Tư vấn phản khoa học cho người dùng
Trong khi trên thế giới vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh tự kỷ nhưng các "chuyên gia tư vấn" bán nhãn hàng Noben Kid lại khẳng định sản phẩm của nhãn này sẽ giúp trẻ mắc bệnh hết tăng động, khỏi tự kỷ (!?).
Với chiêu trò dựa vào nỗi đau của các bậc phụ huynh có con bị tăng động, tự kỷ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVS) Noben Kid không chỉ tự "bổ sung" thêm hàng loạt công dụng ngoài nội dung cấp phép, chưa được kiểm chứng mà còn quảng cáo gây hiểu lầm như một loại "thần dược" giúp trẻ "hết tăng động, khỏi tự kỷ, hết học kém, học tập trung, thông minh, ghi nhớ tốt,…" và "hiệu quả chỉ sau 20 ngày.
Thậm chí, để tăng sức nặng cho sản phẩm, quảng cáo bán Noben Kid trên mạng xã hội còn dám cam kết không hiệu quả thì người mua được hoàn tiền.
Tự xưng "Chuyên khoa phát triển trí tuệ", "cam kết không hiệu quả hoàn tiền", "hiệu quả chỉ sau 20 ngày".
TPBVSK Cốm Noben Kid do Công ty TNHH Japan Pharma Group (số nhà 37, thôn Mai Long, xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) chịu trách nhiệm phân phối. Để tìm hiểu kỹ hơn, PV trong vai người mua hàng đã liên hệ đến website có nội bán cốm Noben Kid là https://www.nobenkid.com/ theo số điện thoại 0896 xxx 296, 03379445xx, 08155504xx, 08178957xx...
Khi người mua hỏi về tác dụng của TPBVSK Cốm Noben Kid đối với trẻ là gì, nhân viên tư vấn tự tin khẳng định: "Sau khi sử dụng Cốm Noben Kid trẻ sẽ thông minh, tập trung, ghi nhớ, học tốt hơn, hết lười học".
Khi PV hỏi, vì sao phần tác dụng ở trên bao bì của sản phẩm chỉ ghi: "Bổ sung DHA và một số vitamin phát triển não bộ trong độ tuổi tăng trưởng. Hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ nhỏ" nhưng những gì được quảng cáo lại diệu kỳ hơn thì nhân viên tư vấn lại "lươn lẹo" giải thích rằng: "Nếu những công dụng được viết hết trên bao bì sản phẩm thì sẽ không có đủ chỗ… vì vậy không thể liệt kê hết công dụng vào bao bì sản phẩm".
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu ngày đêm để mong tìm ra phương pháp chữa tăng động, tự kỷ cho trẻ không may mắc bệnh, thì ở đây những "chuyên gia" online vẫn thao thao bất tuyệt "nổ" công dụng của sản phẩm như "thánh sống". Nhiều người dùng khi nghe được lời quảng cáo có cánh này thì cho rằng, phải chăng người bán nhãn hàng này chỉ mong "chốt đơn to, chốt đơn nhanh" mà bất chấp tất cả?
Các quảng cáo về Cốm Noben Kid "nổ" tưng bừng với nội dung cho rằng có "đội ngũ giáo sư kinh nghiệm 40 năm", "chuyên gia tư vấn, theo dõi quá trình của trẻ".
Coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm luật quảng cáo
Tiếp tục "nổ" về công dụng của Cốm Noben Kid, nhân viên tư vấn bán hàng còn không ngớt lời khẳng định: "Noben Kid đang là sản phẩm về trí não cho trẻ số 1 tại Việt Nam và được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn cho con sử dụng nhất(!?).
Theo Khoản 11, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 quy định, quảng cáo có sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định là hành vi bị cấm.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Cốm Noben Kid ngang nhiên quảng cáo là cốm trí não số 1 Việt Nam (vi phạm luật quảng cáo).
Cùng đó, trên nhiều trang web, fanpage bán Cốm Noben Kid cũng sử dụng hình ảnh của các y, bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm. Về hành vi này, theo khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".
Cũng theo Cục ATTP (Bộ Y tế), các sản phẩm TPBVSK chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều vi phạm quy định.
