Hà Nội

“Cởi trói” cho khám chữa bệnh BHYT tại y tế xã phường

23-11-2018 07:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ ngày 1/12 tới đây, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, sẽ không giao quỹ khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở có người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây như hiện nay. Quy định mới này góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tăng cường y tế cơ sở.

Bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở y tế

Trước đây, Quỹ khám chữa bệnh BHYT giao cho trạm y tế thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú) không đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT, dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.

Từ ngày 1/12 tới đây, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, sẽ không giao quỹ khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở có người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây. Theo TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, việc này sẽ bảo đảm tính chia sẻ của quỹ BHYT, phù hợp với việc khám chữa bệnh thông tuyến, đồng thời không gây áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh. Các trạm y tế xã cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại trạm y tế là dưới 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tăng cường y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ sẽ đồng bộ được nhiều chính sách khác nhau của Bộ Y tế, trong đó sẽ đồng bộ với Thông tư 39 của Bộ Y tế về gói dịch vụ y tế cơ bản tuyến xã.

“Cởi trói” cho khám chữa bệnh BHYT tại y tế xã phườngThăm khám cho người dân tại Trạm Y tế xã Đồng Thịnh, tỉnh Phú Thọ.

Ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh, nội dung này là một trong những thay đổi rất lớn của Nghị định 146. Khi bỏ khống chế tỷ lệ sử dụng quỹ tại tuyến xã, phường, các cơ sở y tế tại tuyến xã, phường có thể thực hiện đầy đủ chức trách, chuyên môn của mình và cung cấp dịch vụ cho người có thẻ BHYT theo đúng phạm vi quyền lợi cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp. “Nếu khống chế tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế dưới 20%, có nghĩa là trong thực tế, các nhân viên y tế xã có đủ năng lực chuyên môn khám bệnh, làm xét nghiệm nhưng không được thực hiện nên làm cho niềm tin của người dân với trạm y tế xã không cao. Quy định mới này sẽ tiết kiệm chi phí gián tiếp xã hội cho việc người dân phải lên tuyến trên”, ông Khảm nói.

Đẩy mạnh mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tức là ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, tập hợp cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe của từng người dân, chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường...

Theo Bộ Y tế, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, vì có đến 70-80% dân số sống ở nông thôn. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận. Đây là một trong những giải pháp mà ngành y tế đang triển khai nhằm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề cập, năm 2017- 2018, Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung cao độ cho vấn đề phát triển y tế cơ sở, ngành y tế đã tham mưu đúng cho Chính phủ. 70% số người ở cơ sở đi khám, chữa bệnh BHYT tức là tuyến huyện, tuyến xã, các trạm y tế và các bệnh viện tuyến huyện, tuy nhiên, mức chi BHYT chỉ chiếm 30% kinh phí; 20% bệnh nhân khám, chữa bệnh ở tuyến xã nhưng kinh phí chỉ từ 2,6 - 2,8%. Khẳng định đây là vấn đề nghịch lý và để giải bài toán này thì theo ông Bùi Sỹ Lợi cần phải giải 2 nút thắt: Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở - cần đào tạo cấp bách; Thứ hai, cơ sở vật chất trang thiết bị ở cơ sở tuyến xã phải được nâng lên.

“Cơ cấu lại y tế cơ sở thì phải cơ cấu lại tài chính y tế cho cơ sở. Trong nhiều năm theo dõi, tôi thấy việc đầu tư y tế cơ sở so với tuyến tỉnh, tuyến Trung ương là có phần bị nhẹ hơn. Y tế dự phòng tuyến cơ sở không có tỉnh nào đạt được 30% tổng kinh phí đầu tư cho y tế. Đây là một bài toán mà chúng ta cần phải xử lý ngay”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.


Hoàng Nguyên
Ý kiến của bạn