Hà Nội

Coi chừng thuốc gây hại răng

04-04-2018 07:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một số loại thuốc có những tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe của răng như gây sâu răng, biến loạn màu sắc hoặc phá hủy các cấu trúc của răng (men răng, ngà răng) và rối loạn quá trình phát triển răng… Các rối loạn này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn nhưng cần được theo dõi và xử trí.

Thuốc gây sâu răng

Trẻ em do sức đề kháng còn kém, hay bị ốm và phải dùng thuốc điều trị. Tất cả các thuốc dạng sirô dành cho trẻ em có chứa đường dễ đọng lại xung quanh răng, đều có nguy cơ gây sâu răng.

Một số thuốc điều trị hen dạng xịt hoặc hít như beclometasone, fluticasone, salmeterol và terbutaline sulphate đều có thể gây phá hủy trực tiếp tạo thành các vết rỗ ở răng.

Thuốc làm giảm tiết acid làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng hoặc khó tiêu như thuốc ức chế thụ thể H2 (như famotidine và ranitidine) và thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazole và omeprazole)…  có thể khiến răng yếu hơn và sâu. Nguyên nhân là do hầu hết các loại thuốc kháng acid đều có thể nhai, ngậm và tan được trong miệng, do đó chúng cũng dễ bị đọng lại ở răng, nướu, dẫn tới khô miệng và làm tăng nguy cơ sâu răng.

Các thuốc kháng histamin H1 (promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat, loratadin…) dùng điều trị các triệu chứng dị ứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, nổi mày đay... có tác dụng phụ là ngăn chặn việc miệng tiết ra nước bọt và chất nhầy, đây cũng là một nguyên nhân khiến miệng bị khô và các mảng bám tích tụ nhiều hơn, gây ảnh hưởng tới răng và sâu răng.

Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, cụ thể là nhóm thuốc chẹn bêta giao cảm như propranolol, metoprolol (thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) cũng đã được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ gây sâu răng ở cổ và chân răng. Điều này có thể gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm răng, dễn dẫn đến rụng răng.

Các thuốc hướng tâm thần (amitriptyline, chlorpromazine…) có thể gây ra tình trạng giảm tiết nước bọt dẫn đến khô miệng cũng làm tăng nguy cơ sâu răng.

Khám răng định kỳ để  xử trí kịp thời các bất lợi. Ảnh: TM

Khám răng định kỳ để  xử trí kịp thời các bất lợi. Ảnh: TM

Thuốc gây đổi màu răng

Đổi màu răng là tình trạng răng bị nhiễm màu có sự thay đổi không đều, có thể xảy ra trên toàn bộ mặt răng hoặc chỉ ở một vùng nhỏ của răng, thường là vùng răng yếu hoặc vùng có rãnh, vùng bị tổn thương. Chính điều này khiến trên mặt răng hình thành các dải màu khác nhau, không đều và rất mất thẩm mỹ. Trường hợp nặng là răng có thể bị lỗ chỗ, bị rỗ hoặc gây khiếm khuyết, mất đi hình dạng bình thường. Mức độ răng xỉn màu, nhiễm màu sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, thường sẽ tùy vào liều lượng, vào khoảng thời gian dùng thuốc dài hay ngắn và vào từng thời điểm. Loại thuốc uống cũng quy định mức độ xỉn màu răng. Răng bị nhiễm màu thường trở nên vàng ố, nâu, xám tím hay xám xanh,… và xỉn không đều trên mặt răng.

Tetracycline là một thuốc điển hình gây ra các biến loạn màu sắc của răng. Loại kháng sinh này có thể làm cho răng bị ố vàng vĩnh viễn, vì vậy còn được gọi là “hàm răng tetracycline”. Do tác dụng phụ này, cần tránh sử dụng tetracycline ở trẻ em dưới 14 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nếu dùng tetracycline trong 6 tháng cuối của thai kỳ có thể làm cho những đứa trẻ sinh ra khi mọc răng sẽ có màu vàng, sau đó chuyển dần thành màu xám hoặc nâu. Một kháng sinh khác thuộc nhóm tetracycline là minocycline cũng có thể làm cho răng bị biến đổi thành màu xanh - xám hoặc lục - xám ở khoảng 6% số người dùng thuốc. Đáng ngại hơn, minocycline có thể gây biến đổi màu sắc răng ở cả những người trưởng thành với bộ răng đã phát triển đầy đủ. Một kháng sinh khác là ciprofloxacin cũng được ghi nhận có thể làm cho răng bị chuyển thành màu xanh lục nhạt trong một số trường hợp.

Kháng sinh amoxicillin - clavulanic acid có thể làm cho răng có màu vàng hoặc nâu xám. Các biến loạn màu sắc này có thể hết khi đánh sạch răng.

Fluor là chất cần thiết cho răng, có mặt trong kem đánh răng và một số nước súc miệng. Tuy nhiên, một số loại muối vô cơ của fluor có tác dụng sát khuẩn răng miệng rất tốt nhưng nếu dùng quá nhiều, chúng có thể gây ra các tác động tiêu cực cho răng. Nhiễm nhiều fluor ở răng gây mất khoáng chất vĩnh viễn ở men răng, tạo ra các vết rỗ lớn hơn bình thường trên bề mặt răng. Những trường hợp nhẹ, biểu hiện là các đốm trắng nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường ở trên mặt nhai của các răng vĩnh viễn. Những trường hợp nặng hơn biểu hiện là các mảng trắng hoặc các đám tối màu rải rác trên bề mặt của các răng vĩnh viễn.

Một số thuốc còn có thể gây hiện tượng nghiến răng trong giấc ngủ như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, fluoxetine, metoclopropamide, cocaine, amphetamine... Hiện tượng này nếu kéo dài có thể làm mòn mặt nhai của răng và yếu răng.

Rối loạn quá trình phát triển răng do thuốc

Phenytoin còn có tên gọi khác là diphenylhydantoin, là thuốc chống động kinh có tác dụng chống co giật và làm giảm sự lan truyền của hoạt động co giật trong não. Việc dùng phenytoin trong thời kỳ mang thai có thể gây ra nhiều dị tật cho trẻ khi sinh ra, trong đó có rối loạn quá trình phát triển răng. Hiện nay, cơ chế tác động của phenytoin đối với răng còn chưa được hiểu rõ, nhưng  trên lâm sàng cho thấy, những trẻ tiếp xúc với phenytoin trước và sau khi sinh thường bị tăng kích thước của các răng phía trong của hàm trên, đặc biệt là răng hàm, kể cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Tình trạng trẻ bị răng thưa do ảnh hưởng của phenytoin là biểu hiện đáng kể nhất được quan sát thấy trên lâm sàng, nhưng trong một số trường hợp, quá trình tạo chân răng cũng có thể bị ảnh hưởng do thuốc.

Ảnh hưởng của răng do thuốc có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có khi vĩnh viễn. Vì vậy, việc theo dõi các ảnh hưởng của thuốc tới răng là rất quan trọng. Khi răng bị tác động do thuốc, cần xin ý kiến của bác sĩ để có hướng khắc phục. Không nên vội áp dụng các biện pháp làm răng thẩm mỹ, có thể ảnh hưởng độ khỏe của răng.


DS. Vũ Văn Thắng
Ý kiến của bạn