Không chỉ vậy, để khách hàng có thêm niềm tin vào sản phẩm, những nhân viên này còn giới thiệu Cốm Noben Kid đã được nhiều sao giải trí hạng A của Việt Nam tin tưởng sử dụng. "Cốm Noben Kid đang là sản phẩm đứng đầu trên thị trường, diễn viên Thanh Thúy, nghệ sĩ hài Thu Trang sau khi sử dụng sản phẩm cho con thấy cải thiện tốt đã đồng ý quảng cáo cho nhãn hàng nên phụ huynh hoàn toàn có thể tin tưởng, sau 1 liệu trình sẽ thấy sự thay đổi của con,…".
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các nghệ sĩ, ca sĩ được phép làm đại diện thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ, ca sĩ này mà quảng cáo với tư cách như một người bệnh là vi phạm quy định quảng cáo.
Để chiếm lòng tin của khách hàng, những trang web, Facebook này còn sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng và bác sĩ để quảng cáo sản phẩm.
Có hẳn "Chuyên khoa phát triển trí tuệ", nhưng khách không được đến thăm!?
Khi người mua đề cập về nguyện vọng được đến Công ty để được tư vấn trực tiếp, tham quan, trao đổi cụ thể về sản phẩm Cốm Noben Kid thì nhân viên bán hàng lại cho biết: "Không hỗ trợ trực tiếp, chỉ hỗ trợ qua điện thoại, các phụ huynh có nhu cầu nhiều thì để lại số điện thoại hỗ trợ tư vấn". Phản ứng này của nhân viên tư vấn bán sản phẩm Cốm Noben Kid hoàn toàn bất thường với thông lệ.
Vì sao hoạt động kinh doanh liên quan đến sản phẩm Cốm Noben Kid chỉ diễn ra trên môi trường ảo? Phải chăng, đang có gì khuất tất khiến các nhân viên tư vấn bán sản phẩm này sợ không dám gặp trực tiếp khách hàng?
Khi PV đến địa chỉ của "chuyên khoa" tại: VTC số 18 Tam Trinh - Hoàng Mai - Hà Nội thì phát hiện không có trung tâm, bệnh viện nào có chuyên khoa như thông tin quảng cáo!?
Địa chỉ "chuyên khoa" ảo chỉ nhằm mục đích chiếm được lòng tin của người mua.
Các "chuyên gia" tư vấn Cốm Noben Kid "ăn theo" COVID-19, mỗi người nói một kiểu!?
Ngoài các thông tin nêu trên, nhân viên tư vấn bán sản phẩm cho biết thêm: "Cốm Noben Kid còn giúp cho trẻ tăng chiều cao, phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19". Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được kiểm chứng và cũng không có trong cấp phép của cơ quan chức năng.
Cùng một sản phẩm nhưng một nhân viên khác lại tư vấn, TPBVSK Noben Kid chỉ hỗ trợ tăng cường đề kháng cho não bộ, không hỗ trợ dinh dưỡng hay vấn đề khác cho cơ thể của trẻ…
Vậy, công dụng thực sự của sản phẩm này là gì? Vì sao lại có sự mâu thuẫn về thông tin công dụng sản phẩm giữa các tư vấn viên? Người tiêu dùng biết tin vào đâu để mua và sử dụng TPBVSK Noben Kid?
Cốm Noben Kid còn được quảng cáo giúp cho trẻ tăng chiều cao, phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19.
Tiếp tục trong vai giám đốc của một trung tâm phát triển nhân cách trẻ em trên địa bàn Hà Nội hiện đang nhận hỗ trợ chăm sóc 20 bé mắc các bệnh lý như tăng động, tự kỷ, chậm phát triển trí não cần được tư vấn sản phẩm Cốm Noben Kid. Với mong muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm cũng như công dụng "thần thánh" mà đơn vị này đang quảng cáo, phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ tự xưng là chuyên gia phân tích bệnh lý thuộc Tập đoàn Noben Kid.
Sau đó người này tiếp tục "nổ" một cách "thao thao bất tuyệt" về thành phần, công dụng, hiệu quả của sản phẩm bằng những từ ngữ "trên mây" như: "Sản phẩm được làm chuẩn dựa theo công thức của người Do Thái; Nguyên liệu được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ; Sản phẩm bổ sung bộ 3 hoạt chất dưỡng truyền thần kinh Ga3, sản xuất trên công truyền nhiệt thuỷ phân đạt chuẩn GMP…".
PV tiếp tục hỏi về liều lượng sử dụng, thời gian để cảm nhận được sự thay đổi của trẻ thì người phụ nữ này cho biết: "Đối với các bạn mắc bệnh từ nhẹ đến nặng, các cháu có tiền sử bệnh như tăng động, tự kỷ, suy giảm trí nhớ kém tập trung thì liều lượng và thời gian sử dụng bổ sung sản phẩm sẽ phải gấp đôi các trẻ khác, thời gian sẽ từ 4-6 tháng".
