Hà Nội

Coi chừng liệt mặt, méo miệng mùa lạnh

30-11-2019 14:40 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Liệt nửa mặt, méo miệng hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là loại bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây, biểu hiện là liệt ngoại biên nửa bên mặt.

Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là ảnh hưởng thẩm mỹ khi giao tiếp của người bệnh.

Nguyên nhân do đâu?

Dây thần kinh mặt (dây VII) là dây thần kinh chi phối vận động cơ mặt và vùng cổ, thực hiện các động tác nhăn trán, nhắm mắt, hỉnh mũi, cười, huýt gió, phồng má,... các biểu cảm cảm xúc tinh tế được thể hiện qua từng thớ cơ nhỏ trên mặt đều được thần kinh này điều khiển. Ngoài ra, dây thần kinh VII còn chi phối cơ vùng tai giữa liên quan đến bộ phận tiếp nhận âm thanh và đảm nhiệm cảm nhận vị giác ở 2/3 trước lưỡi (vị mặn và ngọt là chủ yếu).

Liệt mặt ngoại biên là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền ngoại biên của dây thần kinh VII, có 2 nhóm nguyên nhân chính:

Nguyên phát: Do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ, phù, chèn ép dây thần kinh. Các trường hợp liệt tự phát thường tiến triển cấp tính có liên quan đến yếu tố lạnh.

Thứ phát: Sau nhiễm siêu vi (thường gặp là Zona vùng hạch gối), chấn thương gây vỡ xương đá (vùng trong tai), u chèn ép, tổn thương thần kinh do đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn, liệt dây VII xuất hiện khi thai trên 6 tháng (do phù, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và rối loạn chuyển hóa vitamin, tiên lượng tốt sau khi sinh).

Khi mắc liệt mặt, thường đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán...

Khi mắc liệt mặt, thường đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán...

Cần phát hiện sớm

Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số VII ngoại biên rất rõ ràng, ai cũng có thể phát hiện và nhận biết bệnh. Khi mắc, thường đột ngột thấy 2 bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán. Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, góc mép miệng bị sệ xuống. Bệnh nhân sẽ bị chảy dãi hoặc nước một góc miệng, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, hỉnh mũi, nhăn trán,...

Nếu thấy những triệu chứng trên, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị phù hợp, quan trọng hơn là phân biệt liệt mặt ngoại biên với dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương trong bệnh cảnh đột quỵ.

Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người ít luyện tập thể dục thể thao, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, người có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, người hay thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm..., đặc biệt những người hay uống bia rượu, thường đi sớm về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh.

Điều trị thế nào?

Hiện nay, các bệnh viện y học cổ truyền sử dụng phương pháp châm cứu, điếu ngải, bấm huyệt để điều trị bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, thời gian điều trị từ 3-4 tuần, mức độ khỏi bệnh là trên 90% với những bệnh nhân được phát hiện sớm trong tuần đầu tiên.

Còn những bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 3-4 tháng thì chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục, việc điều trị chỉ đỡ được một phần, vẫn để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp của người bệnh.

Nhiều người cho rằng, khi bị  liệt mặt nếu không điều trị, liệt VII ngoại biên có thể tự khỏi điều này hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, có thể hồi phục tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương, đối với nhóm nguyên nhân nguyên phát (thường do co mạch máu nuôi), liệt mặt ngoại biên có thể tự hồi phục kể cả khi chưa điều trị. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp do thời gian co mạch quá lâu, dây thần kinh cần thời gian hồi phục, các cơ mặt bị mất sự chi phối trở nên trơ, nhão và dần chuyển co cứng.

Vì vậy, để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những nguyên nhân thứ phát nguy hiểm (như u chèn ép), người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực, có phương pháp phục hồi vận động cơ vùng mặt là rất cần thiết để trả lại nét mặt tự nhiên và tự tin cho người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để không bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh; hạn chế ở ngoài trời lạnh khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài.

Vào mùa lạnh, khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, nên tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh, tránh tắm nước lạnh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.

Vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt, máy lạnh nhưng không trực tiếp để luồng khí lạnh vào người, nhất là sau gáy.

Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não...

Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đề phòng chấn thương sọ não ở vùng thái dương, xương chũm.


BS. Lê Thanh
Ý kiến của bạn