Hà Nội

Coi chừng bị mắc bệnh gan do dùng thuốc

12-11-2019 13:21 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Trong sinh hoạt hàng ngày, một số người phải sử dụng thuốc và chất bổ sung để điều trị bệnh mắc phải hoặc điều chỉnh, hỗ trợ chức năng hoạt động của cơ thể.

Tuy nhiên, nếu dùng không đúng chỉ định của bác sĩ, thuốc và chất bổ sung chúng có thể gây tổn thương cho gan, dẫn đến những hậu quả nguy hại. Vấn đề này thường gọi là tổn thương gan do thuốc, viêm gan do thuốc hay mắc bệnh gan do thuốc; vì vậy cần được quan tâm để phòng ngừa.

Chức năng quan trọng của gan

Có thể nói gan là một cơ quan lớn nhất ở của cơ thể con người và chúng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Trên thực tế, chức năng của gan quan trọng đến nỗi nếu không có nó, cơ thể sẽ chết đi trong vòng 1 ngày. Các nhà khoa học cho rằng gan được xem như một nhà máy chế biến các chất dinh dưỡng hấp thu được từ thực phẩm ăn uống hàng ngày, cũng là một trung tâm giải độc cho thuốc và chất bổ sung được sử dụng để điều trị hoặc điều chỉnh, hỗ trợ chức năng của cơ thể.

Ngoài ra, gan cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các loại độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào trong cơ thể.Chúng có khả năng loại bỏ những độc tố ra khỏi dòng máu trước khi các độc tố này có thể di chuyển và xâm nhập đến các cơ quan khác gây nên sự nguy hại.Điều này không có nghĩa là gan có khả năng xử lý các độc tố mà không làm ảnh hưởng xấu đến gan vì một số chất độc có thể sẽ gây hại cho gan.

Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc hay chất bổ sung trong một thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh xơ gan, viêm gan hay tổn thương gan mạn tính thường gặp. Trên thực tế có những loại thuốc và chất bổ sung khi dùng đơn thuần hay phối hợp với các loại thuốc khác, hoạt chất bổ sung khác trong một thời gian ngắn cũng có thể gây tổn thương cho gan, kể cả thuốc có kê đơn của bác sĩ.

Coi chừng bị mắc bệnh gan do dùng thuốc

Tổn thương gan hay bệnh gan do thuốc

Tổn thương gan hay bệnh gan do sử dụng hoặc lạm dụng thuốc và chất bổ sung có thể là một vấn đề thách thức đối với bác sĩ trong việc chẩn đoán xác định khi người bệnh mắc một số bệnh lý khác có liên quan. Thông thường, nguyên nhân gây nên bệnh gan do thuốc được phát hiện khá dễ dàng và rõ ràng đối với các bác sĩ khi sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh nhưng trên thực tế trong một số trường hợp các nguyên nhân khác gây nên bệnh gan như viêm gan, ung thư gan, bệnh chuyển hóa hoặc bệnh về mạch máu... có thể phải cần xem xét, chẩn đoán loại trừ trước tiên, trước khi chẩn đoán bệnh gan do thuốc hoặc chất bổ sung. Khi đã xác định thuốc và chất bổ sung sử dụng bị nghi ngờ là nguyên nhân gây nên tổn thương gan, cần phải được dừng lại, không được tiếp tục dùng để xác định chẩn đoán.

- Với những nguy hại của việc sử dụng thuốc và chất bổ sung có thể ảnh hưởng làm tổn thương gan dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gan do thuốc đã được nêu trên, trong một số trường hợp sự tổn thương gan từ thuốc và chất bổ sung trên thực tế có thể phòng tránh được nếu tuân thủ các vấn đề sau đây: Chỉ sử dụng thuốc và các chất bổ sung, ngay cả với những loại chiết xuất từ thảo dược tự nhiên khi thực sự cần thiết. Không được sử dụng quá liều lượng mỗi ngày và số ngày dùng theo theo liệu trình được bác sĩ chỉ định.
-Phải bảo đảm bác sĩ đang điều trị bệnh lý cho mình biết rõ về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà mình đang sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc và chất bổ sung vitamin được kê đơn bởi bác sĩ khác hoặc ngay cả những chất bổ sung vitamin mình tự dùng.
-Cần thận trọng trong việc đọc kỹ hướng dẫn ghi ở nhãn thuốc để bảo đảm mình không dùng nhiều hơn cùng một lúc các loại thuốc, kem xoa hoặc thuốc mỡ có chứa acetaminophen vì có thể gây quá liều lượng sử dụng. Cần thông báo với bác sĩ điều trị biết rõ tiền sử của mình có bị tổn thương gan hoặc bị bệnh gan để cảnh báo thận trọng trong việc ra chỉ định điều trị, những người bị xơ gan nên được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa về gan mật.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương gan hay bệnh gan do thuốc và chất bổ sung cần được xem xét, phát hiện một cách kỹ càng, thận trọng, nghiêm túc gồm những biểu hiện ghi nhận ở người bệnh như: đau bụng và sưng vùng bụng, mất phương hướng hoặc bị nhầm lẫn, sốt; vàng da, vàng niêm mạc mắt, nước tiểu sẫm màu; buồn nôn và nôn ói, mệt mỏi và buồn ngủ nghiêm trọng... Lẽ đương nhiên cũng cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác về gan do người bệnh mắc phải như đã nêu ở trên để tránh nhầm lẫn.

Các loại thuốc và chất bổ sung gây tổn thương gan

Theo các nhà khoa học, các loại thuốc có liên quan đến khả năng gây tổn thương cho gan bao gồm: thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc trị tăng huyết áp methyldopa, thuốc trị cholesterol máu cao statin, vitamin A, vitamin B loại niacin...

