Hà Nội

Coi thường côn trùng đốt, nguy hiểm đến tính mạng

02-07-2014 10:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời tiết nóng bức, mưa nhiều khiến côn trùng sinh sôi mạnh và luôn rình rập tấn công con người. Tuy nhiên, không ít người lại rất chủ quan xem thường khi bị côn trùng đốt...

* Hàng năm, dịp hè Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp cận hàng trăm ca bệnh do côn trùng cắn, đốt.

Thời tiết nóng bức, mưa nhiều khiến côn trùng sinh sôi mạnh và luôn rình rập tấn công con người. Tuy nhiên, không ít người lại rất chủ quan xem thường khi bị côn trùng đốt, trong khi cảnh báo từ các bệnh viện cho thấy, nhiều loại côn trùng khi đốt người không chỉ gây ra các bệnh truyền nhiễm mà còn có thể dẫn đến những phản ứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng.

Điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt.

Điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt.

Người lớn, trẻ em đều là nạn nhân của côn trùng

Thấy con bị sốt, phồng rộp cả cẳng chân trái, chị Nguyễn Huyền Thư (CT6, chung cư Xa La, quận Hà Đông) liền đưa con đến Bệnh viện (BV) Da liễu TW khám thì được biết, con chị bị nhiễm khuẩn do côn trùng tấn công, khả năng do kiến ba khoang. Cũng ở khu chung cư này, nhiều người dân đã bắt được kiến ba khoang bay vào nhà, kể cả những căn hộ ở tầng 12, 13.

Trường hợp bà Phạm Thị N. (68 tuổi ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sốt liên tiếp một tuần, được chẩn đoán sốt virut, điều trị tuyến dưới không đỡ. BV đa khoa huyện Mỹ Đức đã phải chuyển bệnh nhân lên BV Bệnh nhiệt đới TW. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện bà bị mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia gây nên; trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò. Mới đây nhất, BV Bệnh nhiệt đới TW cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ (60 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) được đưa tới viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân đã sốt liên tục. Qua xét nghiệm và chẩn đoán, các bác sĩ xác định do bị ấu trùng mò đốt. Theo TS. BS. Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (BV Bệnh nhiệt đới TW), nốt mò đốt chỉ là một trong những dấu hiệu để phát hiện bệnh nhưng đây là dấu hiệu quan trọng và điển hình. Bình thường nó như nốt phỏng nước, rất dễ bị bỏ qua. Sau khi vỡ ra, nó để lại tổn thương trên da có màu hồng xung quanh, ở giữa lõm hình lòng chảo...

Những vết đốt của côn trùng rất nguy hiểm nếu không được kịp thời phát hiện và chữa trị.

Những vết đốt của côn trùng rất nguy hiểm nếu không được kịp thời phát hiện và chữa trị.

Nguy hiểm nếu lơ là

BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, hàng năm vào dịp hè, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh có liên quan tới bị côn trùng cắn, đốt. Trong đó không ít người chỉ bị những vết đốt rất nhỏ, tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại có thể nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị kịp thời, cơ thể bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi và tổn thương gan.

Theo BS. Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai (Hà Nội), côn trùng có loại gây độc và không gây độc khi đốt. Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau. Những biểu hiện này thường tự biến mất trong một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển sau 2 ngày và tồn tại trong vòng 1 tuần. Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra phản ứng toàn thân như: nổi mày đay, phù nề mặt, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị côn trùng đốt có thể nguy hiểm tính mạng. Ong, rết, kiến..., là các loại côn trùng phổ biến gây ra những phản ứng nặng nề.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết nóng bức, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại côn trùng sinh sôi, phát triển. Các loại côn trùng thường cắn, đốt và gây bệnh cho người là: rết, bọ cạp, ruồi, muỗi, ong, kiến, nhện, ve, bọ chét, rệp... Chúng còn là vật trung gian truyền nhiều loại bệnh dịch như sốt rét, sốt xuất huyết. Vết cắn của côn trùng ban đầu chỉ là vết thương rất nhỏ nhưng sau đó sẽ sưng to do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với kháng nguyên từ vết đốt, cắn do côn trùng gây ra. Do đó, nếu bị côn trùng đốt, cần rửa kỹ vết đốt hay vùng da tiếp xúc với côn trùng ngay bằng xà phòng, chườm đá lạnh năm phút rồi rửa kỹ lại bằng nước muối. Nếu đau rát nhiều, tổn thương nhiễm trùng, hóa mủ thì phải đến các cơ sở y tế khám bệnh và điều trị, tránh biến chứng.

Bảo Nguyên

 


Ý kiến của bạn