Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chủ yếu là các loại thuốc thông dụng xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị; thậm chí ở cả hàng loạt các bệnh viện trung ương. Năm 2022, có thời điểm, theo con số của Bộ Y tế, có 28/34 Sở Y tế báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu như: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, thiết bị chẩn đoán hình ảnh…
Những tháng đầu năm nay, như tại Bệnh viện Việt Đức có thời điểm cũng phải hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu. Nguyên nhân chính cũng là do vật tư sắp cạn kiệt, trong khi việc đấu thầu vật tư, hóa chất gặp vướng mắc nên chưa thể thực hiện được.
Theo các bệnh viện, “nút thắt” lớn nhất chính là “giá gói thầu”. Thông tư 68/2022/TT-BYT quy định: Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất “3 báo giá” của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất. Tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác… Tuy nhiên, khi xây dựng giá gói thầu rất khó có thể nhận đủ 3 báo giá theo quy định, từ đó sẽ không thể xây dựng giá gói thầu.
Chính “điểm nghẽn” về giá gói thầu đã làm chậm quá trình đấu thầu của các bệnh viện, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chưa kể, theo các chuyên gia y tế và cả Bộ Y tế cũng thừa nhận, tâm lý lo ngại, “sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra” nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Những vụ việc liên quan đến đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế bị phanh phui, một phần cho thấy “không có vùng cấm” trong xử lý các vi phạm, nhưng cũng cho thấy, việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dẫn đến tiêu cực và sai sót, cũng dẫn đến tâm lý “sợ sai” này.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Y tế đã ban hành hàng chục thông tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP (ngày 4/3/2023) về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết 30 của Chính phủ "cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023". Đặc biệt, gần đây nhất, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT (hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023) về trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, Thông tư đã quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Điều này khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đảm bảo cho khám, chữa bệnh. Đây được coi là “giải pháp” tích cực, tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” cho các bệnh viện trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế.
Như vậy, Thông tư 14 đã tạo hành lang pháp lý, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện nên các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế cũng như dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế. Đây là giải pháp kịp thời tháo gỡ những "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế mà các bệnh viện đang gặp phải.
Tuy nhiên, việc được “trao quyền” chủ động, giải tỏa vướng mắc khi được phép lựa chọn gói giá thầu cao nhất thì có đảm bảo “giá cao đi liền với chất lượng” và có hay không chuyện “đội giá gói thầu” trong mua sắm thiết bị y tế. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tính minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; đặc biệt là đặt trách nhiệm, cái tâm “lương y như từ mẫu” lên trên hết của các địa phương, đơn vị, cơ sở y tế trong chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.