Hà Nội

Coi chừng viêm phổi diễn biến nặng

30-09-2013 15:36 | Phòng mạch online
google news

Viêm phổi là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào thời điểm giao mùa cần hết sức cảnh giác, bởi giai đoạn này rất dễ bị viêm phổi và khi bị viêm thì bệnh có thể tiến triển nặng lên nhanh chóng, đặc biệt ở hai đối tượng người già và trẻ em.

Viêm phổi là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào thời điểm giao mùa cần hết sức cảnh giác, bởi giai đoạn này rất dễ bị viêm phổi và khi bị viêm thì bệnh có thể tiến triển nặng lên nhanh chóng, đặc biệt ở hai đối tượng người già và trẻ em.

Ai dễ bị viêm phổi?

Viêm phổi là những viêm nhiễm ở phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường do vi khuẩn hoặc virut. Viêm phổi được đặc trưng bởi: Sốt, rét run, ho khạc đờm, đau kiểu viêm màng phổi và hình ảnh chụp Xquang phổi có ít nhất một ổ tổn thương. Các loại tổn thương thường gặp là viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, tổn thương phổi kẽ và tổn thương lan tỏa kiểu lao kê.

Các đối tượng dễ bị viêm phổi khi thời tiết thay đổi bao gồm trẻ dưới 2 tuổi (do hệ miễn dịch chưa đủ "khỏe" để chống chọi với tác nhân gây bệnh) và người già trên 70 tuổi. Bên cạnh đó, các đối thượng nghiện rượu, hen phế quản, suy giảm miễn dịch, sa sút trí tuệ, co giật, suy tim, tai biến mạch máu não, hút thuốc lá, rượu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), HIV, người bị các bệnh miễn dịch (như đa u tủy xương, hội chứng thận hư có lượng globulin máu thấp, cắt lách…), nghiện thuốc lá, đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ung thư, bệnh thận giai đoạn cuối, dãn phế nang, trẻ bị bệnh tim phổi bẩm sinh… cũng là những đối tượng dễ mắc viêm phổi.

Coi chừng viêm phổi diễn biến nặng 1
 Nhân viên y tế làm thủ thuật hút đờm dãi cho bệnh nhi sơ sinh viêm phổi. Ảnh: K.M

Các biểu hiện hay gặp nhất là sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ý thức chậm (ở người già). Trẻ em thường bắt đầu bằng những triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: Ngạt mũi, chảy nước mũi, bỏ ăn, quấy khóc sau đó khó thở, thở khò khè. Khám lâm sàng có thể thấy nhịp thở nhanh, mạch nhanh. Khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, tiếng cọ màng phổi, tiếng ran rít, ẩm, nổ, ngáy. Ở người già hoặc ở người suy giảm miễn dịch, suy kiệt nặng, nghiện rượu, nghiện ma túy… Các triệu chứng thường không điển hình và khi có biểu hiện thì bệnh đã rất nặng.

Các dấu hiệu "nguy hiểm"

Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp (sốt; ngạt mũi, chảy nước mũi; ho…) cần chú ý theo dõi mức độ tiến triển của bệnh để dự phòng các trường hợp diễn biến thành viêm phổi có suy hô hấp tiến triển nhanh. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm: Sốt cao liên tục có cơn rét run, ít đáp ứng với các biện pháp hạ nhiệt (chườm mát, uống thuốc hạ sốt) hoặc tụt nhiệt độ xuống dưới 36oC; chậm chạp, lười hoạt động ở những trẻ trước đó rất hiếu động; bỏ ăn; quấy khóc; các triệu chứng suy hô hấp (thở nhanh nông, phập phồng cánh mũi, tím môi, đầu chi, nói câu ngắn, vã mồ hôi, thở khò khè,…); nôn mửa nhiều, tụt huyết áp, mất nước nặng,…

Khi có các dấu hiệu này, lập tức đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ chỉ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên nhưng sau đó chỉ 2 - 3 ngày, bệnh đã tiến triển rất nhanh với các triệu chứng của viêm phổi có khó thở rất nặng hoặc ở người già, sau sốt, ho một vài ngày đã phải nhập viện vì rối loạn ý thức do suy hô hấp nguy kịch.

Coi chừng viêm phổi diễn biến nặng 2

Dự phòng viêm phổi lúc giao mùa

Dự phòng viêm phổi bằng một số biện pháp như: Giữ ấm cho người già, trẻ em vào khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh; Bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu; Điều trị tốt các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp); Không dùng kháng sinh tùy tiện gây kháng thuốc; Tiêm vắc - xin phòng ngừa trong một số trường hợp như phòng nhiễm influenza, phế cầu….Việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho người già và trẻ em cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp các đối tượng này giảm khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp trong đó có viêm phổi.

Liệu pháp kháng sinh là phương thức điều trị cơ bản trong viêm phổi. Kháng sinh có thể dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tùy theo mức độ nặng của bệnh. Điều trị phối hợp bao gồm bù nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đảm bảo dinh dưỡng, thở ôxy, thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp nặng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn