Coi chừng thủng dạ dày do axít

26-09-2011 08:28 | Tin nóng y tế

Axít là một chất hoá học mạnh có thể gây ra ăn mòn và hủy hoại bề mặt mà nó tiếp xúc; dù đó là bề mặt gỗ hay là bề mặt kim loại thì nó đều có thể ăn mòn siêu tốc.

Axít là một chất hoá học mạnh có thể gây ra ăn mòn và hủy hoại bề mặt mà nó tiếp xúc; dù đó là bề mặt gỗ hay là bề mặt kim loại thì nó đều có thể ăn mòn siêu tốc. Và giả sử đó là một lớp mô hữu cơ chăng nữa thì axít hoàn toàn có thể gây tổn thương. Trong các tai biến với axít, chúng ta cần đề phòng đặc biệt với tai biến viêm, loét, xuất huyết và thủng dạ dày do uống nhầm axít.

Loét dạ dày nặng do uống nhầm axít

Chị Nguyễn Thị H., 56 tuổi (Bắc Ninh) là một nạn nhân điển hình. Chồng chị H. làm nghề vận tải, chị ở nhà làm ruộng và giúp chồng vận chuyển hàng hoá. Là lái xe nên chồng chị hay có ắc-quy hỏng để ở nhà. Anh thường lấy axít trong ắc-quy hỏng chiết ra chai để dùng dần vào việc khác. Lần này đi lấy hàng về cũng vậy. Anh lấy axít trong ắc-quy vào chai như mọi lần. Nhưng do vội quá, anh liền bỏ vào tủ lạnh vì sợ để ngoài con anh còn nhỏ không biết sẽ lấy uống. Tránh được con thì vương vào vợ. Đi làm đồng về, trời thì nắng, miệng thì khát, chị vội mở tủ lạnh và quơ một chai “tu” cho đỡ khát. Nhưng vừa mới đưa vào mồm thì... một cảm giác bỏng rát! Không kịp nữa rồi, chị đã nuốt nửa ngụm axít vào trong dạ dày.

Chị H. nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh gần nhà để rửa dạ dày. Rồi được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, chị được các bác sĩ  khám và chẩn đoán viêm loét niêm mạc dạ dày do uống nhầm axít; được kê đơn, điều trị ngoại trú. Sau đó 2 ngày, chị xin vào Bệnh viện 103 để điều trị nội trú. 

 Axit có thể gây viêm, loét hoặc thủng dạ dày.

Nhầm là dễ hiểu

Chúng ta cần chú ý là chai đựng axít không hề khác chai đựng nước uống. Vì dung dịch axít cũng là dung dịch trong, không màu y hệt như nước vậy. Nhìn nước axít và nước uống bằng mắt thường khó có thể phân biệt được. Nhất là khi axít lại được đựng trong một chai nước trong và phổ thông như chai lavie hay chai thủy tinh trong. Vì vậy chuyện uống nhầm là điều dễ hiểu.

Một khi đã uống nhầm thì chuyện axít làm tổn thương đường tiêu hoá là điều tất yếu. Axít làm vón lại lớp chất nhầy bảo vệ, làm lộ ra lớp tế bào dạ dày. Axít phản ứng mạnh mẽ với các tế bào bề mặt làm các tế bào này nhăn nhúm, màng tế bào thay đổi tính thấm và kết quả là nước tràn vào gây chết tế bào. Hiện tượng này gọi là hiện tượng ăn mòn hoá học.

Do đó, đứng về mặt bệnh học thì axít có thể làm cho bề mặt dạ dày bị viêm, loét và chảy máu, thậm chí là bị thủng. Người bệnh sau khi uống nhầm phải axít sẽ  có cảm giác bỏng rát như đốt lửa trong thực quản và dạ dày. Axít đi đến đâu là cảm giác bỏng rát đi tới đó.

