Hà Nội

Coi chừng dị ứng kem chống nắng

17-07-2019 07:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày nay, nhiều người sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da phòng chống ung thư da do ánh nắng mặt trời. Nhìn chung dùng kem là an toàn, nhưng cũng có khi bạn bị dị ứng với một loại kem mới dùng.

Các tác dụng của kem chống nắng

Hầu hết các loại kem chống nắng hoạt động theo một trong hai cách sau:

Thứ nhất, hấp thụ hóa học: Các loại kem chống nắng chứa chất chống nắng hóa học hấp thụ tia UV (tia cực tím) và biến năng lượng này thành một dạng bức xạ ít nguy hiểm gây ít tổn thương cho da. Các loại kem chống nắng hấp thụ các loại bức xạ UV khác nhau, có loại hấp thụ tia UVA còn loại khác thì hấp thụ tia UVB. Các loại kem chống nắng khi bôi lên da có thể thấm hoàn toàn vào da là các loại kem chống nắng hóa học.

Thứ hai, ngăn chặn vật lý: Các loại kem chống nắng có tác dụng phản chiếu lại bức xạ mặt trời để da không hấp thụ các tia tử ngoại. Các chất chống nắng vật lý có chứa oxit kẽm, nên khi bôi lên da thường để lại một lớp màu sáng.

Tổn thương dị ứng kem chống nắng.

Tổn thương dị ứng kem chống nắng.

Vì sao dị ứng kem chống nắng?

Hiện nay, thành phần chống nắng đã được đưa vào mỹ phẩm và kem dưỡng da bên cạnh các sản phẩm chống nắng chuyên dụng, nên chúng có thể gây ra các trường hợp dị ứng với các hóa chất trong kem chống nắng. Hầu hết các phản ứng dị ứng này thuộc dạng viêm da tiếp xúc.

Dị ứng kem chống nắng thường dẫn đến viêm da tiếp xúc, với các dấu hiệu: Nổi những nốt mẩn phồng rộp và ngứa, gây ra bởi sự tiếp xúc trực tiếp của da với chất gây dị ứng.  Dị ứng với kem chống nắng có thể xảy ra ở bộ phận nào trên cơ thể được bôi kem chống nắng, nhưng hay gặp hơn ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng, nên gọi là viêm da tiếp xúc với ánh sáng. Chẳng hạn dị ứng hay gặp ở mặt, vùng chữ V ở cổ áo giữa phần trên ngực và dưới cổ, mặt sau bàn tay và cẳng tay. Nguyên nhân là do dị ứng với các thành phần hoạt tính hoặc với nước hoa và chất bảo quản có trong kem chống nắng.  Test áp da (patch test) là một phần quan trọng trong việc đánh giá viêm da tiếp xúc.

Những người có nguy cơ bị dị ứng là: Phụ nữ (thường dùng kem chống nắng); người có các tình trạng viêm da mạn tính liên quan đến ánh nắng mặt trời; người bị viêm da dị ứng; người bôi kem chống nắng lên các vùng da bị tổn thương; người thường xuyên làm việc ngoài trời nắng...

Chất nào gây dị ứng trong kem chống nắng?

Các nghiên cứu cho thấy, thành phần hoạt tính có trong kem chống nắng gây viêm da tiếp xúc. Do kem chống nắng chứa nhiều thành phần hoạt tính, nên khó xác định chính xác chất nào gây dị ứng nếu không làm test áp cho từng hóa chất riêng. Các thành phần hoạt tính phổ biến nhất trong kem chống nắng dễ gây viêm da tiếp xúc:

Axit para-Aminobenzoic (PABA): Là một trong những thành phần có trong kem chống nắng gây viêm da tiếp xúc. Tuy có nhiều loại kem chống nắng có nhãn “không gây dị ứng” vì chúng không chứa PABA, nhưng vẫn có thể gây viêm da tiếp xúc do các thành phần hoạt tính khác. Người nào đã bị dị ứng với PABA có thể bị dị ứng với các hóa chất khác tương tự, như para-phenylenediamine.

Benzophenones: Là một chất phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc với kem chống nắng ở Hoa Kỳ.

Cinnamates: Có trong kem chống nắng và được sử dụng như hương liệu và nước hoa trong kem đánh răng hay nước hoa. Những hóa chất này có liên quan đến Balsam của Peru, dầu quế, axit cinnamic và aldehyde. Những người dị ứng với cinnamates cũng có thể bị dị ứng với các hóa chất kể trên.

Salicylates: Các hóa chất phổ biến được sử dụng trong nhóm này bao gồm octyl salicylate, homosalate và bất kỳ hóa chất nào kết thúc bằng “-salicylate.” Salicylat ít gây viêm da tiếp xúc.

Dibenzoylmethanes: Gồm các hóa chất avobenzone và Eusolex 8020. Chúng thường được kết hợp với các chất hấp thụ hóa học khác trong kem chống nắng.

Octocrylene: Là một chất mới được sử dụng trong kem chống nắng nhưng đã được báo cáo là gây viêm da tiếp xúc. Nó tương tự như cinnamates và có thể được sử dụng cùng với hóa chất cinnamate trong kem chống nắng.

Thế nào là kem chống nắng an toàn?

Cho đến nay, các loại kem chống nắng tác dụng theo cơ chế vật lý chưa được báo cáo là gây viêm da tiếp xúc, gồm các chất chống nắng như oxit kẽm (zinc oxide) và titan dioxit (titanium dioxide). Các loại kem sử dụng màng chống nắng vật lý thường có dạng kem khá dày và không thấm hết vào da. Đây là các loại kem chống nắng mà những người bị dị ứng với kem chống nắng nói trên có thể dùng hoặc những người có lo ngại về việc bị dị ứng với kem chống nắng cũng nên dùng.


BS. Phạm Hồng
Ý kiến của bạn