Hà Nội

Coi chừng cảm lạnh khi thời tiết chuyển mùa

11-10-2022 11:28 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Cảm lạnh là bệnh lý hay gặp, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Đây là một bệnh lý về hô hấp, do bị nhiễm virus đường hô hấp gây ra. Bệnh thường xuất hiện khi trời lạnh và mưa, hoặc có thể trong thời điểm thay đổi thời tiết một cách đột ngột.

1. Thế nào là cảm lạnh, biểu hiện của cảm lạnh?

Cảm lạnh là bệnh xảy ra do nhiễm virus ở đường hô hấp trên. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng thường gây khó chịu cho người mắc. Có nhiều loại virus khác nhau có thể là nguyên nhân cảm lạnh, nhưng Rhinovirus là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất. Đây cũng là nhóm virus gây kích thích những đợt hen cấp và liên quan đến các trường hợp nhiễm trùng xoang hay tai.

Người lớn khỏe mạnh có thể bị cảm lạnh trung bình từ 2-3 lần mỗi năm. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi có thể bị cảm lạnh thường xuyên hơn. Hầu hết bệnh đều tự phục hồi và khỏi bệnh sau khoảng 7–10 ngày. Triệu chứng bệnh có thể kéo dài hơn ở những người hút thuốc hay có hệ miễn dịch yếu.

Các dấu hiệu thường xuất hiện từ 1–3 ngày sau khi cơ thể nhiễm virus và có thể khác nhau ở mỗi người:

-Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Hắt xì

-Đau họng, viêm họng

-Đau đầu nhẹ

-Cảm thấy đau cơ

-Ho

-Có thể sốt nhẹ

-Cảm thấy khó chịu trong người

Dịch và chất nhầy ở mũi có thể đặc và có màu sắc hơi khác như màu vàng, xanh lá cây.... Đây là biểu hiện bình thường khi bị cảm lạnh, không phải là dấu hiệu của nhiễm khuẩn nên không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.

Coi chừng cảm lạnh khi thời tiết chuyển mùa - Ảnh 2.

Nghẹt mũi, hắt xì là biểu hiện đầu tiên của cảm lạnh

2. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần đi khám bác sĩ nếu đã sử dụng thuốc trị cảm lạnh nhưng các triệu chứng không cải thiện và trở nên nghiêm trọng hơn sau 3 tuần:

-Sốt trên 38,5 độ C và kéo dài hơn 5 ngày.

-Khó thở hoặc thở khò khè

-Đau họng đau đầu dữ dội

-Cảm thấy đau xoang; đau ngực.

Đối với trẻ em, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay nếu gặp bất kỳ biểu hiện:

-Sốt 38 độ C ở trẻ sơ sinh đến 12 tuần tuổi.

-Sốt ngày càng cao hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày

-Các triệu chứng nghiêm trọng như: nhức đầu, đau cổ họng hoặc ho; Khó thở, thở khò khè; Đau tai; Khó chịu; Buồn ngủ bất thường; Chán ăn.

3. Nguyên nhân gây cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh là do virus gây ra. Phổ biến nhất là các virus thuộc chủng Rhinovirus và Enterovirus. Con đường chủ yếu để virus xâm nhập vào cơ thể con người là qua mắt, mũi, miệng, hoặc cũng có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ít gặp hơn là các trường hợp nhiễm virus do tiếp xúc với các đồ vật chứa virus khi chạm vào hoặc dùng chung đồ với người bệnh.

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc cảm lạnh:

-Tuổi tác: trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng có nguy cơ dễ bị cảm lạnh nhất; Sau đó là người cao tuổi.

-Hệ thống miễn dịch kém: những bệnh nhân đang mắc phải các căn bệnh mạn tính hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

-Mùa thu và mùa đông là các khoảng thời gian khiến cho trẻ em và người lớn dễ bị nhiễm cảm lạnh nhất vì thời tiết thất thường.

-Hút thuốc: thường xuyên hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh.

4. Các biến chứng gay gặp

-Nhiễm trùng tai cấp tính (viêm tai giữa): Điều này xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ.

-Bệnh hen suyễn: Cảm lạnh có thể kích hoạt các cơn hen suyễn.

-Viêm xoang cấp tính: Ở người lớn hoặc trẻ em, cảm lạnh thông thường không giải quyết được có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng xoang.

-Các bệnh nhiễm trùng thứ phát khác: viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm phổi và viêm tiểu phế quản ở trẻ em.

5. Phương pháp điều trị cảm lạnh

Cảm lạnh là một bệnh lý không nguy hiểm, điều trị chủ yếu là tập trung vào các triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc xịt giúp thông mũi, thuốc ho làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số các biện pháp điều trị đơn giản mà hiệu quả:

-Vệ sinh mũi, miệng, họng sạch sẽ: Vệ sinh mũi sạch sẽ bằng cách hỉ mũi, đẩy các chất nhờn, nước mũi ra ngoài để ngăn chặn chúng xâm nhập sâu hơn, tránh tình trạng bệnh nặng hơn.

-Vệ sinh miệng và họng bằng cách súc miệng 2 - 4 lần/ngày bằng nước muối có tính sát khuẩn cao, giúp làm dịu cơn đau rát họng và kháng viêm hiệu quả.

-Uống nước ấm, nhất là nước chanh mật ong hoặc nước gừng làm tan đờm trong cổ họng, giảm ho và giảm cơn đau họng, giữ ấm cho cơ thể.

photo-1665395614926

Uống trà gừng, trà chanh mật ong ấm giúp cải thiện tình trạng bệnh

6. Phòng ngừa cảm lạnh

Các biện pháp phòng ngừa để làm chậm sự lây lan của virus cảm lạnh:

-Rửa tay: Hãy rửa tay thật sạch và thường xuyên bằng xà phòng và nước.

-Khử trùng đồ đạc: Lau sạch mặt bàn bếp và phòng tắm bằng chất khử trùng, đặc biệt khi trong gia đình bạn có người bị cảm lạnh. Giặt rửa chơi của trẻ theo định kỳ.

-Sử dụng khăn giấy: Hắt hơi và ho vào khăn giấy. Vứt khăn giấy đã dùng ngay, sau đó rửa tay cẩn thận.

-Không dùng chung ly hoặc dụng cụ uống nước với các thành viên khác trong gia đình. Sử dụng cốc thủy tinh hoặc cốc dùng một lần khi bạn hoặc người khác bị ốm.

-Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh.

-Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết lạnh nóng thất thường như hiện nay.

-Ăn uống đầy đủ chất, bổ sung thêm vitamin để nâng cao sức khỏe.

-Tập thể dục nâng cao thể trạng.

-Ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng.

Cách dùng tỏi chống lại cúm và cảm lạnhCách dùng tỏi chống lại cúm và cảm lạnh

SKĐS - Tỏi đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một gia vị và thuốc. Trên thực tế, ăn tỏi có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có việc bảo vệ khỏi cúm và cảm lạnh thông thường…


BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn