Coi chừng viêm loét thực quản do dùng thuốc

22-02-2016 08:12 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bản thân tác dụng của thuốc không gây loét thực quản, nhưng việc dùng thuốc sai cách: nuốt chửng thuốc không cần nước, uống thuốc ít nước, uống thuốc rồi nằm nghỉ ngay... cũng dễ dẫn đến những tổn thương ở thực quản mà người bệnh không ngờ đến.

Dấu hiệu tổn thương và nguyên nhân thường gặp

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm loét thực quản do thuốc thường là sau khi uống thuốc 24 - 48 giờ sẽ có triệu chứng đau sau xương ức có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên khi bệnh nhân hít sâu hoặc khi ăn uống, đôi khi kèm theo nuốt khó, nuốt đau... Tuy nhiên có trường hợp chỉ biểu hiện bằng đau vùng bụng trên rốn và nóng rát sau xương ức, tương tự bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày - tá tràng. Có bệnh nhân lại có triệu chứng ợ nóng lên cổ, ợ chua, đau vùng sau xương ức kèm đau vùng bụng trên nên dễ bị lầm tưởng là đau dạ dày. Trên thực tế, loét thực quản do thuốc không hiếm gặp nhưng thường ít được nghĩ đến vì triệu chứng đau ngực hoặc đau vùng bụng làm người bệnh lo lắng và nghĩ đến bệnh tim phổi hay viêm loét dạ dày hơn là bệnh lý của đoạn ống tiêu hóa này. Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là nội soi đường tiêu hóa trên qua miệng.

Hình ảnh nội soi thực quản bị loét.

Nguyên nhân thường thấy của chứng viêm loét thực quản do dùng thuốc là uống thuốc không đúng cách. Nhiều người uống thuốc với quá ít nước, thậm chí uống thuốc không cần nước; uống thuốc ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc ở tư thế nằm, uống thuốc xong rồi đi nằm ngay. Vị trí thường bị tổn thương nhất là đoạn 1/3 giữa thực quản. Đây là nơi hẹp nhất của thực quản làm cho các viên thuốc, nhất là thuốc dạng viên nang (con nhộng), lớp vỏ thuốc sẽ bị mềm rất nhanh khi gặp môi trường ẩm và dễ bám dính lại trên thành thực quản nếu uống không đủ nước hoặc uống ở tư thế nằm, nên thuốc không được đẩy xuống dạ dày. Khi thuốc bị dính lại ở thực quản, nồng độ thuốc tan rã tại chỗ rất cao sẽ gây ra độc tính trực tiếp trên thành thực quản, hoặc một số thuốc khi tan rã sẽ tạo ra những chất có tính kiềm hoặc axit làm tổn thương trực tiếp, làm bỏng thành thực quản và có thể tạo ra ổ loét lớn với đường kính lên đến 30mm hoặc đồng thời nhiều ổ loét. Biến chứng thường thấy là vết loét không lành sẹo, co rút làm hẹp thực quản gây nuốt khó kéo dài, có thể xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng thực quản, tuy ít xảy ra hơn.

Loét thực quản do dùng thuốc hay gặp ở người cao tuổi do đặc điểm sinh lý theo tuổi thì chức năng co bóp nhu động của thực quản để đẩy thuốc xuống dạ dày thường kém hơn so với người trẻ và do người có tuổi thường có thói quen nằm để uống thuốc hoặc buổi tối khi đã lên giường đi ngủ sực nhớ bỏ quên cữ thuốc chiều nên vội vã uống thuốc rồi uống xong là nằm nghỉ ngay. Bệnh cũng gặp ở nữ nhiều hơn nam giới do các thuốc dễ gây loét thực quản thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý da liễu và phụ khoa.

Những loại thuốc dễ gây viêm loét thực quản nếu dùng sai cách

Có nhiều loại thuốc có thể gây viêm loét thực quản. Tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là nhóm thuốc kháng sinh doxycyclin (được dùng tương đối phổ biến trong điều trị mụn trứng cá và viêm nhiễm phụ khoa), các thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc điều trị loãng xương nhóm biphosphonate... thậm chí thuốc giảm đau hạ sốt thông thường là paracetamol cũng đã có những báo cáo là có thể gây viêm loét thực quản. Đặc biệt với người cao tuổi, thường mắc các bệnh lý xương khớp nên thường phải sử dụng loại thuốc nhóm biphosphonate, loại thuốc này rất nhạy cảm với bề mặt dạ dày và thực quản. Nếu thuốc đọng lại trong lòng thực quản (do uống thuốc không trôi vào dạ dày hoặc do thuốc tan ngay ở thực quản), thuốc có thể gây kích ứng, đau, viêm, loét rất nhanh. Điều may mắn là đa số trường hợp loét thực quản do thuốc đều có thể chữa lành và ít khi gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Biện pháp khắc phục

Các biện pháp điều trị viêm loét thực quản do dùng thuốc chủ yếu là tạm ngừng uống các thuốc nghi ngờ gây loét thực quản, điều trị hỗ trợ bằng các thuốc chống trào ngược axit dạ dày, bù nước điện giải và giảm triệu chứng đau tại chỗ bằng thuốc tê lidocain dạng gel hoặc sucrafate. Ăn uống thức ăn mềm, nguội (cháo, sữa, súp xay), uống nhiều nước ấm. Phần lớn tổn thương sẽ lành sau 2-4 tuần điều trị. Bệnh có thể phòng tránh được. Một yếu tố khá quan trọng khi uống thuốc nhưng lại ít được đề cập và quan tâm đúng mức là cần phải uống thuốc đúng cách. Ngoài vấn đề thường được dặn dò như cách sử dụng thuốc trong ngày (số lần, liều dùng, nên uống trước hoặc sau ăn...) thì hầu như người bệnh có rất ít thông tin về việc nên uống thuốc thế nào để tránh tác động xấu của thuốc lên thực quản. Cách phòng tránh viêm loét thực quản do thuốc là: nên uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, uống thuốc với ít nhất 150ml nước, sau khi uống thuốc nên đứng ít nhất khoảng 30 phút, tránh uống thuốc ngay trước khi lên giường ngủ. Khi chăm sóc người già hay trẻ em hoặc người bệnh phải nằm một chỗ, nên ưu tiên chọn dạng thuốc nước, kê đầu giường lên cao hoặc đỡ bệnh nhân ngồi dậy khi cho uống thuốc.


DS. Minh Thành
Ý kiến của bạn