Thế nhưng, khi PV đề cập rằng liệu Noben Kid có thực sự hiệu quả hay không và phần trăm thực tế các cháu sẽ được cải thiện là như thế nào thì người này lại chỉ trả lời một cách rất chung chung rằng: "Muốn biết các cháu có cải thiện, cải thiện đến đâu thì phải trải qua quá trình sử dụng sản phẩm sau 2 tháng, sau đó sẽ có những bài test IQ, có thể phía Tập đoàn sẽ hỗ trợ,…".
Người phụ nữ này còn cho biết, hiện tại trong các bé tại một trung tâm khác đang hỗ trợ, 10 cháu thì tới 4 trẻ có những cải thiện rõ rệt. Vậy nhưng cụ thể "cải thiện rõ rệt" là gì thì người này lại không đề cập rõ và danh tính các cháu được cải thiện thì cũng… giời mới biết.
Như vậy, có thể thấy rằng các nhân viên đã từng tư vấn cho PV và lời của "chuyên gia" trao đổi là hoàn toàn mâu thuẫn về công dụng và hiệu quả của sản phẩm. Vậy đâu mới là thông tin chính xác, liệu rằng Cốm Noben Kid có "chữa" được nhiều bệnh như lời quảng cáo? Tại sao "chuyên gia Tập đoàn Noben Kid" và nhân viên tư vấn bán sản phẩm này lại tư vấn với nội dung "đá" nhau như vậy? Người tiêu dùng quả thực đang rơi vào "ma trận" thông tin khi tiếp cận sản phẩm Cốm Noben Kid của Công ty TNHH Japan Pharma Group?
Dấu hiệu thổi giá, giá 620.000đ, chiết khấu 43% chỉ còn 329.000đ!?
PV tiếp tục ngỏ ý nếu mua sản phẩm với số lượng lớn thì có được những ưu đãi gì không, người phụ nữ này cho biết: "Giá niêm yết của sản phẩm bán lẻ trên thị trường mỗi một hộp là 620.000 đồng/hộp 30 gói. Tuy nhiên, đối với các chính sách mà bên Tập đoàn Noben Kid đang hỗ trợ dành cho các đại lý nhà phân phối, nhập giá sỉ theo kiện, một kiện 60 hộp thì sẽ được chiết khấu từ 30 đến 35%. Từ lần thứ 2 đến trọn đời sẽ được hỗ trợ chiết từ 40 – 43%, như vậy giá chỉ còn 329.000 đồng/hộp, qua thời gian hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển sẽ có những phần quà, hỗ trợ khác".
Như vậy, theo như lời của người phụ nữ này thì giá của sản phẩm Noben Kid khi bán lẻ phải chăng đang có dấu hiệu thổi giá, đẩy cao so với giá trị thực tế? Liệu có hay không việc cố tình đẩy giá lên nhằm tăng giá trị sản phẩm của mình, đánh vào lòng tin dùng của các phụ huynh theo tâm lý "đắt sắt ra miếng".
Sử dụng phản hồi của khách hàng để tăng niềm tin về sản phẩm.
Theo quy định, TPBVSK chỉ giúp, hỗ trợ điều trị, phòng ngừa, tăng cường sức khỏe chứ không có tác dụng chữa khỏi hay thay thế thuốc điều trị bệnh. Thế nhưng, những lời quảng cáo về sản phẩm Cốm Noben Kid vẫn ngang nhiên đưa "quá đà", gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tác dụng thực sự của nó. Hơn nữa điều này cũng khiến khách hàng lạc vào "ma trận" quảng cáo và không biết đâu mới là đường đi đúng đắn, sản phẩm có thực sự thần kì như lời giới thiệu.
Trước đó, trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo Cục ATTP cho biết, trong các vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vi phạm quảng cáo là phổ biến nhất. Nhiều nhãn hàng luôn có xu hướng quảng cáo quá công dụng sản phẩm, khiến người tiêu dùng hiểu lầm đây là thuốc điều trị bệnh. Trong khi các sản phẩm này mang tính hỗ trợ, không phải thuốc điều trị.
Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo…
Theo quy định, quảng cáo TPCN, TPBVSK như thần dược, sai sự thật, quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; lợi dụng lời nói, hình ảnh của người nổi tiếng, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh hay quảng cáo không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. |