Nếu nồng độ axít nhẹ sẽ gây phản ứng viêm ở lớp bề mặt đường tiêu hoá. Nhưng nếu nồng độ axít đậm đặc thì sau đó sẽ gây ra loét, chảy máu. Vì axít sẽ làm chết lớp tế bào trên cùng rồi tiến đến làm chết lớp cơ bên dưới lớp tế bào này. Trong trường hợp nặng, axít sẽ gây ra thủng đường tiêu hoá, đây là một tai biến nặng, cần phải được xử trí ngoại khoa kịp thời.

Để giảm thiểu tác hại

Cần quy định chỗ để axít riêng ra một khu mà không để chung với đồ đạc sinh hoạt. Tuyệt đối không để axít trong tủ lạnh.Cần có những chai riêng đựng axít và mỗi chai phải có nhãn mác cẩn thận. Cần ghi đầy đủ thông tin: Axít, không được uống để mọi người cảnh giác.

Với những chai lọ hoá chất, nên sắp xếp một khu trong nhà kho để chứa những lọ này. Nên để tầm thấp, không nên để tầm cao vì có thể gây ra đổ vỡ và gây bỏng.
 

Cách cấp cứu khi uống nhầm axít

Trong mọi tình huống uống nhầm phải axít, việc cấp cứu cần phải được tiến hành khẩn trương. Có 3 lý do cơ bản ở đây: cấp cứu để loại bỏ nhanh axít ra khỏi đường tiêu hoá, cấp cứu để tránh axít làm tổn thương nặng ở trong dạ dày, cấp cứu để tránh biến chứng nặng về sau.

Vì thế mà việc cấp cứu đầu tiên cho người uống phải axít không phải là chuyển thẳng đến tuyến Trung ương mà phải đưa ngay đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất. Khi đi nhớ mang theo chai đựng axít để bác sĩ có cơ sở đánh giá được mức độ nặng nhẹ của axít đã uống nhầm. Mức độ nặng nhẹ còn được tiến hành bằng cách thấm quỳ tím để đo độ pH trong những giọt axít còn lại.

Trường hợp nồng độ axít loãng, (pH vào khoảng 5-6), quỳ tím chỉ hơi hồng thì mức độ tổn thương gây ra chỉ là viêm. Chúng ta có thể tiến hành rửa ngay dạ dày nhằm loại bỏ axít đang tồn tại. Nước rửa ở đây chú ý là nước sạch, nhiệt độ ấm, khoảng 35 - 370C. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.

Trường hợp nồng độ axít đặc (pH dưới 3), quỳ tím chuyển sang màu đỏ rực thì khả năng tổn thương loét và chảy máu dạ dày là rất cao, nên rửa dạ dày bằng ống mềm cần được cân nhắc. Vì nếu không có thể làm cho dạ dày chưa thủng có thể bị thủng do can thiệp rửa axít. Đây là một tai biến không mong muốn cần phải tránh. Cách cấp cứu lúc này là cho uống nước và gây nôn. Uống xong và nôn ra ngay. Không được để nước xuống ruột. Nhớ là nước uống phải sạch và ấm. Biện pháp này tuy không công hiệu bằng biện pháp rửa dạ dày nhưng lại có độ an toàn cao hơn cho người bệnh.

Chú ý: Trong mọi trường hợp, chúng ta không sử dụng dung dịch kiềm hoặc kiềm mạnh để rửa dạ dày. Bởi trước khi kiềm có thể trung hoà axít thì nó đã gây ra tai hại rồi. Thứ nhất, nó có thể gây tổn thương tại những bề mặt mà không có axít đi qua. Thứ hai, khi trung hoà axít thì phản ứng này lại sinh ra nhiệt và càng làm cho tổn thương thêm nặng nề. Do vậy, trong mọi trường hợp, nên dùng nước sạch và trung tính để bơm rửa. Nước sinh hoạt thông thường đáp ứng tiêu chuẩn này.

Tất cả các biện pháp điều trị tiếp theo phải tùy thuộc vào bệnh mà người bệnh có thể bị. Nhưng có một nguyên tắc chung là: tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và tiến hành điều trị ngay sau khi cấp cứu.    
BS.Lâm Phúc

BS.Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)


Ý kiến của bạn