
Cũng giống như cốm làng Vòng, cốm Tây Bắc đã trở thành một món đặc sản đến hẹn lại lên được rất nhiều thực khách đợi hàng mà đặt trước.
Theo chị Nương (Long Biên) chia sẻ: "Cốm Tây Bắc năm nay do dịch, không xuất khẩu được nên giá giảm sâu lắm, chỉ 33k/kg cốm thôi. Trước giờ làm gì có giá này. Cốm để thời tiết bình thường bên ngoài được tầm 2 tháng, còn cất ngăn đá ăn cả năm thoải mái".
Sau khi lúa chín vừa tới trên nương, người dân gặt nếp nương đem về nhà vò lấy hạt, sảy bỏ những hạt lép, chưa chín tới để riêng những hạt lúa đã vào độ chín bùi. Sau khi chọn được hạt nếp ngon, đem rửa sạch, phơi khô, xong sẽ mang đi rang với độ lửa điều chỉnh cẩn thận.
Lửa vừa đủ, không to, không quá nhỏ. Khi rang phải đều tay, không để hạt chín hạt sượng, đến khi thấy mùi nếp dậy lên thì đổ ra mẹt. Đặc biệt để đảm bảo hạt nếp nương làm cốm ngon người ta thường nhấm thử xem hạt đã chín dẻo chưa.
Tiếp đó những hạt gạo này được cho vào cối giã, sàng sảy bỏ đi đầu mẩy, cánh thóc bao ngoài của hạt cốm. Qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, hạt cốm nếp nương có màu xanh ngắt như lá dong rừng và thơm, mềm dẻo là thưởng thức được rồi.
Hạt lúa nếp nương vùng tây bắc có hình to tròn, chất ngọt của nếp nương khác biệt với hạt nếp dưới vùng đồng bằng. Bởi vậy, ai đã có cơ hội nếm thử một lần đều không quên được vị cốm nơi đây.
Muốn ăn cốm tươi, chỉ cần đổ cốm vào chào đảo nhỏ lửa tầm 3 phút là chị em có ngay bát cốm tươi dẻo thơm để thưởng thức rồi.
Khi mua cốm Tây Bắc, chị em nên chọn hạt mỏng, dẹt. Khi nếm thử thấy dai dai, bùi, ngọt, thơm mùi lúa non thì chính là cốm mới và không sử dụng hương liệu.
Video đang được quan tâm