Thuốc giảm đau acetaminophen: Đây là một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn, có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc, hiệu thuốc với một số tên biệt dược khác nhau như Tylenol, Excedrin... Chúng được sản xuất dưới nhiều dạng gồm thuốc uống cũng như kem xoa và thuốc mỡ dùng ngoài da để giảm đau cơ. Trên thực tế, acetaminophen có trong rất nhiều loại sản phẩm khác nhau nên có khả năng làm tăng nguy cơ sử dụng quá liều để giảm đau trong các trường hợp bị chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đau nhức mạn tính... và sẽ dẫn đến bị tổn thương gan sau đó.

Cần lưu ý nếu sử dụng thuốc đơn thuần hoặc dùng thuốc phối hợp không kê đơn hay có kê đơn chứa hoạt chất acetaminophen mà không có sự chỉ định, hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ là vấn đề mà các nhà khoa học không khuyến cáo người bệnh tự ý thực hiện, vì sẽ dẫn đến nguy cơ bị độc tính của thuốc làm nguy hại cho gan.

Một vấn đề cũng cần chú ý là sử dụng các đồ uống có cồn một cách thường xuyên trong khi đang dùng thuốc acetaminophen cũng có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương gan.

Thuốc chống co giật: Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng động kinh như phenytoin, valproate, carbamazepine... cũng có liên quan đến việc gây ra tình trạng tổn thương gan do thuốc. Tuy nhiên, do những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị ngăn ngừa bệnh lý động kinh nên nguy cơ gây nên tổn thương gan được xem là có khả năng vượt trội hơn so với lợi ích trong việc sử dụng để kiểm soát và dự phòng triệu chứng của chứng động kinh.

Thuốc kháng sinh: Thực tế các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng khá phổ biến để điều trị các bệnh nhiễm trùng, vì vậy có lẽ đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả gây tổn thương gan do thuốc. Trong hầu hết tất cả các trường hợp sử dụng kháng sinh, hậu quả nguy hại có thể xảy ra nhẹ nhưng các yếu tố ảnh hưởng gây rủi ro nhiều đối với nữ giới, người cao tuổi, mắc một số bệnh sẵn có hay tình trạng bệnh lý khác; cũng có thể bị tổn thương gan từ một loại kháng sinh khác mà trước đó chưa sử dụng.

Thuốc chống lao: Có thể nói thuốc chống lao cũng là một loại thuốc kháng sinh đặc hiệu được sử dụng để điều trị bệnh lao, trong đó thuốc isoniazid và rifampin được phát hiện là nguyên nhân có khả năng gây nên tổn thương gan do thuốc. Vì vậy những người bệnh sử dụng các loại thuốc này để điều trị bệnh lao cần phải được theo dõi một cách chặt chẽ để bảo đảm men gan không được vượt quá mức giới hạn bình thường cho phép, làm ảnh hưởng đến gan.

Thuốc trị tăng huyết áp methyldopa: Methyldopa là loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp hay huyết áp cao, thuốc được xác định là có thể gây tổn thương cho gan trong một số trường hợp. Hiện nay có một số thuốc điều trị tăng huyết áp khác có tác dụng hiệu quả và an toàn hơn được sử dụng thay thế nên methyldopa không còn được sử dụng phổ biến nữa. Đây cũng là loại thuốc được các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng và chống chỉ định dùng đối với những bệnh nhân đã biết có tiền sử rối loạn chức năng gan hay bệnh lý về gan.

Thuốc điều trị cholesterol cao statin: Statin là loại thuốc thường sử dụng để điều trị bệnh lý ở người bệnh có cholesterol trong máu cao và được các bác sĩ kê đơn chỉ định cho bệnh nhân điều trị khá phổ biến. Đây là loại thuốc được biết là có tác dụng làm cho nồng độ của men gan tăng cao ở một số người sử dụng, tuy nhiên, thông thường vấn đề tăng men gan có thể tự đào thải ngược khi ngừng dùng thuốc và sự nguy hại đối với gan không phải là vĩnh viễn.

Vitamin A: Vitamin A là một chất bổ sung được biết có khả năng gây tổn thương cho gan bao gồm acitretin, etretinate, isotretinoin... Các nhà khoa học cho rằng vitamin A khi được sử dụng vượt quá 100 lần so với mức cho phép hàng ngày, chúng có thể gây tổn thương cho gan. Loại chất bổ sung này đôi khi trong thực tế được sử dụng dài ngày để điều trị bệnh vảy nến hoặc mụn trứng cá nghiêm trọng nên nguy cơ gây tổn thương cho gan là vấn đề cần được lưu ý.

Vitamin B loại niacin: Niacin là dạng của chất bổ sung vitamin B (vitamin B3) thường được sử dụng để điều trị bệnh chlolesterol cao. Chúng có thể gây tăng nồng độ men gan hoặc tổn thương gan khi sử dụng liều lượng cao gấp nhiều lần so với liều lượng được khuyến cáo dùng hàng ngày ở một số bệnh nhân. Thực tế chất bổ sung này thường bắt đầu dùng với liều thấp và sau đó tăng dần theo thời gian để có thể theo dõi được tình trạng tổn thương của gan.

Một vấn đề cũng cần được lưu ý là ngoài các thuốc và chất bổ sung có thể gây tổn thương gan dẫn đến bệnh gan do thuốc đã được nêu ở trên, các loại thuốc và chất bổ sung khác không kê đơn, kể cả kê đơn không được nêu ra ở đây cũng có thể gây ra tình trạng làm nồng độ men gan cao hơn mức bình thường hoặc gây tổn thương cho gan.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn