Có lần trò chuyện trên bãi biển ở Hawaii (Mỹ), chị bạn - giáo sư Christin White tâm sự về nỗi đau của những gia đình có người thân là chiến binh mất tích ở Việt Nam. Bỗng chị hào hứng nói: “Tôi đã khám phá ra bài Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du trong cuốn tuyển tập Văn học Việt Nam tiếng Anh mà anh Nguyễn Khắc Viện là chủ biên. Tôi mong là tác phẩm viết cách đây hơn hai trăm năm có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh”.
Đọc Văn Chiêu hồn hẳn độc giả phương Tây nhớ đến hai áng văn tuyệt tác: một đoạn trong vở kịch Hamlet của Shakespeare (thế kỷ 16) miêu tả Hamlet và Horatio đến nghĩa địa và Bài thơ viết trong nghĩa địa lăng của Thomas Gray (thế kỷ 18). Phảng phất vẫn cái băn khoăn “Người nằm dưới mộ là ai đó?” của Tản Đà, cái bí ẩn về nỗi đau của người sống trong cõi phù du và người chết ở nơi u tỳ.
Chị C.White không thể không ngậm ngùi liên tưởng đến những MIA (chiến binh mất tích ở Việt Nam) khi đọc mấy câu của Nguyễn Du:
“Gió mưa thét rống đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người
... Bơ vơ góc bể bên trời
Bỏ thân da ngựa “biết vùng nào đâu?
Xót thương MIA “bơ vơ”... biết vùng nào đâu” và nghĩ đến lễ Mahikari: người ta thắp ánh sáng thiêng liêng ở Pearl Harbour (Trân Châu cảng) để làm dịu nỗi khổ của binh sĩ Mỹ chết khi Nhật oanh tạc bất thần năm 1941... Ánh sáng siêu thoát cho các oan hồn khỏi nỗi đau trần thế. Bài Văn Chiêu hồn đọc ngày Rằm tháng bảy vào dịp Tết Trung nguyên cúng các vong hồn lang thang cũng mang cùng ý nghĩa. Chị bảo “tôi” mơ tưởng tổ chức một thứ lễ giải oan như kiểu cúng Rằm tháng Bảy Việt Nam hay Mahikari”.
Đã lâu lắm không được tin chị White, không biết chị đã thực hiện được ý định đó chưa... Tôi nghe nói có anh bạn Mỹ Dan Duffy đã thực hiện một lễ như vậy ở Pháp.
Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, người ta tin là người chết ở cõi dương, linh hồn vẫn tồn tại ở cõi âm, luôn luôn có mối liên hệ hai cõi âm dương. Người Việt thờ cúng tổ tiên, đến ngày giỗ Tết, các cụ hiện về và từ cõi âm luôn ban phúc cho con cháu cõi dương.
Người Ede Mdhur ở Phú Yên có một quan niệm sống-chết thật bình dị và nên thơ. Một người qua đời là việc của cả làng. Thi hài được đặt vào áo quan là một cây gỗ thân khoét rỗng. Cả buổi cúng lễ, nói có vần điệu và hát sử thi. Lấp huyệt xong, làm nhà mồ, trong có treo các đồ vật thường dùng của người mất như dao, gùi hòm quần áo. Nhà mồ được rào bằng tre, gỗ nhọn để chống thần xấu và thú dữ. Trước nhà mồ có một cái bản để đặt cơm rượu cúng mỗi tháng một lần. Sau một năm làm lễ bỏ mả, nhà mồ được làm lại gồm 7 cột kut làm cầu nối cõi âm và cõi dương. Cúng xong là hồn về, ở luôn A Tâu. Trước và sau lễ, một người nhảy múa đi vòng quanh nhà mồ trong tiếng trống chiêng. Hôm ấy có lễ đâm trâu ăn mừng, lại nhảy múa một ngày đêm. Lễ bỏ mả ăn mừng cho người chết được giải thoát sau 12 tháng bơ vơ, lẩn quất bên mộ chờ cúng lễ. Hồn về bản sống bình an ở cõi âm khiến người sống vui vì khỏi lo. Hồn biến hóa 7 lần, thành một giọt sương đậu trên một chiếc lá, đợi ngày nhập vào thân thể một đứa trẻ sơ sinh trong buôn. Hồn sống trong dòng họ ở buôn mình. Như vậy, không có ai chết, không phải thờ cúng tổ tiên như ta.
Người Mehico tin là nhiều linh hồn trẻ em chết yểu sẽ trở lại cõi dương để tiếp tục sống vào đêm đầu tiên tháng 11. Vì vậy, họ trân trọng chuẩn bị đồ cúng lễ hội và hoa. Cũng đêm đó, hồn người lớn lên trần viếng người thân thuộc. Người ta tin là các linh hồn trẻ em đã được giải thoát khỏi các nỗi đau khổ của cuộc đời. Một lễ của người da đỏ Aztec ở Mehico gắn với lễ của Công giáo, kết hợp cõi âm và cõi dương. Đó là dịp người ta có thể tiếp cận được với các người thân đã mất, làm trò đùa về cái chết, cầu cho mình được qua đời yên lành khi đến lượt mình ra đi. Do ảnh hưởng dân Hoa Kỳ ở phía Bắc, các tục lệ này đã bớt dần, nhưng ở một số địa phương còn tồn tại và được khách du lịch tìm xem.
Trước khi người Tây Ban Nha chiếm Mehico, thổ dân cho việc quan trọng nhất của đời người là khi chết đến được miền Mietlan thần bí, người chết thành linh hồn có thể đưa đường họ tới đó. Một ngày trước đó, các gia đình đều thắp nến và treo các chùm hoa vàng chiếu đường đến đất hứa.
Các gia đình có trẻ em chết yểu thì lập hương án bày bánh kẹo, đặc biệt kẹo socola hình đầu lâu đủ các cỡ, có đề tên lẫn lộn người chết người sống: hai cõi âm dương nhập vào nhau. Do ảnh hưởng Công giáo, hội lễ cổ truyền người da đỏ nhập vào lễ Các Thánh...