Coi chừng tổn thương gan do thuốc

09-07-2018 15:53 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, vì vậy, việc dùng thuốc không đúng, lạm dụng thuốc có thể gây độc cho gan, nhất là với những bệnh nhân đã có bệnh về gan và/hoặc sử dụng các thuốc có độc tính cao với gan…

Gan chuyển hóa thuốc như thế nào?

Khi máu đi vào gan qua tĩnh mạch cửa, mang theo các chất dinh dưỡng, thuốc và các chất độc hại mà chúng ta có thể đã nạp vào. Công việc của gan là giải độc các thuốc này và loại bỏ các sản phẩm phụ từ quá trình chuyển hóa.

Đối với các thuốc tan trong chất béo, tức là chúng rất khó thải ra qua đường nước tiểu. Các enzyme trong gan phân giải các chất này và chuyển chúng về dạng tan trong nước để đi xuống mật hoặc nước tiểu, thải ra ngoài.

Mỗi tế bào gan chứa một số bào quan làm nhiệm vụ chủ yếu là chuyển hóa thuốc. Thêm vào đó, có rất nhiều các men gan góp phần vào chuỗi hoạt động phức tạp dẫn đến sự phân giải thuốc và các chất độc gan khác.

Khi uống thuốc, không phải ai cũng chuyển hóa thuốc với tốc độ giống nhau. Sự khác biệt về gene và các đặc điểm sinh lí học có thể ảnh hưởng đến tốc độ mỗi người chuyển hóa thuốc. Một số yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Giới tính, tuổi, cấu trúc enzyme di truyền, dòng chảy của các chất từ gan vào mật, các sinh vật sống trong ruột, dinh dưỡng nói chung…

Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hóa thuốc. Các bệnh này bao gồm: Bệnh thận, sốc (giảm tổng lượng máu trong cơ thể), suy tim, bệnh gan…

Coi chừng tổn thương gan do thuốcThuốc là một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan.

Kể cả các loại thuốc khác nhau cũng có thể thay đổi tốc độ chuyển hóa.  Ví dụ,  một số thuốc thuộc nhóm cảm ứng enzyme (enzyme inducer)đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Các thuốc nhóm ức chế enzyme, làm giảm tốc độ phân giải thuốc.

Trong một số trường hợp, gan có thể chuyển hóa thuốc và các chất độc khác mà không bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi hệ gan bị ép phải giải độc liên tục – ví dụ, khi dùng thuốc quá nhiều, khi dùng thuốc hàng ngày hoặc hàng giờ, hoặc khi nhiều chất khác nhau được nạp vào cơ thể cùng một lúc – các thuốc này có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Nhận biết dấu hiệu tổn thương gan do thuốc

Tổn thương gan do thuốc (DILI)xảy ra khi sự hấp thụ chất, ví dụ như thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược hoặc cây cỏ, làm tổn hại trực tiếp đến gan. Trong một số trường hợp không có triệu chứng, các tổn thương này có thể không dễ nhận ra. Trong khi một số thuốc, như acetaminophen (tylenol), bất lợi này có thể đoán trước được và nặng dần theo liều dùng lên gan. Một số thuốc khác các tác dụng phụ này cũng không lường trước được, vì nhiều khi không phụ thuộc vào liều dùng.

DILI thường xảy ra trong vòng 3 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc, nhưng nó cũng có thể xảy ra trong vòng vài giờ hoặc một năm sau khi dùng.

Khi dùng thuốc, người bệnh cần phải biết về các triệu chứng của tổn thương gan để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu của tổn thương gan bao gồm: Nước tiểu sẫm màu, sốt, đau vùng bụng, buồn nôn/nôn, đau đầu, tiêu chảy, phân trắng, phát ban/nổi mẩn, tích nước ở vùng khoang bụng, vàng da và mắt, gan to, mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn…

Thực tế cho thấy, thuốc có thể làm thay đổi chức năng gan, tổn thương gan, biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng, dẫn đến tàn phế, đe doạ tính mạng. Việc chuyển từ trạng thái đầu đến trạng thái cuối không phải lúc nào cũng xảy ra và có cùng mức độ, thời gian như nhau mà còn tuỳ loại thuốc, tuỳ khả năng tự hồi phục gan của người bệnh. Ví dụ, mặc dù tăng nồng độ men gan là dấu hiệu phản ánh tổn thương gan nhưng đây không phải là “dự báo” hay “chỉ điểm” độc tính trầm trọng. Bởi vì gan có khả năng thích ứng, hồi phục. Chẳng hạn, lần đầu dùng thuốc chống lao isoniazid thấy tăng men gan, nhưng những lần sau có khi không lặp lại. Trong khi đó các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, khó chịu ở hạ sườn phải, nước tiểu sậm màu... lại là những bằng chứng đầu tiên của độc tính gan.Vì vậy, khi thấy các biểu hiện trên người bệnh không nên lo lắng quá mà tự ý ngừng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ về những dấu hiệu đầu tiên gặp phải này để  được xử lí đúng, thích hợp. Có những trường hợp không cần phải ngừng thuốc, chỉ theo dõi; nhưng có những trường hợp phải ngừng thuốc ngay lập tức và điều trị triệu chứng…

Thuốc nào gây tổn thương gan?

