Vitamin D có tác dụng quan trọng trong việc giữ cho xương và hệ miễn dịch trong cơ thể hoạt động tốt cũng như chống lại các căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, vitamin D là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng bừa bãi, nó có thể gây ra những tác hại đối với cơ thể chúng ta.
Các dạng vitamin D
Năm 1930, các nhà khoa học đã phân lập được vitamin D từ nguồn gốc thiên nhiên là một nhóm hóa chất thuộc họ steroid, bằng cách chiếu xạ men bia với tia cực tím và người ta đã sản xuất được vitamin D đầu tiên ở trạng thái tinh khiết - dạng D1. Tuy nhiên, đến năm 1969, người ta phát hiện dạng D1 này chỉ có tác động đến bệnh còi xương, sau khi được biến đổi ở gan thành hormon hoạt động.
Vitamin D2 hay ergocalciferol được tổng hợp ở phòng thí nghiệm và được dùng trong điều trị cho đến ngày nay.
Vitamin D3 hay cholecalciferol, dạng tự nhiên, chiết xuất từ dầu gan cá hay do sự nội tổng hợp trong da, dưới tác dụng của tia tử ngoại ánh sáng mặt trời.
Cho trẻ tắm nắng để bổ sung vitamin D. |
Cơ thể chúng ta tiếp nhận vitamin D từ đâu?
Nguồn từ thực phẩm: Nói chung thực phẩm, nhất là thực vật chứa ít vitamin D. Những thức ăn giàu vitamin D là dầu cá, gan động vật, cá béo. Ngoài ra, vitamin D còn có trong sữa, thịt, lòng đỏ trứng gà... Tuy nhiên, đây là loại vitamin tan trong dầu, do đó để có thể hấp thu tốt cần có vai trò của lipid và muối mật.
Nguồn từ mặt trời: Đây là nguồn vitamin D quan trọng nhất. Như đã nói ở trên, vitamin D là một trong những vitamin khác thường nếu so sánh với các loại vitamin khác. Tia cực tím ở trong ánh nắng sẽ làm một số chất cholesterol dưới da của bạn chuyển hóa thành dạng vitamin D3 - cholecalciferol. Vitamin D3 này sau đó sẽ được đưa tới gan, chuyển hóa thành dạng khác hoạt động mạnh hơn rồi tiếp tục đi qua thận và lại được chuyển hóa tiếp. Một phần vitamin D3 sẽ được lưu ở gan và thận giúp chúng ta điều khiển được lượng canxi trong máu, phần khác được lưu trong xương để giúp chúng ta có thể giữ được canxi. Vitamin D3 cũng giúp cơ thể có thể hấp thụ được canxi tốt hơn. Vitamin D2 được gọi là ergocalciferol có thể tìm thấy trong một số loại thực phẩm nhất định nhưng không nhiều.
Vai trò của vitamin D
Vitamin D là một tiền hormon. Sau khi đưa vào cơ thể, vitamin D biến đổi thành một hoạt chất như một hormon và chuyển đến các mô đích như xương, ruột.
Ở ruột, nó giúp tăng cường sự hấp thu canxi và phospho, dẫn đến tăng tỷ lệ các chất này trong máu và xương, giúp cho sự khoáng hóa xương. Đồng thời, sự gia tăng canxi huyết kìm hãm sự bài tiết hormon cận giáp của các tuyến cận giáp trạng, hạn chế sự hòa tan phosphat canxi của xương.
Các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy, vitamin D có vai trò trong sự điều hòa hoạt động tế bào và hệ miễn dịch.
Vitamin D đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, đây có thể được coi là chất chống còi xương. Lý do chính là vitamin D có tác dụng thúc đẩy việc hấp thụ và chuyển hoá chất canxi và phospho. Thiếu vitamin D gây trở ngại cho việc hình thành xương dẫn đến bệnh còi xương. Các dấu hiệu của bệnh còi xương được thể hiện: lâu liền khớp; xương sọ mềm, ngực lép; chậm biết ngồi, chậm biết đi; chân có thể bị cong vẹo sinh ra chứng vòng kiềng.
Với người già, vitamin D cũng giữ vai trò hết sức quan trọng đến sự bền vững của hệ xương và khả năng miễn dịch, đề kháng của cơ thể. Càng cao tuổi, người ta càng cần nhiều vitamin D. Từ 51 - 70 tuổi, cơ thể cần lượng vitamin gấp đôi so với người dưới 50 tuổi. Trên 71 tuổi, cơ thể cần gấp 3 số lượng này. Một nghiên cứu mới đây xác định: nếu bổ sung hằng ngày 400UI (10mcg) vitamin D cho người trên 65 tuổi có tác dụng giảm nguy cơ gãy xương rõ rệt.
Dùng quá liều, điều gì sẽ xảy ra?
Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích luỹ thuốc, làm tăng canxi trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thừa vitamin D. Trẻ em dưới 1 tuổi được cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều > 400 IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong. Trẻ nhỏ bị ngộ độc vitamin D sẽ biếng ăn, buồn nôn và ói mửa. Trẻ luôn luôn khát nước và tiểu nhiều. Ngộ độc vitamin D ở trẻ thường do cha mẹ tùy tiện cho uống dài ngày các loại thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, trong đó có chứa vitamin D liều cao hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D.
Tóm lại, vitamin D là một vitamin có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể người. Tuy vậy, uống nhiều vitamin D quá không tốt cho cơ thể, thậm chí là gây nguy hại. Vì vậy, không được lạm dụng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ và tốt nhất hãy nhớ rằng mình có thể lấy được vitamin D từ tự nhiên bằng cách đơn giản: phơi nắng và dạo chơi ở ngoài trời nhiêu hơn.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng