Tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” với 18 chương xoay quanh nhân vật chính là Duy, một nhạc công chơi phong cầm trong đoàn văn công đi sơ tán ở địa phương. Ở đây anh đã có mối tình tuyệt đẹp với cô giáo Hoàng Lan và trải qua những thăng trầm của chiến tranh, ly biệt, thậm chí là tù tội. Câu chuyện không có cái kết đẹp như truyện cổ tích nhưng vẫn lấp lánh vẻ chân thành và da diết của mối tình trong sáng. Tác giả thể hiện thế mạnh khi miêu tả chi tiết, đặc biệt là những bối cảnh đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ. Cuộc sống, cách ăn, cách mặc, lối nói và cả không khí trong nhà tù đã được tái hiện như một bộ phim truyền hình sống động.
Mặc dù phát hành tiểu thuyết ở tuổi đã không còn trẻ nhưng tác giả Nguyễn Duy Ngọc, hội viên hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội cho rằng niềm đam mê văn chương của ông vẫn cháy bỏng như thuở còn tuổi trẻ và chưa bao giờ nguội tắt. Ông cũng đang viết thêm cuốn tản mạn về những chuyện cũ Hà Nội và dự định sẽ sớm phát hành.
Bìa tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm”
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã bình luận: “Còi tàu trong đêm viết giản dị, ngôn ngữ giàu văn hóa đời thường, chân thành, nên không thi vị hóa tình yêu mà vẫn tạo nên vẻ đẹp của tình yêu một thời. Nó tạo dựng được nhiều tình tiết làm cuốn sách hấp dẫn bàn về không chỉ câu chuyện tình yêu nam nữ của một thời loạn lạc, khó khăn, mà thông qua nhiều đường dẫn cảnh huống và cảnh tình chuyện tình, tác giả tái hiện ít nhiều hoàn cảnh xã hội, giai đoạn lịch sử đặc biệt khi xảy ra câu chuyện. Đó là một thời khắc không bình thường: chiến tranh loạn lạc.”
Với nhà báo Mạnh Thường thì “Còi tàu trong đêm không chỉ dừng lại ở thiên tình sử đầy bi thương, mà còn mang đến cho bạn đọc hiện tại hiểu về một thời chưa xa của một lớp thanh niên đã đóng góp một phần xương máu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, họ đã phải trải qua bao gian khổ thiếu thốn của một thời bao cấp, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm và họ đã yêu nhau và hy sinh cho nhau như thế nào!”