Mùa nắng nóng, mồ hôi, chất bã nhờn, bụi bẩn bám trên da nhiều là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào da gây bệnh. Cùng với tụ cầu, liên cầu cũng gây nhiều thể bệnh viêm da mủ trong mùa hè. Sau đây là các thể bệnh viêm da mủ thường gặp do liên cầu gây ra.
Chốc lây
Ở thể bệnh này liên cầu thường phối hợp với tụ cầu gây bệnh. Trẻ em bị bệnh nhiều hơn người lớn. Thường bắt đầu ở đầu, cổ, mặt, chân tay, từ đó lan ra các vùng khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Khởi đầu bằng một phỏng nước nhỏ, lùng nhùng hình tròn, xung quanh có quầng viêm đỏ. Lúc đầu chảy nước trong dần dần thành mủ đục giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn. Sau đó đóng vẩy tiết dịch vàng trông giống như mật ong.
Dưới lớp vẩy là một lớp trợt đỏ, nông, không cộm. Ở trẻ em, chốc đầu thành từng đám vẩy vàng sẫm, dính bết tóc, dưới lớp vẩy là da chợt đỏ, rớm nước. Chốc rải rác toàn thân, viêm hạch xung quanh tổn thương, kèm theo các triệu chứng sốt, đau, suy yếu. Biến chứng viêm cầu thận cấp với biểu hiện kèm theo là phù cẳng chân, mi mắt do viêm cầu thận. Điều trị chốc có nhiều vảy: đắp gạc chấm rửa các dung dịch sát khuẩn sau đó bôi cồn iod hoặc xanh-methylen.
Nếu chốc có phỏng mủ chưa vỡ thì dùng kim đã sát khuẩn chọc mủ ra, cho mủ thấm vào bông, không để mủ chảy lan ra vùng da lân cận. Sau đó chấm các loại thuốc màu như dung dịch milian xanh-methylen 1%, eosin 2% hoặc mỡ kháng sinh như mỡ chlorocid 1%, kem silver… Nếu có sốt, nổi hạch nhiều thì uống kháng sinh 7-10 ngày. Lưu ý khi tắm gội, tránh kỳ cọ mạnh lên tổn thương. Phòng bệnh: ở nhà trẻ không dùng chung chăn, khăn mặt với trẻ bị bệnh.
Tổn thương chốc loét ở chân do liên cầu. |
Chốc loét
Đây là viêm nhiễm do liên cầu nhưng tổn thương lan sâu đến trung bì. Bệnh thường gặp ở những người thiếu dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể kém, mắc bệnh đái tháo đường hoặc nghiện rượu. Thường gặp ở chi dưới, nhất là ở chi có giãn tĩnh mạch. Bệnh bắt đầu bằng một phỏng nước hoặc một phỏng mủ, sau khi phỏng mủ vỡ, đóng vảy dày màu vàng sẫm hoặc nâu đen, có vảy thành nhiều lớp đùn cao lên gọi là vảy ốc (rupia).
Khi bóc vảy để lại một vết loét đứng thành, nền tái, rớm mủ, ít nụ thịt, da xung quanh vết loét tái tím, tiến triển dai dẳng, lâu lành. Chốc loét nặng, tiến triển lâu ngày có thể thành loét sâu quảng với vết loét có ranh giới rõ, thường là hình bầu dục, có khi có gờ, loét rộng và sâu nền bẩn, tổ chức da xung quanh xơ cứng, màu tái tím, tiến triển rất dai dẳng.
Điều trị: rửa vết loét bằng dung dịch thuốc tím 1/4000 hoặc dung dịch rivanol 1%, sau chấm dung dịch nitrat bạc 0,25- 0,50%, rồi bôi mỡ kháng sinh. Cho bệnh nhân uống hoặc tiêm từng đợt kháng sinh. Chiếu tia cực tím tại tổn thương để kích thích lên da non. Nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng tốt, dùng vitamin A, nhóm B, C…
Hăm kẽ
Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ mập mạp hoặc ở người lớn béo phì, ra mồ hôi nhiều, nhất là những ngày nắng nóng. Hay gặp ở các nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, có khi ở rốn, các ngấn da. Các nếp kẽ tấy thành đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng. Do cọ sát, vệ sinh kém, đám trợt loét chảy nước, chảy mủ, rất đau.
