Mỹ phẩm ảnh hưởng tới vùng mặt
Nổi mụn: Trang điểm thường xuyên khiến da luôn bị bít kín, từ đó gây nên sự bí bách, khiến làn da bị “ngạt thở”, làm tắc lỗ chân lông và cản trở quá trình bài tiết mồ hôi. Cùng với đó, da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn, thu hút các bụi bẩn, vi khuẩn bám lại trên da. Điều này chính là nguyên nhân gây nổi mụn trứng cá, mụn bọc...
Bào mòn da: Trong các loại mỹ phẩm thường có chứa axit salicylic với công dụng che phủ, thu gọn lỗ chân lông. Tuy nhiên, nó lại kéo theo một hậu quả là loại bỏ các chất sừng, bào mòn da và khiến da yếu đi. Ngoài ra, việc bạn phải tẩy trang liên tục do trang điểm thường xuyên cũng khiến da mỏng hơn và dễ bị kích ứng. Về lâu dài, làn da sẽ trở nên yếu ớt và nhạy cảm hơn, đồng thời còn gây nên tình trạng thâm nám, tàn nhang, lão hóa sớm...
Cần chọn và sử dụng mỹ phẩm an toàn.
Viêm da: Đây là một hậu quả không thể tránh khỏi khi trang điểm thường xuyên. Nguyên nhân là do da phải tiếp xúc với các chất hóa học, vi khuẩn, bụi bẩn..., từ đó gây nhiễm khuẩn da. Đặc biệt, nếu trên da đang có các vết trầy xước, tình trạng viêm nhiễm sẽ càng trầm trọng hơn. Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm da là ửng đỏ, sưng phù, nổi mụn nước... Về lâu dài, nó có thể gây ra chứng bệnh như viêm lỗ chân lông, kích thích lông tăng trưởng, làm giãn mạch máu, khiến da bị khô và thô ráp...
Da nhăn nheo: Khi bạn thường xuyên dùng mỹ phẩm, sự tác động của các hóa chất trong thành phần các loại mỹ phẩm sẽ làm cho da bị kéo căng, giảm độ đàn hồi, dễ bị chảy sệ và tạo các nếp nhăn.
Tăng rủi ro ung thư da: Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của mỹ phẩm cũng như các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là gây ung thư da. Đa số mỹ phẩm trên thị trường hiện nay đều có chứa hóa chất độc hại và nếu dùng dài kỳ, lạm dụng có thể gia tăng bệnh ung thư, nhất là ung thư da.
Nhiễm trùng mắt: Sử dụng quá nhiều mỹ phẩm cho mắt và vùng xung quanh mắt có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiễm trùng mắt là do dùng quá nhiều mỹ phẩm đắp lên mắt, một khi các loại hóa chất ngấm vào bên trong sẽ gây nhiễm trùng, triệu chứng thường thấy như mẩn đỏ, chảy nước mắt và cảm giác châm chích.
Kích thích dị ứng: Mỹ phẩm là một trong những thủ phạm gây dị ứng. Nguyên do chính là hóa chất có trong các sản phẩm này là parabens (etyl-paraben, butyl-paraben và isopropyl-paraben...), nhóm hóa chất này được dùng để làm chất bảo quản, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trong mỹ phẩm, nhưng mặt trái lại tạo ra những phản ứng dị ứng rất mạnh như: gây kích ứng da, ngứa, sưng đỏ, thậm chí cả nhiễm trùng kéo dài như từng thấy ở nước hoa do phản ứng nhạy ánh sáng, gây biến màu da. Ngoài ra kim loại nặng, amoniac trong thuốc nhuộm tóc cũng có thể dẫn đến trầy xước da đầu, thiệt hại nang tóc và gây rụng tóc từng mảng.
Da nổi mụn do sử dụng mỹ phẩm.
Cách dùng mỹ phẩm an toàn
Nguyên tắc chung là tránh lạm dụng mỹ phẩm. Nhớ kiểm tra mỹ phẩm mới trước khi sử dụng. Cần thử phản ứng trước khi sử dụng mỹ phẩm, nhất là những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên. Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24-48 giờ. Nếu không thấy dị ứng, có nghĩa là có thể dùng được loại mỹ phẩm đó.
Phương pháp PUT là phương pháp xác định phản ứng chậm với mỹ phẩm: thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày trong 2 tuần với diện rộng khoảng 5cm2. Nếu quá thời gian trên ở vùng da thoa thuốc không biểu hiện ngứa, hồng ban, nổi mụn nước... thì hãy yên tâm dùng loại mỹ phẩm đó.
Các trường hợp có cơ địa dị ứng, đã từng mắc viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng... cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm vì cơ thể và làn da họ rất nhạy cảm với các tác nhân dị ứng.
Không mua và dùng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Không bao giờ sử dụng lại loại mỹ phẩm đã từng gây dị ứng cho mình. Chọn mua những loại mỹ phẩm đã quen dùng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tin cậy và không gây dị ứng.
Để dùng mỹ phẩm an toàn, hãy lưu ý những quy tắc cơ bản: Rửa tay và mặt sạch trước khi trang điểm - đây là cách ngăn ngừa dị ứng cơ bản nhất. Tuyệt đối không trang điểm mắt khi bị đau mắt, hay có biểu hiện ngứa bất thường ở mắt, ở da mặt, da đầu... Trong quá trình dùng, phải bảo quản và giữ vệ sinh cẩn thận, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Không dùng chung mỹ phẩm với người khác.
Khi gặp phải tình trạng dị ứng mỹ phẩm, việc trước hết cần làm là ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm, đồng thời tiến hành rửa mặt sạch với nước nhằm tẩy trôi các chất độc hại trên da và ngăn chặn những tổn thương cho da. Tình trạng dị ứng sẽ giảm dần và biến mất khi ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, nếu tình trạng dị ứng vẫn tiếp tục nặng thêm, nên đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định dùng thuốc cụ thể. Trong thời gian điều trị, nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để da mau lành.