Hiện nay, nhiều người đang mang thói quen “chết người” là lên mạng google tìm kiếm cách chữa bệnh mỗi khi ốm đau bất thường. Có thể với những bệnh nhẹ, triệu chứng đơn giản thì cách đó hiệu nghiệm, nhưng không ít trường hợp dẫn đến bị kháng thuốc, bệnh nặng hơn để lại những hậu quả đáng tiếc...
Chị Bùi Ngọc B. (Thái Hà, Hà Nội) không thể quên bài học day dứt khiến con chị suýt mất đôi mắt chỉ vì cách chữa chị tìm được trên mạng. Chẳng là thấy con nhỏ hai tháng tuổi bỗng nhiên rất hay trào nước mắt vô cớ, nhiều ghèn mắt màu vàng. Chị lên mạng tự tìm hiểu thông tin và tả triệu chứng thì được mách bé bị tắc tuyến lệ, mua thuốc nhỏ mắt. Chị nhỏ liên tục, sau vài ngày thấy con đỡ triệu chứng, chị mừng thầm vì tự làm bác sĩ cho con.
Không tự ý điều trị cho con bởi những thông tin tra trên mạng.
Bẵng đi một thời gian, đến nửa tháng trước con đột nhiên bắt đầu quấy khóc, thỉnh thoảng lại nôn mửa toàn sữa, chị vội đưa con vào bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết cháu bé không hề bị tắc tuyến lệ, chính vì chị liên tục nhỏ thuốc mắt có chứa corticoid cho bé đã khiến con mắc phải căn bệnh glocom quái ác (một loại bệnh mạn tính do tình trạng nhãn áp tăng gây tổn thương thần kinh thị giác, dân gian hay gọi là “thiên đầu thống”). Cháu bé rất dị ứng ánh sáng và phải trải qua phẫu thuật mới khỏi bệnh.
Chị N.T.N. (Vĩnh Phúc) có con trai hơn 3 tuổi, hay ho hen khặc khừ, chị tra cứu trên mạng thấy nhiều người mách phải cho con đi xông mũi họng. Ngại ra bệnh viện, chị liền mua hẳn một máy xông thuốc về tự chữa bệnh cho con, thuốc cũng tự tìm hiểu và hỏi người bán. Vì xông quá nhiều, có ngày 2-3 lần, sau một thời gian bé bị suy giảm thính giác.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có nhiều cháu bé bị suy thận, suy hô hấp nặng đang điều trị, trong đó có nhiều bé bệnh nặng do cha mẹ đã lạm dụng những “bài thuốc” từ trên mạng.
Các chuyên gia y tế cho biết, khi có bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để khám. Từ đó mới có những chỉ định dùng thuốc. Bởi biểu hiện bệnh nhiều khi có những điểm giống nhau, nhưng cách chữa và liều lượng khác nhau. Các biến chứng do lạm dụng thuốc có thể gây ra như suy tuyến thượng thận, loãng xương, thoái hóa khớp, viêm da, xuất huyết, thậm chí là sốc thuốc, tử vong.
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã có rất nhiều bệnh nhân phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu do nghe theo lời chỉ dẫn trên mạng rồi tự mua thuốc về chữa bệnh cho mình. Cùng một loại thuốc có thể chữa bệnh cho người này, nhưng lại là thuốc độc đối với người khác. “Cơ thể mỗi người mỗi khác, bệnh lý cũng không giống nhau, có khi cùng một triệu chứng nhưng lại do nguyên nhân gây bệnh khác nhau nên phải có cách điều trị khác nhau, thậm chí là trái ngược hẳn nhau. Do đó, việc áp dụng một toa thuốc chung cho mọi người là hết sức nguy hiểm” - BS. Cấp khuyến cáo.