Điều trị: rửa bằng nước thuốc tím 1/4000, chấm dung dịch yarish, nitrat bạc 0,25%, bôi thuốc màu, hồ nước, không nên bôi thuốc mỡ mà nên rắc bột talc boric 3% có tác dụng tốt. Phòng bệnh đối với trẻ em trong mùa hè cần năng tắm rửa, thay tã lót, rắc bột talc, phấn rôm vào các nếp kẽ.
Chốc mép
Bệnh thường gặp ở trẻ em, đơn độc hoặc kèm theo các tổn thương khác với biểu hiện: hai kẽ mép bị nứt trợt, rớm dịch, đóng vảy vàng dễ chảy máu, đau rát, làm trẻ khó bú. Hạch dưới hàm sưng đau. Điều trị: chấm dung dịch yarish, nitrat bạc 0,25% thuốc màu, sau bôi mỡ kháng sinh neomyxin, biomyxin 3%, chlorocid 1%...
Liên cầu Streptococcus pyogenes gây bệnh viêm quầng. |
Viêm quầng
Mầm bệnh là chủng Streptococcus pyogenes tăng độc tố, trước đây bệnh gây tử vong cao ngay cả khi nằm viện. Hiện nay ở trẻ sơ sinh, người già hoặc bệnh nhân có kèm các bệnh mạn tính thì cũng rất nặng. Vi khuẩn lan trực tiếp hoặc qua đường máu, đặc biệt khi có các chấn thương ở các mô thì sự mẫn cảm tăng lên hoặc khi bệnh nhân thiểu dinh dưỡng, nghiện rượu. Các tổn thương có xu hướng phù, viêm bạch huyết. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, các khuyết tật của hệ thống lymphô có thể làm cho hay mắc bệnh viêm quầng.
Thời gian ủ bệnh 2- 5 ngày, khởi phát với sốt cao đột ngột, co giật ở trẻ em kèm với đau đầu, sốt rét và nôn mửa. Vùng sắp tổn thương da căng và ngày thứ 2 thấy đỏ, phù, bóng. Đám viêm quầng màu đỏ tươi kích thước từ vài cm đến hàng chục cm, hơi cao hơn mặt da, nề, cộm, ranh giới rõ, có bờ con trạch gồ cao. Đau, khi bóp vào thì đau tăng. Phù nề mạnh ở mi mắt, sinh dục.
Nổi ban đỏ có giới hạn rõ và có thể thấy mụn nước ở ria hoặc có khi là đám phù nề, sưng nóng đỏ đau, ở giữa đám tổn thương là phỏng nước thậm chí loét hoại tử. Thường gặp tổn thương ở bụng trẻ sơ sinh; mặt, da đầu, tai ở trẻ lớn hơn. Người lớn gặp ở chân, ở mặt, ở tai... Bệnh nhân sốt cao li bì, hạch xung quanh vùng tổn thương sưng đau. Có thể có các biến chứng: viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm màng não, albumin niệu.
Điều trị: cần phải dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu, tiêm lincomycin, gentamycin hoặc rocephin 7-10 ngày. Trường hợp tái phát, phù hệ thống lymphô mạn tính phải dùng kháng sinh kéo dài hàng tháng, thậm chí lâu hơn nữa mới giải quyết được bệnh. Điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau, an thần, vitamin C, nhóm B... Cần điều trị phối hợp với các biến chứng như viêm cầu thận, áp-xe dưới da, nhiễm khuẩn huyết.
Chú ý, bệnh có thể tái phát khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch hoặc kéo dài của các yếu tố gây bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu: hệ lymphô bị phù nề, cơ thể mệt mỏi là triệu chứng báo trước cho đợt cấp hay các đợt tái phát xuất hiện ở các vị trí tổn thương cũ.
ThS. Nguyễn Thị Đào