Hà Nội

Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

16-11-2024 05:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nguyên nhân chính gây bệnh còi xương là do việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của xương như vitamin D, canxi...

Bệnh còi xương là một bệnh gây ra do tình trạng thiếu vitamin D dẫn đến thiếu canxi làm ảnh hưởng sự phát triển hệ xương, phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là từ 3- 18 tháng.

1. Nguyên nhân gây còi xương

Còi xương là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây còi xương chủ yếu là thiếu hụt vitamin D trong cơ thể. Các nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin D ở trẻ dẫn đến còi xương bao gồm:

  • Môi trường sống thiếu ánh sáng mặt trời: Trẻ sống trong môi trường chật chội hoặc ở nơi có nhiều sương mù (các vùng núi cao), nơi có các khu công nghiệp nhiều bụi bặm, vào mùa đông khi cường độ ánh sáng mặt trời giảm đi…
  • Chế độ dinh dưỡng: Trẻ thiếu sữa mẹ hoặc được nuôi bằng chế độ sữa không đủ dưỡng chất, ăn quá nhiều bột hoặc tiêu hóa/hấp thu sữa kém sẽ làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi.
Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

BS Nguyễn Ngọc Định (Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương).

Các yếu tố nguy cơ khác khiến trẻ mắc bệnh còi xương có thể gặp là:

  • Trẻ trong độ tuổi từ 6-24 tháng dễ có nguy cơ mắc bệnh còi xương nhất vì đây là giai đoạn xương của trẻ phát triển nhanh.
  • Trẻ sinh non, nhẹ cân.
  • Trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn như tiêu chảy kéo dài, viêm phổi hoặc các bệnh lý mạn tính như tắc mật, viêm gan, bệnh Crohn…
  • Trẻ em da màu dễ mắc còi xương do cản trở tổng hợp Vitamin D.

2. Dấu hiệu còi xương

Còi xương là tình trạng rối loạn thường gặp ở trẻ do thiếu vitamin D hoặc canxi. Bệnh còi xương sẽ khiến xương của trẻ yếu, mềm đi và chậm lớn. Thậm chí một số trường hợp còi xương còn có thể khiến trẻ bị biến dạng xương.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh còi xương sẽ gây ra một số biến dị ban đầu khiến xương sọ mềm, mỏng hoặc xương thóp chậm liền. Trẻ nhỏ thường có một số triệu chứng như:

Khi trẻ lớn hơn, bệnh sẽ có một số biểu hiện như

  • Đau nhức ở xương nhất là xương chậu, xương cột sống
  • Trẻ phát triển chiều cao chậm, chậm lẫy, chậm biết bò, biết đi
  • Chán ăn, suy dinh dưỡng
  • Hay bị chuột rút
  • Dễ gãy xương

Còi xương là bệnh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của trẻ, do vậy cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám sớm.

Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Còi xương là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và gây ra nhiều biến chứng về sau.

3. Còi xương có lây không?

Còi xương không phải là bệnh lý lây nhiễm.

4. Phòng bệnh còi xương

Để phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ, cha mẹ cần nắm vững kiến thức để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bà mẹ từ khi mang thai tới khi trẻ ra đời.

  • Bổ sung lượng vitamin D cho mẹ từ khi mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, khi mang thai bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên ra ngoài trời nhất là trong khung giờ từ 7-9h sáng.
  • Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: khoảng 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ).
  • Lưu ý chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đầy đủ và bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách bổ sung vitamin D cho trẻ phù hợp với lứa tuổi.
  • Những gia đình có tiền sử còi xương, cha mẹ cần có lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa và chẩn đoán trước sinh.
Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Cho trẻ tắm nắng hàng ngày khoảng 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ) là cách để phòng ngừa bệnh còi xương.

5. Cách điều trị còi xương

Để điều trị còi xương cho trẻ, phương pháp chủ yếu là bổ sung vitamin D và canxi cùng một số dưỡng chất khác… Tùy vào từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ đưa ra những liều lượng và phương pháp thích hợp. Các phương pháp chính trong điều trị còi xương bao gồm:

  • Bổ sung vitamin D và canxi: Việc bổ sung phải theo hướng dẫn bác sĩ
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Trẻ cần có chế độ ăn giàu canxi, photpho để thúc đẩy sự phát triển của xương. Cha mẹ cần lựa chọn những thực phẩm như: sữa và các chế phẩm từ sữa, rau có màu xanh đậm,... Một số trường hợp sẽ phải tuân theo chế độ dinh dưỡng của bác sĩ chỉ định.
  • Cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để sản xuất vitamin D một cách tự nhiên.
  • Nếu trẻ mắc một số bệnh lý gây ra bệnh còi xương thì cần điều trị.
Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xươngNhững lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

SKĐS - Nước ta tuy là nước có khí hậu nhiệt đới, có nhiều ánh sáng mặt trời nhưng còi xương vẫn là một bệnh khá phổ biến. Bên cạnh đó, chế độ ăn chưa đúng cũng là một nguyên nhân khiến trẻ còi xương.


BS Nguyễn Ngọc Định
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Ý kiến của bạn