Coi chừng ngộ độc thuốc không kê đơn

30-04-2018 13:45 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Đối với người dùng thuốc, khi nghe nói đến “thuốc không kê đơn” thường có sự hiểu lầm là thuốc loại này là thuốc dùng sao cũng được.

Có người cứ mua thuốc không kê đơn như paracetamol dùng bừa bãi, dùng bất kể liều lượng để bị tai biến rất đáng tiếc.

Có 2 loại thuốc hiện nay được bán tại các nhà thuốc. Đó là thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ gọi là thuốc kê đơn và thuốc bán không cần đơn thuốc gọi là thuốc không kê đơn. Cả hai loại thuốc đều đòi hỏi sử dụng đúng để đạt hiệu quả và an toàn. Riêng thuốc không kê đơn hay thuốc không theo toa, còn gọi là thuốc OTC (viết tắt của Over The Counter, có nghĩa thuốc bán ở quầy không cần đơn thuốc) là thuốc có độc tính thấp, không có những tác dụng phụ có hại quá nghiêm trọng.

Thuốc OTC cũng là thuốc dùng trong điều trị các bệnh thông thường và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết có sự thăm khám, chỉ định thuốc hoặc theo dõi của bác sĩ. Đối với người dùng thuốc, khi nghe nói đến “thuốc không kê đơn” thường có sự hiểu lầm là thuốc loại này là thuốc dùng sao cũng được. Vì vậy, có người cứ mua thuốc không kê đơn như paracetamol dùng bừa bãi, dùng bất kể liều lượng để bị tai biến rất đáng tiếc. Như mới đây, thông tin từ BV. Bạch Mai ở Hà Nội, có một nam thanh niên 19 tuổi uống 19 viên thuốc hạ sốt paracetamol trong 2 ngày, phải nhập viện và bị hôn mê gan trầm trọng.

Coi chừng ngộ độc thuốc không kê đơnẢnh minh họa

Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt dùng rất phổ biến hiện nay. Paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp (gần như không làm viêm loét dạ dày), ta vẫn phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều. Tại sao paracetamol gây độc?

Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Trong cơ thể, paracetamol được chuyển hóa hình thành chất chuyển hóa trung gian là N-acetyl benzoquinoneimin là chất độc. Khi sử dụng với liều thông thường, chất này sẽ nhanh chóng được khử độc tính bởi glutathion (do gan tiết ra) và thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi sử dụng liều quá cao, không đủ glutathion do gan tiết ra chuyển hóa, lượng N-acetyl benzoquinoneimin tạo thành tăng lên, sẽ hại tế bào gan, gây hoại tử gan dẫn đến hôn mê gan. Cần ghi nhận, paracetamol vẫn có thể gây tổn thương gan ngay cả ở liều điều trị nếu sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt trên những bệnh nhân có chức năng gan thay đổi hoặc người cao tuổi.

Vậy, nên lưu ý: không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

Đặc biệt lưu ý, người dùng thuốc phải có sự hiểu biết nhất định về các thuốc không kê đơn, điển hình là paracetamol kể trên, để sử dụng đúng nhằm đạt hiệu quả và an toàn. Đặc biệt là liều lượng và cách dùng. Trở lại với thuốc thông thường paracetamol, khi người dùng thuốc paracetamol ít nhất phải biết thông tin về liều dùng của paracetamol như sau: “Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10mg/kg cân nặng, ngày uống 3 - 4 lần, và liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/kg/ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500mg, ngày uống 3 - 4 lần, không nên quá 4g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém”. Chính vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con. Như trường hợp nêu trên, nam thanh niên 19 tuổi uống 19 viên thuốc hạ sốt paracetamol trong 2 ngày là quá liều rồi.

Người dùng thuốc cần biết, thuốc không kê đơn không bao giờ có nghĩa là thuốc lành. Dùng thuốc không kê đơn phải có thông tin và sự hiểu biết nhất định về thuốc loại này. Để có thông tin, người dùng thuốc có thể hỏi dược sĩ tại nhà thuốc. Trong tình hình hiện nay, cách tốt nhất để có thông tin về thuốc, đặc biệt thuốc không kê đơn, là xem tờ hướng dẫn dùng thuốc (nếu mua thuốc viên rời không mua nguyên lọ thuốc, ta vẫn có quyền đòi hỏi nhà thuốc cho xem tờ này). Trong tờ hướng dẫn dùng thuốc, ta cần đọc: thành phần - công thức (để biết đó đúng là dược chất sử dụng), chỉ định (những trường hợp dùng thuốc này), chống chỉ định (những trường không được dùng thuốc này), cách dùng - liều lượng, tương tác thuốc…


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn