Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hải Dương vừa kiểm tra các hàng bán cốm, bánh cốm tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh), đáng lưu ý là người bán hàng đã trộn cốm ngay tại khu vực mất vệ sinh phía sau khu bán hàng với các can dung dịch dùng để trộn cốm không rõ nguồn gốc, nhãn mác. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm. Theo một thành viên trong đoàn kiểm tra, loại dung dịch có màu xanh thẫm để trộn cốm chắc chắn không phải là nước lá từ thiên nhiên như lá lúa non hay lá nếp mà là phẩm màu hoặc một loại hóa chất nào đó. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, khi nhúng ngón tay vào dung dịch này thì rất khó rửa sạch. Loại nước màu xanh không nhãn mác đã biến những hạt cốm màu nâu chuyển sang màu xanh mướt chỉ trong 15-20 phút. Vì vậy, người bán hàng có thể bán với số lượng lớn theo nhu cầu của khách chỉ trong nháy mắt. Thậm chí để che mắt du khách, nhiều người bán hàng còn để 1 chai nước lá nếp bên cạnh mẹt cốm để khách hàng tin rằng màu xanh cốm là từ loại nước này. Theo những người bán hàng ở đây, vào dịp lễ hội mỗi người bán được khoảng 20kg cốm, còn ngày thường cũng được từ 5-10kg. Như vậy, hàng chục “mẹt” cốm được bày bán ở lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc từ nhiều năm nay đã bán ra số lượng lớn cốm, bánh cốm cho du khách. Đoàn thanh tra cho biết, trên nhãn mác bánh cốm có in tên cơ sở sản xuất địa chỉ ở thôn Thượng, xã An Châu (TP. Hải Dương), nhưng không có chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP của cơ quan chức năng, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Theo Chi cục ATVSTP Hải Dương, qua các đợt thanh tra, kiểm tra ATVSTP, các đoàn đã lấy mẫu kiểm tra nhanh, chủ yếu phát hiện các chỉ tiêu như hàn the, giấm ăn, nitrit. Còn đối với loại dung dịch dùng trộn cốm, hiện trên thị trường có 2 loại phẩm màu có thể tạo màu xanh tự nhiên là phẩm màu thực phẩm và phẩm màu công nghiệp. Nếu người làm cốm mua phẩm màu thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, sử dụng với liều lượng hạn chế thì có thể chấp nhận được, song tốt nhất là không dùng. Loại phẩm màu thực phẩm được cho phép sử dụng khi vào cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Tuy nhiên nếu dùng nhiều, quá liều lượng thì chúng sẽ tích tụ trong máu, lâu dần tạo thành chất benzen, có thể gây ung thư. Còn loại phẩm màu công nghiệp thường có màu xanh lá cây, chủ yếu dùng trong công nghiệp in ấn. Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng...
Trà My