Mới đây, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và điều trị 7 bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng giun xoắn, một loại ký sinh trùng đường ruột nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong rất cao cho người. Cả 7 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, phù nề, đau nhức cơ kèm theo tiêu chảy. Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ, trước khi nhiễm bệnh, bệnh nhân đều ăn tiết canh và thịt lợn chưa được nấu chín. Bài viết sau đây giúp độc giả hiểu rõ căn bệnh này.
Vì sao bị nhiễm giun xoắn?
Bệnh giun xoắn là một bệnh truyền nhiễm do giun Trichinella spiralis gây nên. Người bị nhiễm tình cờ khi ăn thịt chứa ấu trùng loài Trichinella nấu tái, sống lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống do ăn thịt lợn hoặc thịt các động vật hoang dã sống (nấu chưa chín) có chứa ấu trùng giun xoắn. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Một bệnh nhân đang điều trị tại BV Nhiệt đới T.Ư do ăn tiết canh nhiễm khuẩn. |
Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tùy thuộc lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng.
Biểu hiện đa dạng
Trong cơ thể người, giun xoắn phát triển theo 3 thời kỳ: Thời kỳ đầu, giun xoắn sống ở ruột làm cho người bệnh bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng, nôn, đau bụng, sốt 40 - 41oC. Một tuần sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập ồ ạt vào máu, hạch bạch huyết của người bệnh làm cho họ sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2 - 3 tháng.
Dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh là phù mi mắt, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và tay. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc. Tiếp theo là các biểu hiện đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, nói, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động. Bệnh nhân sẽ sốt nhẹ tăng dần, sau 2 - 3 ngày thân nhiệt lên tới 39 - 40oC. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ. Ngoài ra còn có các triệu chứng như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.
Chẩn đoán xác định bằng cách nào?
Chẩn đoán bệnh giun xoắn dựa vào triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và tính chất dịch tễ. Để chẩn đoán xác định, cần dựa thêm vào những kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan, ở giai đoạn đầu của bệnh có thể tìm thấy giun xoắn trưởng thành trong phân, ở giai đoạn toàn phát có thể tìm thấy ấu trùng giun xoắn trong bệnh phẩm sinh thiết. Cũng có thể dùng các phản ứng miễn dịch như kết hợp bổ thể, ngưng kết, miễn dịch huỳnh quang, ELISA. Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giun xoắn với các bệnh về huyết thanh, viêm da, viêm cơ, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm...
Điều trị ra sao?
Tùy theo mức độ nặng nhẹ, tùy theo thể trạng bệnh có thể dùng các loại thuốc sau: albendazol liều 400mg 2 lần/ngày, uống liên tục trong 60 ngày. Mebendazol là thuốc thay thế ở liều 200 - 400mg 3 lần/ngày, trong 3 ngày, tiếp đó là 400 - 500mg 3 lần/ngày, trong 10 ngày. Thuốc thay thế nữa là thiabendazol, liều 25mg/kg (cao nhất 1,5g một liều) 2 lần/ngày sau bữa ăn, trong 3 - 7 ngày. Những loại thuốc này cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Giai đoạn xâm nhập cơ, bệnh nhân nặng cần nhập viện để điều trị và dùng các thuốc steroid liều cao trong 24 - 48 giờ, tiếp tục bằng liều thấp hơn trong vài ngày tới vài tuần để kiểm soát các triệu chứng. Do các thuốc steroid có thể ức chế phản ứng viêm với giun trưởng thành, nên chỉ dùng thuốc này khi có triệu chứng nặng. Diệt giun dùng thuốc thiabendazol, mebendazol và albendazol.
Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa
Người dân cần tuyệt đối không ăn các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín như tiết canh lợn, nem chạo... Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán... là những động vật được nuôi thả rông không hề “lành” như nhiều người dân nghĩ mà nó dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường nên cũng cần phải chế biến chín các món ăn này.
Bệnh lây truyền qua đường ăn uống, do vậy phải ăn chín, uống nước đun sôi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Khi có các biểu hiện nghi mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
BS. Nguyễn Hữu Tiến