Mỗi thuốc gây ra một kiểu tổn thương gan nhất định. Một số nhóm thuốc gây độc cho gan thường gặp:

Nhóm gây tổn thương tế bào gan (tăng men gan) bao gồm các thuốc: Kháng khuẩn, nấm (ketoconazol, tetracyclin, trovafloxacin), chống lao (isoniazid, rifampicin, pyrazinamid), tăng huyết áp (lisinopril, losartan, amiodaron), giảm đau chống viêm (paracetamol, allopuriol, các kháng viêm không steroid), trầm cảm (fluoxetin, proxetin, sertralin), chống mỡ máu (statin)…

Nhóm thuốc làm tắc mật (tăng alkalinphophatase tăng bilirubim toàn phần) bao gồm các thuốc: Kháng khuẩn, nấm (amoxicilin acid clavulanic, erythromycin, terbinafin), thuốc trị tâm thần (chlopromazin, mirtarazin, trầm cảm ba vòng), chống dị ứng (phenothiazin), steroid đồng hoá…

Nhóm vừa làm tổn thương tế bào gan vừa làm tắc mật (bao gồm các thuốc: Kháng sinh (clindamycin, bactrim, sulfonamid, nitrofurantoin), chống động kinh (phenobarbital, phenytoin, carbamazepin), trị tăng huyết áp (catopril, enalapril, verapamil), chống trầm cảm (amitriphtylin, trazodon)…

Ngoài ra, cần cảnh giác với một số thuốc không kê đơn khác như: Thực phẩm chức năng và thảo dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ (vì có thể không được kiểm định và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng) cũng ảnh hưởng tới gan. Việc dư thừa vitamin A và sắt cũng gây hại gan…

Tuy nhiên, cách gây độc cho gan của từng loại thuốc còn phức tạp hơn nhiều, có thể bao gồm một hay cùng lúc nhiều cách như: Phá vỡ màng tế bào, làm tế bào chết, tạo ra các phức mới, gây ra các phản ứng miễn dịch, ức chế chuyển hoá thuốc của tế bào, gián đoạn các bơm vận chuyển dẫn đến tắc mật...

Coi chừng tổn thương gan do thuốcParacetamol- thủ phạm gây hại gan khi dùng liều cao  và/hoặc kéo dài.

Biểu hiện độc trên gan của thuốc cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Uống rượu, lớn hơn 18 tuổi (người lớn và phụ nữ hay gặp hơn là trẻ em), người có gen làm ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với thuốc, béo phì, mang thai, giới tính, các bệnh khác như HIV hoặc bệnh gan, lạm dụng thuốc cấm, dùng thuốc quá liều, uống thuốc kèm rượu…

Cách phòng tránh

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh uống rượu khi đang dùng thuốc.

Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang dùng, bác sĩ sẽ cân nhắc trong khi kê đơn thuốc để tránh hoặc hạn chế tối đa các tương tác bất lợi nói chung và bất lợi trên gan nói riêng ở người bệnh.

Đối với thuốc chỉ gây độc cho gan ở liều xác định (thường cao gấp nhiều  lần liều thường dùng và kéo dài) vì vậy chỉ dùng thuốc theo liều lượng và thời gian cho phép. Tốt  nhất là không dùng liều cao nhất của bất cứ thuốc nào trong thời gian dài.

Nếu bạn mắc bệnh gan, tránh dùng các loại thuốc biết chắc gây hại gan như acetaminophen (hạ sốt, giảm đau) hoặc phenytoin (thuốc chống động kinh), và hỏi ý kiến bác sĩ về bất cứ chống chỉ định nào khi dùng thuốc.

Nếu bạn đang lạm dụng thuốc hoặc r ượu, hãy tới các cơ sở cai nghiện để tìm trợ giúp.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, vì trong các tài liệu đi kèm với thuốc thường ghi các cảnh báo (đối với những thuốc có thể gây hại gan) như: Gây độc cho gan, suy giảm chức năng gan, thận trọng cho người bị bệnh gan…  Hiểu đúng các cảnh báo này sẽ tránh các lo ngại không đáng có, dùng thuốc linh hoạt hiệu quả, tránh  tai biến.

Khi dùng các thứ thuốc mới (thường chưa có thử nghiệm đầy đủ độc tính gan) cần có sự theo dõi ở cả phía thầy thuốc và người bệnh.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn