Hà Nội

Coi chừng mất mạng khi dùng côn trùng làm thực phẩm

21-04-2022 14:24 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Côn trùng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không lành tính, đặc biệt là những loại côn trùng lạ, không rõ nguồn gốc khai thác.

9 loại cây giải độc khi bị rắn cắn, côn trùng đốt, ngộ độc thực phẩm…9 loại cây giải độc khi bị rắn cắn, côn trùng đốt, ngộ độc thực phẩm…

SKĐS - Trong nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm hoặc trúng độc do côn trùng, rắn cắn,…, ở vào trường hợp khi “thuốc không có trong tay, thầy chưa có tại chỗ” … những cây thuốc mọc tự nhiên trở thành những vị thuốc cứu mạng nhiều người.

Không ăn côn trùng lạ

Dù đã có những cảnh báo nhưng những vụ ngộ độc vì ăn côn trùng lạ vẫn liên tiếp xảy ra. GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay đã có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm, sử dụng làm món ăn khá phổ biến ở nhiều vùng miền.

Côn trùng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng. Bởi chúng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm). Tuy nhiên, không phải loài côn trùng nào cũng có thể sử dụng làm thực phẩm.

Phòng tránh ngộ độc khi dùng côn trùng làm thực phẩm - Ảnh 2.

Con côn trùng mà 3 nạn nhân ở Gia Lai đã ăn bị ngộ độc và dẫn đến tử vong 1 người.

GS.TS Bùi Công Hiển cảnh báo, việc an toàn thực phẩm từ côn trùng hiện nay đáng báo động. Hình thức khai thác côn trùng đa dạng, thường là tự phát. Khi xảy ra ngộ độc rất khó biết nguyên nhân (có thể dính thuốc trừ sâu, có thể lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh…). Nhiều người bắt được côn trùng lạ, dù không biết nó là loài gì vẫn chế biến để ăn, đây là điều cực kỳ nguy hại.

Các loài côn trùng lạ chưa được nghiên cứu chuyên sâu, việc sử dụng làm thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể mất mạng.
GS.TS Bùi Công Hiển

Một số loài côn trùng như sâu chít, sâu tre đã được nghiên cứu ở Việt Nam đều cho thấy trong thành phân sinh hóa, có những axit amin không thay thế, rất có ích cho cơ thể con người. Tuy vậy cũng tùy theo cơ địa, có người ăn dễ bị dị ứng (mẩn ngứa) chẳng hạn như ăn nhộng tằm. Đương nhiên, thực phẩm côn trùng chỉ nên là thức ăn thêm. Những món ăn từ côn trùng khá bổ dưỡng, nhưng chúng không phải là siêu thực phẩm vạn năng, và cũng không sạch như nhiều người tưởng.

Ngoài các loài côn trùng lạ, người dân lưu ý không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại. Trong khi chưa có những nghiên cứu sâu, rộng, khi sử dụng món ăn từ côn trùng, người dân chỉ nên ăn những côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc như nhộng, cào cào, bọ xít... và nói không với những loài côn trùng lạ.

Côn trùng không phải "thực phẩm sạch"

GS. Bùi Công Hiển cho biết, nhiều người cho rằng côn trùng vốn là thực phẩm sạch, nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thực tế, bản thân cơ thể côn trùng sống trong tự nhiên dễ dính các tạp chất bẩn và có thể có các sinh vật khác ngoại ký sinh. Hơn nữa trong cơ thể côn trùng còn có các dịch, phân và chất độc mà ta chưa biết rõ. Thậm chí ngay khi đã nấu chín, nhưng lẫn côn trùng đã chết bị nhiễm nấm độc, cũng có thể gây ngộ độc. Ví dụ, rượu ngâm côn trùng (kiến, ong, sâu chít….) lưu niên có thể đã biến tính gây nguy hiểm, GS. Bùi Công Hiển cho biết.

GS. Bùi Công Hiển cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận vẫn có thể nhầm lẫn với côn trùng không ăn được hay lẫn với tạp chất, nấm mốc có hại. Do đó, không thể khẳng định cứ là côn trùng bắt ngoài tự nhiên thì hoàn toàn sạch, yên tâm sử dụng, kể cả ăn sống. Tùy theo môi trường thu bắt côn trùng để biết côn trùng có sạch không hay bị dính thuốc trừ sâu, dính các tạp chất độc hại khác. Có nhiều trường hợp ăn phải côn trùng nhiễm độc nên cũng ngộ độc theo.

Đặc biệt, khi chế biến món ăn cần phải có quy trình xử lý đảm bảo.

  • Nên rửa sạch côn trùng bằng nước muối, thậm chí là cồn để "khử" hết nấm độc, giun, rận... bám trên mình côn trùng.
  • Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn như ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi... để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết.
  • Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi;
  • Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.
  • Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh...

Nguyên tắc khi ăn côn trùng bọ xít là buộc phải chế biến ở nhiệt độ cao vì chất độc sẽ bị phân giải. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ngày 18/4, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Đăk Sông, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai khiến 1 người tử vong, 2 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu. 3 nạn nhân gồm Đinh Văn Gré (SN 1963), Phạm Thị Dép (SN 1976) và Mai Văn Mói (SN 1976), là những người trong cùng gia đình, ở thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. 3 người đi chặt bạch đàn thuê cho một gia đình ở làng Kliết, Đăk Sông, Kông Chro, Gia Lai.

Khoảng 17h30 ngày 18/4, ông Gré bắt một lượng côn trùng màu đen, đầu đỏ (không rõ tên) mang vào chiên, sau đó gọi ông Mói và bà Dép vào ăn cùng. Tới 19h cùng ngày, cả 3 người có triệu chứng đau bụng, nôn, đau đầu, tiêu chảy. Tới 3h sáng 19/4, ông Gré tử vong. 2 người còn lại được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro vào rạng sáng. Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực, chiều cùng ngày, sức khỏe của 2 người này đã ổn định và được xuất viện.

Ngừa hiểm họa do côn trùng đốtNgừa hiểm họa do côn trùng đốt

SKĐS - Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới, hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú và đa dạng, trong đó có côn trùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vụ cháy biệt thự trăm tỷ: Quảng Ninh chính thức lên tiếng tiết lộ nguyên nhân cực sốc


Tô Hội
Ý kiến của bạn