Trong dịp Tết cổ truyền thường sử dụng nhiều nguyên liệu thực phẩm khác nhau để chế biến thành các món ăn thật phong phú, trong đó vị ngọt chiếm khá nhiều. Tuy nhiên, bạn cần dè chừng chất tạo ngọt nhân tạo ẩn chứa trong các loại thực phẩm ngọt ngào này.
Dè chừng chất tạo ngọt aspartame
Đường nhân tạo (artificial sugar) là các sản phẩm có thể dễ dàng tìm thấy ở các siêu thị với tên thương mại khác nhau như SugarTwin, Sweet’N Low, Equal, NutraSweet, Sunett, Sweet One, Splenda hoặc chúng được sử dụng trong các loại nước giải khát dành cho người ăn kiêng như Coke Light hoặc Pepsi Light... Ngay tên gọi cũng đã nói lên rằng loại đường này được sản xuất hoàn toàn nhân tạo và có độ ngọt hơn loại đường thông thường khá nhiều. Đây là loại đường lý tưởng dành cho người ăn kiêng hoặc béo phì vì chúng không hề chứa năng lượng. Một số loại có thể có vị hơi khác so với đường tự nhiên tùy vào khẩu vị của mỗi người.
Tuy đã được chứng minh là không gây ra ung thư nhưng Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn đưa ra ADI (Acceptable Daily Intake - Mức cho phép dùng hàng ngày) cho loại đường này nhằm tránh gây những phản ứng phụ không mong muốn, do đó cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các sản phẩm này.
Đường nhân tạo tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để an toàn cần sử dụng đường một cách vừa phải và điều độ. Các loại đường thay thế cũng không phải là nhân tố chính trong quá trình giảm cân. Không phải bất cứ sản phẩm nào được ghi “sugar-free” đều không có calo nếu ăn quá nhiều vẫn có thể gây tăng cân vì nó còn các thành phần khác chứa trong sản phẩm ấy.
Theo những kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy, khả năng gây ung thư của các chất tạo ngọt nhân tạo gia tăng trong quá trình mang thai ở chuột. Cụ thể, một nghiên cứu tại Đan Mạch trên 59.334 phụ nữ được tiến hành từ năm 1996 - 2002. Kết quả nghiên cứu này đã phát hiện ra nguy cơ sinh non đối với những người sử dụng hàng ngày thức uống có bổ sung chất ngọt nhân tạo. Do đó đã có khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em nên tránh sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo hoặc nếu có sử dụng thì nên ở mức độ vừa phải.
Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy, aspartame là chất ngọt hóa học được sử dụng nhiều trong sản xuất sô-đa và các loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp nhưng theo nghiên cứu lại thấy nó là thủ phạm gây đau đầu, khó chịu sau khi ăn, thậm chí còn gây hại cho tế bào não. Cũng qua nghiên cứu mỗi ngày uống 2 lon sô-đa có thể làm tăng nguy cơ béo bụng tới 50%, tăng đường huyết và khi được cơ thể tiêu hóa sẽ tạo ra chất formadehyde làm gia tăng nguy cơ ung thư cho con người.
Siro ngô (bắp) có hàm lượng fructose cao là loại chất ngọt được con người dùng cách đây trên 3 thập kỷ, có hàm lượng fructose cao hơn đường thông thường, dùng cho thực phẩm chế biến như bánh mì, sữa chua, salat... cũng là thủ phạm gây tích mỡ trong gan, làm cho cơ thể dễ tăng cân, béo phì.
Đường hóa học có nhiều loại như cyclamate, saccharin, aspartame, acesulfame-K, sucralose... Tuy nó có vị ngọt đậm nhưng không cung cấp năng lượng. Trong khi đó, đường hóa học lại dùng phổ biến trong các loại thực phẩm nhằm cung cấp dinh dưỡng (như nước ngọt có ga) hoặc có lượng calorie thấp (dành cho bệnh nhân cần kiêng đường hoặc muốn giảm cân). Song thành phần chủ yếu của đường hóa học lại chính là aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo. Do vậy, với cùng trọng lượng, đường hóa học có độ ngọt hơn hẳn đường thông thường từ 30 - 70 lần, thậm chí có thể đến 200 - 600 lần.
Cần nhớ rằng không có một loại đường hóa học nào hoàn toàn tốt và mỗi loại đều ảnh hưởng khác nhau đối với sức khỏe. Chẳng hạn đường cyclamate rất an toàn trong trường hợp không sử dụng quá nhiều. Đường saccharin có thể gây ra tình trạng béo phì, đột quỵ, táo bón, mất trí nhớ... bởi các chất ngọt nhân tạo đều có chứa chất aspartame, thủ phạm gây ra căn bệnh đau nửa đầu và ung thư.
Lạm dụng đường xấu da
Khi lạm dụng đường thông thường cũng dễ làm ảnh hưởng làn da như lão hóa, viêm da hay sinh mụn trứng cá. Cụ thể sự lão hóa da như elastin và collagen đều là các protein tham gia vào quá trình tái tạo và duy trì làn da. Nhưng khi một phần lượng đường được hấp thụ vào máu cũng trở thành protein và những phân tử mới này đã góp phần làm mất đi tính đàn hồi của các mô đang bị lão hoá, từ da cho đến các bộ phận và động mạch. Tác hại của chúng đối với làn da gây ra nếp nhăn, da chảy sệ, quầng thâm dưới mắt. Càng nhiều lượng đường lưu thông trong máu thì càng đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Ăn quá nhiều đường sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng lên, gây ra tình trạng viêm trong các tĩnh mạch của cơ thể. Nó còn gây ra tình trạng viêm da, nổi mẩn và ngứa. Các chứng viêm có thể dẫn đến vỡ mao mạch, mất độ đàn hồi da và gây tổn thương tới các tế bào da. Tất cả các biểu hiện đó đều khiến quá trình lão hóa xảy ra nhanh chóng. Vì vậy, hãy tránh ăn quá nhiều bánh ngọt và các loại thực phẩm chứa nhiều đường trong ngày Tết, nhất là phái đẹp. Việc sử dụng quá nhiều đường, hàm lượng đường dư thừa sẽ làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn dưới da và khi tiết ra ngoài dễ làm bịt kín lỗ chân lông, gây nên mụn. Do đó, nếu sử dụng thực phẩm quá nhiều đường có thể làm da mặt trở nên nhăn nheo, nhiều tàn nhang. Đường có tác động tới chất collagen trong cơ thể làm da chuyển màu nâu, xuất hiện các đốm lão hóa, đồng thời các sợi collagen bị kết dính khiến da nhăn và mất tính đàn hồi. Chocolate, kẹo hay những đồ uống chứa nhiều đường đều không tốt cho da. Bởi vậy, thay đổi thói quen dùng nhiều đồ ngọt có thể là cách phòng ngừa và trị mụn có hiệu quả nhất.
Trong ngày xuân vui vẻ thưởng thức những món ăn chế biến có vị ngọt như các loại chè, các loại bánh ngọt... thật tuyệt vời song cần thận trọng với chất ngọt nhân tạo để mùa xuân ấm áp và vui tươi thực sự đem lại cho ta mùa xuân của sức khỏe, đặc biệt đối với bà bầu đang phải chăm sóc dinh dưỡng cho những thiên thần đáng yêu trong bụng.